Chính sách

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam

12:00 | 03/04/2019

Bộ Tài chính đang dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam, trong đó đề xuất chia lộ trình áp dụng chuẩn Báo cáo tài chính quốc tế thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2022 đến 2025; giai đoạn 2 từ sau 2025.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chưa áp dụng chuẩn Báo cáo tài chính  quốc tế (IFRS) cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC). Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2005, Bộ Tài chính đã ban hành 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) trên cơ sở vận dụng có chọn lọc các quy định của chuẩn mực quốc tế phù hợp với điều kiện nền kinh tế và trình độ quản lý trong nước.

Hiện nay tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam đều đang áp dụng VAS cho việc lập và trình bày BCTC. Tuy nhiên, do đã được ban hành cách đây hơn 10 năm, chưa được sửa đổi, bổ sung nên VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa phù hợp với các giao dịch của kinh tế thị trường trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều loại công cụ tài chính phức tạp.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình cải cách hành chính và thể chế một cách mạnh mẽ, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên sôi động, nhu cầu các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết hoặc thu hút vốn trên thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng. Đặc biệt thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Từ thực tế nêu trên, có thể thấy rằng việc áp dụng chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế vào Việt Nam là rất cần thiết và mang tính tất yếu, khách quan. Việc đưa IFRS vào áp dụng ở Việt Nam sẽ tạo bước ngoặt căn bản cho công tác tài chính, kế toán tại doanh nghiệp, mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

Chia lộ trình áp dụng IFRS thành 2 giai đoạn

Dự thảo đề xuất chia lộ trình áp dụng IFRS thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2022 đến 2025; giai đoạn 2 từ sau 2025.

Do việc áp dụng IFRS là một công việc mới mẻ, ngoài những lợi ích to lớn mà IFRS mang lại cho nền kinh tế, doanh nghiệp và công chúng thì cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, cách tiếp cận của Việt Nam là thận trọng, áp dụng từng bước để tránh những tác động không mong muốn (nếu có). Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi và doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị các nguồn lực, xây dựng lại hệ thống quản trị, thông tin thì việc áp dụng IFRS cần chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 từ năm 2022 đến 2025 sẽ hướng đến việc cho phép doanh nghiệp tự nguyện áp dụng. Theo đó những doanh nghiệp lớn đã có nền tảng và đủ điều kiện về nguồn lực sẽ áp dụng IFRS trước để rút kinh nghiệm chung cho các doanh nghiệp khác.

Giai đoạn 2 sau năm 2025, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả của giai đoạn 1 sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng theo hướng vừa có đối tượng bắt buộc, vừa có đối tượng tự nguyện áp dụng IFRS.

Tiếp cận theo hướng này sẽ đảm bảo phù hợp với đặc điểm và trình độ quản lý của các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như yêu cầu quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước. Như vậy, từ năm 2019 đến năm 2021 là thời gian để Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khi triển khai áp dụng IFRS trong thực tế.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo VGP

undefined