Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chống hạn, mặn ở ĐBSCL: lại bàn!

12:00 | 29/04/2016

Dưới sự chủ trì của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cùng lãnh đạo 13 địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần đây đã có hai hội nghị để bàn giải pháp giúp khu vực này ứng phó với hạn và xâm nhập mặn. Thế nhưng, tại cuộc họp diễn ra hôm nay (28-4) ở Sóc Trăng với cùng chủ đề, lãnh đạo bộ này cùng các địa phương trong vùng lại tiếp tục… bàn!

Dù đã có nhiều hội nghị bàn giải pháp ứng phó hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, nhưng hôm nay tiếp tục có

một cuộc họp lại bàn về nội dung này. Trong ảnh là nông dân Sóc Trăng đang tưới nước cho ruộng bí đao của mình -

ảnh chụp ngày 27-4. Ảnh: Trung Chánh

Quay ngược lại thời gian, gần hai tháng trước, ông Nguyễn Tấn Dũng trong cương vị Thủ tướng lúc đó đã chủ trì hội nghị phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL tại Thành phố Cần Thơ vào ngày 7-3-2016.

Tại hội nghị này, các ban ngành liên quan cùng lãnh đạo một số tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã phân tích những khó khăn, thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn gây đồng thời đưa ra các giải pháp ứng phó như nạo vét kênh mương trữ ngọt; đắp đê ngăn mặn; xây dựng hồ chứa nước; khoan giếng ngầm; mở vòi nước công cộng phục vụ nước sinh hoạt cho người dân...

Đồng ý với các giải pháp đề xuất, Thủ tướng lúc đó đã yêu cầu nhanh chóng giải ngân tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lập kế hoạch và phân bổ nguồn vốn đầu tư các công trình phòng chống hạn -mặn, chỉ đạo cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, khoanh, giãn nợ cho những hộ bị thiệt hại do thiên tai và có chính sách đầu tư tái cấp vốn giúp người dân khôi phục sản xuất…

Điều đáng nói là trước đó 20 ngày, 17-2-2016, cũng tại Cần Thơ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - nay là Thủ tướng Chính phủ - cũng chủ trì hội nghị về vấn đề trên và chỉ đạo phải ưu tiên kinh phí cho ĐBSCL để phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Ông còn đặc biệt yêu cầu các địa phương “không để người dân đói, thiếu nước, dịch bệnh do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra”.

Thế nhưng sáng hôm nay tại Sóc Trăng, trong cuộc họp giao ban về “Công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL” do Bộ NNPTNT tổ chức dưới sự chủ trì của tân Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nội dung lại tiếp tục được diễn tiến theo trình tự: trình bày thiệt hại khó khăn; đề xuất giải pháp tháo gỡ và kiến nghị trung ương hỗ trợ…lại được lặp lại lần nữa.

Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp này, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết biện pháp ứng phó hạn, mặn của địa phương là tập trung công tác thông tin tuyên truyền, giúp người dân hiểu được ảnh hưởng của hạn, mặn để họ có thể chủ động ứng phó. “Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo và giao Sở NNPTNT và Ủy ban nhân dân các huyện rà soát và lên kế hoạch nạo vét kênh mương dẫn và trữ ngọt sử dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp”, ông cho biết.

Theo ông Nhịn, đến thời điểm này, địa phương có 56.000 héc ta lúa bị thiệt hại năng suất từ 30% trở lên với tổng sản lượng bị thiệt hại gần 200.000 tấn, tương đương thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng. “Các loại đối tượng (cây trồng, vật nuôi) khác, thì chúng tôi chưa thống kê được”, ông nói.

Trong khi đó, sau khi trình bày các giải pháp ứng phó cũng như những thiệt hại đã xảy ra do hạn và xâm nhập mặn tại địa phương, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã kiến nghị với trung ương nhanh chóng đầu tư xây dựng các công trình nhằm giúp địa phương ứng phó với hạn và xâm nhập mặn đang ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tại cuộc họp hôm nay, đã có ít nhất ba địa phương trong vùng nhắc đi nhắc lại về việc các đề xuất của họ đã được trình bày trong những cuộc họp trước đó và yêu cầu Chính phủ sớm bố trí vốn để triển khai thực hiện các dự án.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các bộ ban ngành liên quan và địa phương trong vùng ĐBSCL cần nhanh chóng vào cuộc thực hiện các biện pháp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống người dân. Ông cho rằng trong quá trình chỉ đạo các địa phương ứng phó với hạn và xâm nhập mặn phải có sự phối hợp, tức không thể tách các địa phương mà phải trên cơ sở liên kết khai thác các nguồn lực về tài nguyên, công trình...

Trong vòng hai tháng đã có ba cuộc họp chính phủ bàn về vấn đề này. Thiết nghĩ với những diễn biến phức tạp của hạn  hán và xâm nhập mặn, có ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân vùng ĐBSCL, các cơ quan chức năng nên sớm cho triển khai các giải pháp ứng phó, thay vì là họp bàn đề xuất, rồi lại tiếp tục họp bàn, đề xuất!

Bởi như lời Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: “Tôi xin nhấn mạnh, người dân là trung tâm của chúng ta, là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi có thiên tai xảy ra, cho nên tôi đề nghị phải tập trung.”

Theo Saigontimes.

undefined