Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học ở Việt Nam và trên thế giới - Giải pháp thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên Việt Nam

12:00 | 30/09/2024

Tóm tắt: Chỉ số đổi mới sáng tạo của (ĐMST) Việt Nam liên tục tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, vị trí 44 năm 2021, 48 năm 2022 và vị trí 46 năm 2023. Tuy nhiên, các trường đại học ở Việt Nam mới chỉ chú trọng vào hoạt động đào tạo mà chưa có điều kiện tập trung cho nghiên cứu khoa học (NCKH), ĐMST, phát triển công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp và kết nối với doanh nghiệp. Sinh viên mới chỉ học lý thuyết mà ít có cơ hội thực hành, chưa phát huy và tận dụng tối đa khả năng sáng tạo. Nghiên cứu này tập trung vào đánh giá hoạt động giáo dục khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học ở Việt Nam thời gian qua nhằm giúp các nhà cải cách, các nhà giáo dục và các nhà quản lý có thêm cách nhìn mới đúng hơn về bản chất của đổi mới, khởi nghiệp và sự cần thiết của đào tạo kiến thức về khởi nghiệp trong các trường đại học. Trên cơ sở đó, đưa ra một số giải pháp thúc đẩy hình thành ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên Việt Nam nhằm góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc. Từ khóa: khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, học sinh, sinh viên Việt Nam

Khởi nghiệp là gì? Các mô hình khởi nghiệp giúp bạn biến ý tưởng thành hiện  thực - Finhay


1. Đặt vấn đề

1.1. Cơ sở pháp lý về khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam

- Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 có hiệu lực ngày 01/07/2018 quy định nội dung cho phép sử dụng quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo;

- Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 quy định các nội dung chính về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và có cơ chế cho phép địa phương đối ứng đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo với các quỹ đầu tư tư nhân;

- Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 11/3/2018 về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cho phép việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, quy định việc sử dụng ngân sách địa phương cùng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo;

- Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”;

- Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”;

- Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ngày 30/3/2018 về việc ban hành kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Như vậy, đến nay Nhà nước, các cơ quan ban ngành đã ban hành nhiều khung pháp lý đồng bộ nhằm hỗ trợ cho khởi nghiệp và giáo dục đào tạo KN, ĐMST tại các trường đại học. Đây chính là các cơ sở pháp lý có tính hệ thống và có tác dụng tích cực thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở các trường đại học trong xu thế phát triển chung của đất nước.

1.2. Khái niệm khởi nghiệp, lập nghiệp và đổi mới sáng tạo

Hiện nay, còn có nhiều cách hiểu về khởi nghiệp và lập nghiệp là giống nhau. Tuy nhiên, cần phân biệt khởi nghiệp và lập nghiệp.

Khởi nghiệp (sáng lập) được hiểu là những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh và khởi nghiệp là một tổ chức thiết kế nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn (Wikipedia, 2018). Eric Ries (2011), khởi nghiệp là một định chế/tổ chức con người được thiết kế nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới trong các điều kiện cực kỳ không chắc chắn. Theo Business Dictionary (2018), khởi nghiệp là sự sẵn sàng mạo hiểm và sáng tạo để thành lập doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, khái niệm “Startup” được hiểu là “quá trình khởi nghiệp (sáng lập) dựa trên việc tạo ra hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và có khả năng tăng trưởng nhanh”. Trong tiếng Anh, khởi nghiệp là Startup, được dùng với nghĩa hẹp là các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp, còn hiểu theo nghĩa rộng là nói về những công ty đang bắt đầu kinh doanh nói chung. Startup đòi hỏi phải có sự đổi mới, sáng tạo, điểm chính là phải tạo ra được sự khác biệt nào đó mà chưa có trên thị trường hoặc tạo ra một hoạt động tốt hơn so với những gì đang có sẵn. Chẳng hạn như một phân khúc mới trong sản xuất, một mô hình kinh doanh mới hoặc một loại công nghệ độc đáo… Khởi nghiệp được hiểu đơn giản là theo đuổi những quyết định mạo hiểm trong tương lai. Khởi nghiệp là quá trình không thể thiếu trong kinh doanh nhưng do tính chất rủi ro nên không phải khởi nghiệp nào cũng thành công.

Đổi mới sáng tạo, theo OECD (2005), đổi mới là tất cả khoa học, công nghệ, tổ chức, tài chính và các bước thương mại thực sự, hoặc dự định, dẫn đến việc thực hiện. Luật Khoa học và công nghệ Việt Nam (tại Khoản 16 Điều 3 năm 2013) định nghĩa “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”. Đổi mới là động lực thúc đẩy sự phát triển của một nền kinh tế (Rose và cộng sự, 2009), là hoạt động dựa trên công nghệ và có khả năng tăng trưởng nhanh (cơ quan phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Hoa Kỳ). "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải dựa trên một công nghệ mới, hoặc tạo ra hình thức kinh doanh mới, hoặc xây dựng một phân khúc thị trường mới” (Steve Blank, Bob Dorf - nhà nghiên cứu về khởi nghiệp). Với những đặc điểm đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhanh chóng thu hút được đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nhanh, như Facebook, Google, Uber, Grab… chỉ trong 2-3 năm đã phát triển để trở thành các tập đoàn lớn. Khởi nghiệp sáng tạo là quá trình hiện thực ý tưởng kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh.

Lập nghiệp trong tiếng Anh là Entrepreneurship có nguồn gốc từ tiếng Pháp “Entreprendre” với ý nghĩa là sự đảm đương, bắt đầu công việc kinh doanh là quá trình thực hiện toàn bộ các công việc cần thiết để triển khai một hoạt động kinh doanh. Một doanh nghiệp đầu tư một chuỗi bán phở, bán cà phê… chỉ có thể gọi là lập nghiệp, chứ không thể gọi là khởi nghiệp.

Như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không giống như các doanh nghiệp thương mại, sản xuất truyền thống vì yếu tố nghiên cứu công nghệ và sáng tạo trong các doanh nghiệp khởi nghiệp rất cao. Khởi nghiệp sáng tạo gắn liền với nhiều rủi ro, nhưng nếu vượt qua các khó khăn thì có thể đem lại các giá trị kinh tế rất lớn vì sản phẩm, mô hình của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có giá trị gia tăng cao và đặc biệt là có khả năng nhân rộng.

1.3. Bối cảnh khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng khởi nghiệp dồi dào, có quyết tâm khởi nghiệp và tư duy chấp nhận thất bại cao, văn hóa khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển khá mạnh mẽ. Điều đó thể hiện ở số lượng và chất lượng ở các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo thống kê của tạp chí Echelon, Singapore, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Việt Nam hiện có khoảng 15.000 start-up đang hoạt động tập trung chủ yếu tại 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Nhiều start-up Việt đã gây tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế như mWork, Cốc Cốc, Prime Circa, Appota, Divmob, Colorbox, DesignBold… Nhiều start-up đã chiến thắng các cuộc thi khởi nghiệp quốc tế được tổ chức tại Việt Nam và tham gia tranh tài với các doanh nghiệp khác trên toàn thế giới như Hachi, hiSella, Younet, Umbala, Triip.me…Tiềm năng của start-up được khẳng định rõ nét qua các thương vụ đầu tư hàng triệu đô la Mỹ vào Lozi, Momo, OnOnPay. Theo đánh giá không chính thức của Diễn đàn Khởi nghiệp trẻ, tính đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp công nghệ.

Về hoạt động tài chính, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam. Thống kê của tổ chức Topica Founder Institute (TFI) cho thấy, năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD). Năm 2017 cũng ghi nhận sự thay đổi trong trào lưu đầu tư vào các DN khởi nghiệp so với năm 2016. Năm 2016 được đánh giá là năm của các DN khởi nghiệp về công nghệ tài chính. Lĩnh vực này nhận được nhiều khoản đầu tư nhất với 129,1 triệu USD, chiếm 63,8% tổng số tiền đầu tư. Cũng trong năm 2016, lĩnh vực thương mại điện tử đứng thứ hai với 34,7 triệu USD, bằng 26,87% so với lĩnh vực công nghệ tài chính. Đến hết năm 2017, lĩnh vực thương mại điện tử vươn lên dẫn đầu với 83 triệu USD, chiếm 33% số vốn đầu tư. Còn lĩnh vực công nghệ tài chính nhận được 57 triệu USD tiền đầu tư, bằng 50% so với năm 2016, tụt xuống xếp hạng thứ hai. Năm 2018, dù cùng tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư, nhưng tổng số vốn đã tăng gấp 3 lần so với năm 2017, trong đó có những giao dịch trên 40 triệu USD đầu tư vào Yeah1, Sendo, Topica và 7 thương vụ không tiết lộ.

Về truyền thông, hàng trăm sự kiện, chương trình khởi nghiệp diễn ra trên cả nước, có thể kế đến như chương trình sharktank, cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp, CEO chìa khóa thành công. Bên cạnh đó, số lượng các kênh báo chí, chuyên mục, chương trình truyền hình về khởi nghiệp càng ngày càng tăng.

Hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Để khởi nghiệp thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, quan trọng nhất là người khởi nghiệp cần được đào tạo, tư vấn và hỗ trợ kiến thức chuyên môn trước khi tiến hành các hoạt động khởi nghiệp.

2. Khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học ở Việt Nam

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cùng với khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo được coi là 3 đột phá chiến lược. Trong đó, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả KH&CN. “Trường đại học là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống ĐMST quốc gia. Các trường đại học mạnh phải là chủ thể nghiên cứu mạnh, là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp con người, ý tưởng sáng tạo cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp”. “Các trường đại học Việt Nam tiến tới mục tiêu không chỉ là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho xã hội, mà còn trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, nơi đi đầu trong các hướng nghiên cứu mới tiên phong, nơi cung cấp các giải pháp công nghệ, kỹ thuật và quản lý có chất lượng cho khu vực doanh nghiệp, nơi ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo của thế hệ trẻ, các doanh nghiệp KNST có tiềm năng tăng trưởng cao”. Các trường đại học (đặc biệt là các trường khối kỹ thuật và công nghệ) cần khuyến khích, dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ, trung tâm ĐMST, xưởng thiết kế chế tạo của sinh viên; hỗ trợ hoạt động KNST của sinh viên năm cuối và cựu sinh viên thông qua các không gian sáng tạo chung hoặc các chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong số ít trường đại học ở Việt Nam có nhiều hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái KNST nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực trình độ cao. Trường đã thành lập Công ty BK Holdings kết nối với 25 viện đào tạo và nghiên cứu, 150 nhóm nghiên cứu với 400 dự án/năm, hình thành hệ thống cơ sở ươm tạo và các trung tâm công nghệ liên kết để chuyển giao hướng đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, việc kết nối và cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp của trường vẫn còn hạn chế.

Tiếp cận từ thực tiễn đào tạo kỹ thuật, TS Nguyễn Văn Thiện, Trưởng khoa Cơ khí (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng, các trường cần xây dựng các phòng học thông minh và có sự hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp và nhà trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ Phần Lan triển khai Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan, giai đoạn 2 (IPP2) từ năm 2014 đến 2018. Chương trình đã khởi động việc hợp tác với các trường đại học Việt Nam để thí điểm đưa nội dung ĐMST và khởi nghiệp vào giảng dạy trong các trường đại học; đưa cán bộ, giảng viên các trường đại học Việt Nam sang học hỏi mô hình thành công của các trường đại học Phần Lan; hỗ trợ các dự án phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp trong các trường đại học Việt Nam.

Cuối năm 2017, “Cánh tay robot đút thức ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson” của nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) đã đoạt giải nhất trong cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc, vượt qua hàng ngàn đề tài nghiên cứu đến từ 77 trường đại học. Sau đó, dự án này được các doanh nghiệp Singapore quan tâm, ngỏ ý mua bản quyền và đầu tư cho việc tiếp tục nghiên cứu chế tạo sản phẩm ưu việt hơn, hướng tới việc thương mại hóa. Trước đó, sinh viên ở đây đã từng nổi tiếng trên các báo với hàng loạt máy bán phở, bán bánh mì, bán trà sữa…tự động. Mỗi năm, riêng khoa cơ khí chế tạo của trường đều nhận được từ 30 đến 40 đơn đặt hàng của doanh nghiệp cho những thiết bị cải tiến quy trình sản xuất và dịch vụ. Một loạt dự án do sinh viên thực hiện thành công và trở thành sản phẩm bán trên thị trường của HCMUTE không đến từ môn học mang tên “khởi nghiệp” hay đổi mới sáng tạo hoặc các cuộc thi và sự kiện khởi nghiệp của trường mà đến từ việc phương pháp “học theo dự án” (project-based learning), theo đó, nội dung của hầu hết các môn học đều gắn liền với một sản phẩm phục vụ thực tiễn. “Hay nói cách khác, môn học sẽ hỗ trợ việc sản xuất chế tạo một sản phẩm nào đó” – TS. Nguyễn Trường Thịnh, trưởng khoa Khoa Cơ khí Chế tạo máy nói và cho rằng đây là xu hướng toàn cầu và “chúng ta không có cách nào khác là phải đi theo”. Ngay từ năm thứ nhất đại học, sinh viên đã được làm quen với phương thức giảng dạy này trong môn học nhập môn. Môn học được xây dựng xoay quanh việc sinh viên phải tự lập nhóm và triển khai một sản phẩm tự động hóa đơn giản, chẳng hạn như “tập làm múa rối nước tự động” (thay thế cho các nghệ nhân dưới nước). Các môn chuyên ngành về sau sẽ hướng tới các dự án phức tạp hơn, nhiều khi gắn liền với đặt hàng của doanh nghiệp thành sản phẩm hoàn chỉnh có thể thương mại hóa được. Ngoài “máy bán phở tự động” còn có “người hùng đường Cống” – một robot dọn rác trong đường ống ngầm hay máy lau lá chuối tự động cho công ty Thọ Phát (được biết đến chủ yếu với sản phẩm bánh bao, trước đây công ty phải có một bộ phận chuyên lau lá chuối bằng tay, năng suất thấp).

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng (VNUK) là cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong hoạt động thúc đẩy giáo dục khởi nghiệp ĐMST tại Đà Nẵng. Ngày 12/04/2019, VNUK có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tìm hiểu thực trạng vận hành và phát triển các vườn ươm, giáo dục KNST trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tại buổi làm việc TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng đã báo cáo về hoạt động giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại VNUK. Cách thức VNUK đã xây dựng hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp bao gồm văn hóa thúc đẩy KNĐMST tại VNUK, nội dung chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy cũng như các dịch vụ hỗ trợ. Về nội dung chương trình giáo dục khởi nghiệp, VNUK áp dụng nội dung tích hợp gồm hai cấu phần là Tư duy thiết kế và khởi nghiệp tinh gọn; Học phần khởi nghiệp được giảng dạy trong năm thứ nhất cho sinh viên tất cả các khối ngành gồm: Kinh doanh quốc tế, Khoa học Y sinh và Khoa học và Kỹ thuật máy tính; Việc giảng dạy được triển khai kết hợp một phần lý thuyết còn phần lớn dành cho việc thực hành. Sinh viên tiếp xúc với đối tượng khách hàng mục tiêu trong suốt quá trình phát triển dự án; Kết thúc học phần, các nhóm trình bày dự án trước các chuyên gia mời từ vườn ươm doanh nghiệp, các công ty khởi nghiệp trên địa bàn, các chuyên gia về khởi nghiệp. Ngoài việc giảng dạy, VNUK cũng tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp trong sinh viên nhằm tạo môi trường cho sự trao đổi về ý tưởng giữa sinh viên và giảng viên, nâng cao kinh nghiệm và năng lực cho giảng viên trong việc tư vấn, huấn luyện, từ đó nâng cao khả năng hỗ trợ khởi nghiệp của đội ngũ giảng viên tại VNUK.

Trên đây là kinh nghiệm của một số trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên. Việc thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo sẽ là tiền đề để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa tạo ra tư duy sáng tạo, sẵn sàng khởi nghiệp của sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cũng từ thực tế tìm hiểu, nghiên cứu về khởi nghiệp hiện nay tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước ta cho thấy cơ bản các trường đại học mới chỉ tập trung vào giảng dạy và còn đang rất hạn chế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

3. Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại một số trường Đại học ở Châu Á

3.1 Kinh nghiệm khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học ở Thái Lan

Chính phủ Thái Lan xem thúc đẩy xây dựng vườn ươm trong lòng đại học là một trong các hoạt động chính thúc đẩy khởi nghiệp trong cả nước, đặc biệt là thúc đẩy khởi nghiệp tại đại học. Với vai trò quan trọng là bảo trợ cho chương trình phát triển, Chính phủ giao cho Ủy ban giáo dục làm thí điểm, chọn ra 9 trường đại học hàng đầu để cải thiện khả năng nghiên cứu, bao gồm: Chulalongkorn University, Thammasat University, Mahidol University, Kasetsart University, King Mongkut’s University of Technology Thonburi Chiang Mai University, Khon Kaen University, Susanaree University of Technology và Prince of Songkla University.

Ngoài ra, nhằm khuyến khích khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm, Chính phủ cho phép Bộ Thông tin Công nghệ truyền thông (ICT - Information and Communications Technology) lập một Quỹ Kinh tế kỹ thuật số để hỗ trợ startup về mảng công nghệ và tiếp xúc thêm một số trường đại học khác như Sripatum King Monkut, Viện Công nghệ Lat Krabang nhằm thiết lập “Vườn ươm kỹ thuật số”. Nhờ đưa ra các chính sách về đổi mới sáng tạo và hình thành vườn ươm doanh nghiệp trong các trường đại học (UBIs – University Business Incubators), năm 2011, Thái Lan có 35 UBIs được thành lập với 327 trường hợp được ươm tạo và đã thành lập được 60 doanh nghiệp. Các UBIs được triển khai dưới sự liên kết hỗ trợ giữa Đại học và Công nghiệp để cải thiện quá trình thương mại hóa công nghệ. Năm 2012, Chính phủ Thái Lan dành 2,5 tỉ Baht trong ngân sách 190 tỉ (trong năm tài khóa) để trợ giúp 27 trường đại học mở rộng các dự án nghiên cứu vì mục đích thương mại.

3.2 Kinh nghiệm khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học ở Malaysia

Bộ Giáo dục Malaysia đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 15% sinh viên trong nước sẽ dấn thân khởi nghiệp ngay từ khi còn học đại học và ít nhất 5% hướng tới trở thành doanh nhân sau khi tốt nghiệp. Cùng với làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, Malaysia được đánh giá rất cao của cộng đồng startup quốc tế, đồng thời được xem là thiên đường của khởi nghiệp. Có được kết quả này phải kể đến vai trò của các trường đại học trong thúc đẩy khởi nghiệp tại Malaysia. Thúc đẩy khởi nghiệp trong các trường đại học của Malaysia theo mô hình Triple Helix, đó là nhấn mạnh mối quan hệ cộng hưởng giữa Chính phủ, các trường đại học và các ngành công nghiệp. Chính phủ đưa ra chính sách và chương trình hỗ trợ “Đại học nghiên cứu”, trường đại học nhận được danh hiệu Đại học nghiên cứu sẽ nhận được nhiều nguồn tài chính hỗ trợ. Các trường đại học thành lập bộ phận chuyển giao công nghệ (TTO- Technology Transfer Office) nhằm thương mại hóa sản phẩm học thuật, tạo ra thu nhập từ các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài. Chính sách giáo dục của Malaysia hướng đến nền kinh tế tri thức, lấy con người làm chủ đạo, sẽ giúp các trường đại học có trách nhiệm hơn với ngành công nghiệp.

3.3 Kinh nghiệm khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học ở Singapore

Là một quốc đảo nhỏ chỉ 5,4 triệu dân nhưng tại Singapore có đến 42.000 startup. Đây là quốc gia được xếp hạng có chỉ số sáng tạo cao nhất với các chỉ số thúc đẩy khởi nghiệp đứng đầu thế giới và sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động bậc nhất. Singapore xem yếu tố thúc đẩy khởi nghiệp thành công phải là các giải pháp đồng bộ của Chính Phủ, nhà trường và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính các trường đại học cũng xem việc thúc đẩy khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong sứ mạng phát triển của mình, tiêu biểu là trường đại học Quốc gia Singapore (NUS- National University Singapore). Năm 1988, NUS thành lập Trung tâm quản lý đổi mới và khởi nghiệp công nghệ, mục đích chính là thúc đẩy toàn diện các khía cạnh của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các nghiên cứu cốt lõi và hoạt động đào tạo, có trách nhiệm nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và tạo ra các công ty mạo hiểm cho NUS. Các hoạt động chính của NEC gồm đào tạo trải nghiệm (khuyến khích sinh viên phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo và mang chúng ra gần với thị trường thông qua thực nghiệm), phát triển khởi nghiệp, ươm tạo, nghiên cứu khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Các chương trình này của NEC đã giúp mang lại những tác động tích cực đến cộng đồng khởi nghiệp. Số lượng các công ty khởi nghiệp gia tăng và bước đầu đã mang lại lợi nhuận, tạo ra công ăn việc làm và thu hút được lao động có chất lượng cao. Về phía Chính phủ, Quỹ nghiên cứu quốc gia của Singapore đã đưa ra sáng kiến gọi là Khung cải cách và Doanh nghiệp quốc gia.

3.4 Bài học rút ra.

Mặc dù thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học có những bước đi phù hợp, nhưng vấn đề cân bằng thời gian cho giảng dạy và nghiên cứu được xem là bài toán khó, hạn chế trong nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa sản phẩm do không có đủ nguồn lực và chuyên gia có kinh nghiệm, không tìm được các đối tác trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên, chính các trường đại học lại nhận thấy tích hợp kinh doanh trong nghiên cứu và dạy học là điều kiện cần thiết cho tồn tại và phát triển. Các trường đại học cần có vườn ươm doanh nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp, xây dựng những khóa học và hoạt động huấn luyện tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, hình thành các quỹ của trường dưới sự hỗ trợ của chính phủ và ngành công nghiệp sẽ dễ dàng triển khai thương mại hóa công nghệ.

4. Giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên Việt Nam

Để giúp học sinh, sinh viên chủ động, tích cực và thiết tha thực hiện khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt kêu gọi được vốn từ nhiều nhà đầu tư, thời gian tới các trường đại học cần triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

- Bổ sung môn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo (bắt buộc với sinh viên ngành kinh tế và lựa chọn tự do cho các ngành khác). Khởi nghiệp sáng tạo phải được bắt đầu từ trường đại học, đây vừa là chỉ đạo thuộc đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp vừa là yêu cầu của Khung trình độ quốc gia. Sinh viên chỉ cần học 2/3 chương trình, thời gian còn lại chính là đào tạo nâng cao, để sinh viên ngoài việc định hướng chuyên sâu về lĩnh vực mà mình lựa chọn, còn được đào tạo về khởi nghiệp, về quản trị… Môn học cần trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể biết cách sáng tạo ý tưởng kinh doanh, chuẩn bị đầy đủ trước khi vận hành một doanh nghiệp mới ở bất kỳ ngành nghề nào mà luật pháp cho phép. Sinh viên sẽ biết cách điều hành doanh nghiệp mới, tạo lập hoạt động hiệu quả, đánh giá sự phù hợp của phương án khởi nghiệp trước những thay đổi của môi trường cạnh tranh toàn cầu đầy biến động. Trong môn học, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về quản trị, kiến thức về kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, điều hành, am hiểu hơn về sản phẩm, thị trường, công nghệ, nhân lực, tài chính, chiến lược kinh doanh... Bên cạnh đó, những kỹ năng mềm như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, thuyết phục sẽ là chìa khoá thành công cho quá trình startup. Trước mắt cần tìm được nhiều giảng viên nguồn về khởi nghiệp, đó là những người có kinh nghiệm thực tế, có đam mê khởi nghiệp để truyền được cảm hứng một cách hiệu quả cũng như chia sẻ cho sinh viên kinh nghiệm về điều hành doanh nghiệp, gọi vốn, lập kế hoạch, quản lý nhân lực một cách tốt nhất.

-  Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học. Các trường đại học cần định hướng cho sinh viên trong việc khởi nghiệp, là bục “khai phóng” thúc đẩy sáng tạo giữa sinh viên với các doanh nghiệp khởi nghiệp, các vườn ươm, trung tâm dịch vụ, các nhà tư vấn, các nhà đầu tư. Khởi nghiệp trước hết phải đến từ nhận thức, do vậy, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ giúp trang bị cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp. Sinh viên phải luôn khao khát tạo ra giá trị cho xã hội thông qua đổi mới, sáng tạo thì mới kiên trì để đạt được thành công và đặc biệt dám chấp nhận rủi ro. Nhà trường cần có hệ thống hỗ trợ đầy đủ, đồng bộ, xây dựng các giải pháp liên minh, kết nối doanh nghiệp và nhà trường để mang công nghệ đến với các nhân tài, từ đó thương mại hoá ý tưởng giúp huy động vốn cho các khởi nghiệp, tạo ra những vườn ươm và lên sàn giao dịch. Nhà trường cần huy động được những nguồn lực mới cho phát triển, tiên phong trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng tới trường đại học khởi nghiệp góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Hiện tại nhiều trường đại học đã xây dựng được Trung tâm kết nối doanh nghiệp, Mạng lưới trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đây được xem là bước quan trọng, tạo đột phá mới trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho sinh viên thời gian tới.

- Vai trò tích cực của Đoàn thanh niên – Hội sinh viên trong các trường đại học với khởi nghiệp sáng tạo. Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên cần triển khai thực hiện nhiều phong trào mới với các hoạt động tiên phong và sáng tạo, những mô hình và cách làm hay để tạo ra luồng gió mới trong các hoạt động, tạo tinh thần hứng khởi, say mê cho đoàn viên thanh niên, sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học và phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích vì cộng đồng. Tổ chức các buổi báo cáo khoa học, chuyên đề do Đoàn tổ chức nhằm giúp sinh viên quan tâm và có thể định hướng trong việc xây dựng kế hoạch học tập, về nghiên cứu khoa học trong sinh viên, định hướng ngay ban đầu cho các tân sinh viên vai trò của việc nghiên cứu khoa học nhằm kích thích sinh viên tìm hiểu khoa học thông qua thầy cô, tự tìm hiểu qua các phương tiện thông tin. Tuyên dương sinh viên tiêu biểu trong học tập và nghiên cứu khoa học nhằm động viên, khuyến khích và tạo động lực cho sinh viên phấn đấu rèn luyện. Phối hợp chặt chẽ với Nhà trường, Phòng Sau đại học và quản lý khoa học, Trung tâm kết nối doanh nghiệp (nếu có) và các Khoa tổ chức các cuộc thi mang tính học thuật như: Cuộc thi ý tưởng sáng tạo sinh viên, trí tuệ sinh viên, Rung chuông vàng, hội thi nghiên cứu khoa học các cấp. Phát động phong trào học chăm, thi nghiêm túc, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, đổi mới và nâng cao phương pháp giảng dạy, tích cực hỗ trợ sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học và ý tưởng KN, ĐMST.

- Phát huy vai trò tích cực của các Câu lạc bộ đối với KN, ĐMST. Các câu lạc bộ tại trường đại học luôn là nơi tạo môi trường bổ ích giao lưu, học hỏi cho sinh viên. Tham gia các CLB sẽ rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo một cách khoa học và những kỹ năng cần thiết trong hoạt động thực tiễn. Bên cạnh đó, hoạt động này còn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức, tư duy logic, gắn lý luận với thực tiễn.

- Tổ chức cuộc thi “Sinh viên với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Phát hiện, quản lý, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài từ các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên cần được xem là vấn đề chiến lược, có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nhà trường. Thông qua các cuộc thi sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin và hoài bão, khát vọng để các sinh viên vinh dự nhận giải thưởng phát huy tính sáng tạo, tiếp tục cống hiến và tỏa sáng trong lĩnh vực của mình, có những đóng góp tích cực, quan trọng hướng tới khả năng khởi nghiệp. Cuộc thi còn là sân chơi để các bạn sinh viên rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thực tế, khai phá tư duy sáng tạo, phát triển năng lực kinh doanh của bản thân. Ngoài ra, sinh viên cần được đi tham quan doanh nghiệp, tham dự hội thảo chuyên đề, workshop giao lưu với các doanh nhân trẻ thành đạt cũng để tăng cường kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, sự kết nối giữa chính các sinh viên trong khởi nghiệp, từ phối hợp, hợp tác, chia sẻ lẫn nhau cũng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

- Tạo động lực cho khởi nghiệp. Chính sách của Chính phủ, vai trò của các cấp chính quyền và cộng đồng start up được xem là chìa khoá tạo động lực cho làn sóng khởi nghiệp sáng tạo. Nhưng có một chìa khoá không kém phần quan trọng là vai trò của người thầy và Nhà trường trong thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp ở các trường đại học phải bắt đầu từ xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, nội dung dạy và học, hoạt động nghiên cứu khoa học và phải bắt đầu từ người thầy. Người thầy đóng vai trò quan trọng trong kết nối, chuyển giao sản phẩm để từ đó thúc đẩy, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong thực tế. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của nhà trường là giúp cho học sinh, sinh viên nhận thấy rằng, ngành học mà sinh viên đang theo đuổi được trang bị những kiến thức nền tảng phù hợp với chuẩn đầu ra của xã hội, trang bị kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Đặc biệt, Nhà trường cần ưu tiên, hỗ trợ kịp thời cho các ý tưởng xuất sắc thông qua phần thưởng hoặc tài trợ của các công ty, các nhà đầu tư. Tìm kiếm các vườn ươm khởi nghiệp để hỗ trợ sinh viên phát triển ý tưởng khởi nghiệp nhằm thương mại hóa trở thành sản phẩm – dịch vụ trên thị trường.

- Truyền cảm hứng. Khi sinh viên chưa có sự đam mê, chưa yêu thích khởi nghiệp sáng tạo, chưa khát khao kinh doanh, làm giàu và chưa có những ý tưởng mang đến những giá trị đích thực cho cộng đồng, không có nghĩa là họ dốt, lười, thiếu ý chí tiến thủ. Đơn giản là họ lo sợ những khó khăn, thất bại và chưa dám khẳng định mình. Vậy làm sao để thắp sáng tình yêu với khởi nghiệp sáng tạo và nhiệt huyết với kinh doanh? Làm thế nào để truyền được cảm hứng cho sinh viên về ý chí khởi nghiệp, con đường vươn tới thành công? Truyền cảm hứng cho khởi nghiệp sáng tạo nên được bắt đầu bằng những biện pháp của Nhà trường như tập trung khuyến khích, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thất bại (với phương châm “Thất bại là mẹ thành công”). Nhà trường cần khuyến khích sinh viên đổi mới, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội từ những việc nhỏ nhất; đồng thời, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia, trao đổi với những người khởi nghiệp thành công để nghe những kinh nghiệm về khởi nghiệp, những thất bại và cách vượt qua khó khăn để học hỏi từ đó hoàn thiện bản thân.

Học sinh, sinh viên Việt Nam cần được định hướng và trang bị những kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp thành công. Tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cần phải được lan tỏa mạnh mẽ, được tiếp thêm nghị lực và được ấp ủ ngay từ những năm đầu tiên bước vào Trường. Và một điều quan trọng cần làm cho sinh viên Việt Nam tự hào về truyền thống của nhiều thế hệ đi trước cũng như những thành công, đổi mới, sáng tạo mà những người Lãnh đạo của các trường đại học đã thực hiện trên tinh thần “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.



Tài liệu tham khảo

1. Ames F. Mcdonough III (2007). "The Myth of the Patent Troll: An Alternative View of the Function of Patent Dealers in an Idea Economy", Emory Law Journal, Retrieved 2007-07-27.

2. Business Dictionary (2018), What is Creation Innovation?, http://www.businessdictionary.com/definition/innovation.html, tải ngày 15 tháng 10 năm 2018.

3. Bộ Khoa học: Lập nghiệp không đồng nghĩa với khởi nghiệp, https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/bo-khoa-hoc-lap-nghiep-khong-dong-nghia-voi-khoi-nghiep-3566174.html, tải ngày 15/10/22018 lúc 17h30 PM.

4. Clate Mask (2018), Chinh phục sự hỗn loạn, Nxb Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, ISBN: 9786045870815.

5. Chris Guillebeau (2013), Khởi nghiệp với 100$, Nxb Lao động.

6. Dan Senor & Saul Singer (2013), Quốc gia khởi nghiệp, NxbThế Giới.

7. Eric Ries (2018), Khởi nghiệp tinh gọn, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, ISBN/ISSN 54354332.

8. Eric Ries (2011), The Lean Startup: How Constant Innovation Creates Radically Successful Businesses, Crown Publishing Group, ISBN: 0307887898.

9. http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Day-khoi-nghiep-trong-truong-dai-hoc-12511

10. Jake Knapp, John Zeratsky, Braden Kowitz (2016), How to solve big problems and test new - ideas in just new 5 days, Simon & Schuster Audio, Unabridged Edition, ISBN-10: 9781442397682.

11. Kask, Johan, Linton, Gabriel (2013), "Business mating: When start-ups get it right", Journal of Small Business & Entrepreneurship, Vol. 26, Issue 5, pp. 511, doi:10.1080/08276331.2013.876765.

12. Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại các trường đại học ở Thái Lan, http://www.vnu-itp.edu.vn/vi/tin-tuc/khoi-nghiep/877-kinh-nghiem-thuc-day-khoi-nghiep-tai-cac-truong-dai-hoc-cua-thai-lan.html, tải ngày 5/11/2018 lúc 17h00 PM.

13. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 của Quốc hội, ngày 12 tháng 6 năm 2017.

14. Luật Khoa học và công nghệ Việt Nam số 29/2013/QH13, ngày 18/06/2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5.

15. Peter Thiel (2016), Từ không đến một, Nxb Trẻ.

16. Quốc hội Việt Nam (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

17. Rainer Lueg, Lina Malinauskaite, Irina Marinova (2014), The vital role of business processes for a business model: the case of a startup company, Problems and Perspectives in Management, Volume 12, Issue 4, pp. 213-220.

18. Rose, S., Shipp, S., Lal, B. và Stone, A. (2009), Frameworks for Measuring Innovation: Initial Approaches, Athena Alliance 911 East Capitol St., SE Washington, DC 20003, truy cập lần cuối ngày 17/07/2024.

19. Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học, https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/14908/thuc-day-hinh-thanh-he-sinh-thai-khoi-nghiep-sang-tao-trong-cac-truong-dai-hoc.aspx, tải ngày 15 tháng 10 năm 2018.

20. Trương Gia Bình, Đừng nhầm lẫn, bán cà phê, bán phở thì không thể gọi là khởi nghiệp, http://ictnews.vn/khoi-nghiep/ong-truong-gia-binh-dung-nham-lan-ban-ca-phe-ban-pho-thi-khong-the-goi-la-khoi-nghiep-145336.ict, truy cập lần cuối ngày 17/07/2024 lúc 15h11 PM.

21. Timothy Ferriss (2015), Tuần làm việc 4 giờ, NXb Lao động – xã hội.

22. Topica Founder Institute (2015), Báo cáo thường niên về tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2016.

23. Topica Founder Institute (2016), Báo cáo thường niên về tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2017.

24. Từ điển trực tuyến Wikipedia, Businessdictionary (2018), Khái niệm khởi nghiệp.

25. VCCI (2015), Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2015.

26. OECD [Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế] (2005), Oslo Manual: Guidelines for collecting and interpreting innovation data, Paris, France.

 


Tác giả

Vương Thị Thanh Trì -Tiến sĩ kinh tế - Bộ môn QTKD & Marketing – Khoa Kinh tế - Quản lý. Trường Đại học Thăng Long

Hoàng Minh Trang – Sinh viên trường Greenwich University Vietnam.

Lê Trần Khánh Đan,Học sinh Trường Quốc Tế Anh Việt Hà Nội (BVIS).

 




undefined