Chính sách

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

"Đủ điều kiện để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2024"

12:00 | 10/08/2023

Trong bối cảnh khó khăn chung, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu như thế nào, mức bao nhiêu, áp dụng vào thời điểm nào cần được tính toán một cách hài hòa sao cho vừa động viên người lao động vừa phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Dự kiến, hôm nay (9/8), Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiến hành phiên họp đầu tiên để thảo luận phương án lương tối thiểu vùng năm 2024.

Theo thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu thường được điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến giữa 2022, việc này tạm hoãn do ảnh hưởng COVID-19. Lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 1/7/2022 với mức tăng 240.000-260.000 đồng tùy từng vùng.

Trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vào ngày 9/8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của hơn 3.000 lao động ở 6 tỉnh, thành.

Qua khảo sát, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống. 75,5% còn lại nói thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu. Có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu chi tiêu.

Công nhân, lao động cũng không có điều kiện tích lũy. Chỉ 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập, 11,2% không đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác kiếm thêm thu nhập.

Có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Ngoài ra, người lao động phải dùng 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hằng tháng để trả tiền thuê nhà (trung bình hơn 1,8 triệu đồng).

Đáng chú ý, tại khảo sát mới được thực hiện, các công đoàn cơ sở kiến nghị, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho gia đình, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024 cần tăng 11,34%. Thời điểm điều chỉnh cần cân nhắc phù hợp để giảm thiểu tác động đến người lao động và doanh nghiệp.

Chia sẻ về phương án tăng lương tối thiểu vùng 2024, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn chưa ký văn bản gửi phương án đề xuất mức tăng cụ thể gửi Hội đồng Tiền lương Quốc gia như các năm trước đây.

Theo ông Quảng, đến thời điểm này, tổ chức công đoàn đã chuẩn bị tất cả số liệu, căn cứ để chuẩn bị thương lượng. Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh khó khăn chung, sẽ đưa ra nhiều phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng chứ không có một phương án cụ thể nào. Trong quá trình đàm phán, các thành viên của tổ chức công đoàn sẽ thống nhất rồi sẽ có phương án sau.

Ông Quảng cho rằng, với những yếu tố về tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, mức sống tối thiểu của gia đình người lao động và người hưởng lương thì có thể nói đủ điều kiện để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2024.

Tuy nhiên, hiện nay, khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn nên việc xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu như thế nào, mức bao nhiêu, áp dụng vào thời điểm nào là cần tính toán một cách hài hòa, vừa động viên người lao động vừa phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp, để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, cho rằng mức lương hiện nay so với mặt bằng giá cả, nhu cầu chi tiêu tối thiểu của người lao động đang rất thấp. Nhìn vào góc độ này thì việc tăng lương tối thiểu cần được thực hiện.

Tuy nhiên, dưới góc độ các doanh nghiệp đang phải gồng mình chống chịu với tình trạng sụt giảm đơn hàng thì cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động tăng lương giai đoạn này vì rất có thể sẽ tạo thêm cú sốc cho các doanh nghiệp.

Theo ông Thịnh, đúng là người lao động đang rất khó khăn nhưng nếu tăng lương quá cao thì doanh nghiệp không chịu được dẫn đến có thể phải cắt giảm thêm lao động, như vậy số lao động mất việc sẽ tiếp tục tăng lên.


Nguyễn Nga

Theo Bizlive

undefined