Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Người dân Hà Nội loay hoay sống chung với ô nhiễm không khí

12:00 | 06/12/2023

Tuần qua thủ đô Hà Nội liên tục đứng trong bảng xếp hạng các thành phố không khí ô nhiễm nhất thế giới theo AirVisual. Những ngày cuối tuần, tình trạng đã cải thiện nhưng chúng ta vẫn trong mùa ô nhiễm không khí nhất năm.

Thực tế chứng minh, các giải pháp cơ quan chức năng đã thực hiện ứng phó với ô nhiễm không khí chưa hiệu quả, còn người dân vẫn đang phải loay hoay “chịu trận”.

Chị Hồng Trâm đã từng phải chuyển nhà từ đường Nguyễn Đình Thi sang Nhật Tân vì dù sống cách hồ Tây vài trăm mét mà vẫn phải hít bụi cả ngày. Nhưng nơi ở mới càng khiến cả nhà khó thở hơn khi cách công trình sửa đường Âu Cơ không bao xa. Chị đang phải mang bé thứ hai trong nhà đi khám tai mũi họng bởi thành phố đang bước vào mùa ô nhiễm liên miên không dứt.

“Không khí như thế này rất ảnh hưởng đến bé, viêm mũi rồi viêm phế quản. Mình cũng phải dọn dẹp nhà thường xuyên đỡ bụi. Rất bụi. Nhà sáng vừa lau lúc sau đã bụi rồi. Ở trong ngõ đấy mà vẫn bụi. Có thể tại chỗ nhà mình đang làm đường nữa. Thường xuyên phải lau dọn rồi có máy lọc không khí cho bọn trẻ con”, chị Trâm nói.

Cùng chung tình cảnh với chị Trâm, bạn Vũ Thị Hường chỉ có thể loay hoay chịu trận với một mùa đến hít thở cũng khó khăn. Chứng đau đầu đến hẹn lại lên khi gặp không khí ô nhiễm. Nhưng bởi tính chất công việc, Hường không thể ngồi mãi trong nhà: “Sáng sớm đi ngoài đường rất bụi, chất lượng không khí đi xuống trầm trọng làm cho cơ thể mình không kịp thích ứng. Em bị đau đầu, ho, sổ mũi. Bình thường đeo một cái khẩu trang, mấy ngày nay phải đeo 2-3 cái mới đủ. Bản thân mình phải tự thay đổi, thích nghi thôi”.

Cách đây 4 năm, Hà Nội cũng đã chỉ ra các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí cho thành phố bao gồm: khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn gây ô nhiễm để triển khai giải pháp cụ thể, phù hợp về chính sách và công nghệ.

Nhưng cho tới nay, ô nhiễm không khí dường như trở thành một mùa như các mùa trong năm. Chất lượng không khí có xu hướng diễn biến xấu, khi nhiều địa điểm vẫn ở ngưỡng đỏ và tím, thậm chí có nơi ở ngưỡng nguy hại.

PGS.TS Phạm Bích San, chuyên gia xã hội học nhận định về những giải pháp ứng phó ô nhiễm: “Hình như chúng ta không biết cách ứng xử hiệu quả. Cảm thấy vấn đề môi trường là vấn đề của ai đấy. Câu chuyện môi trường đang là chuyện quan trọng nhất cần lo lắng chứ không vẫn trong tình trạng như chịu trận, không biết chuyện gì xảy ra trong tương lai”.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đồng tình với nhận định vấn đề ô nhiễm không khí chưa được cơ quan chức năng quan tâm đúng mức: “Làm cái gì bây giờ phải biết là cái gì đang xảy ra và tại sao. Đầu tư của ta về không khí so với nước thải và rác thải rất thấp, cực thấp. Đề tài nước rất nhiều, đề tài không khí rất ít”.

Ông Hoàng Dương Tùng cũng đặt câu hỏi: “Ô nhiễm không khí cần được coi là vấn đề cấp bách phải thực hiện ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả tại từng khu vực, chính người dân liệu có sẵn sàng chi trả cho các hoạt động cải thiện cải thiện chất lượng không khí, như kiểm tra khí thải xe máy hay không?”



undefined