Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết, giúp đồng bào Dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

12:00 | 14/10/2024

Doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lai Châu từng bước phát triển về số lượng và hiệu quả kinh doanh, đã có những đóng góp rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, đã có 2.100 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, 9 tháng năm 2024 các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đóng góp trên 74,2% nguồn thu ngân sách của tỉnh (khoảng 1.235 tỷ đồng); doanh nghiệp khu vực tư nhân và hợp tác xã đóng góp 1.208 tỷ đồng, tạo việc làm cho 21.375 lao động với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Những năm qua, mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân tại tỉnh Lai Châu đã và đang góp phần tích cực trong chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, giúp đồng bào nâng cao thu nhập. Việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế, tạo tính ổn định, bền vững; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, với các sản phẩm, ngành hàng quan trọng có giá trị kinh tế cao theo định hướng phát triển của tỉnh.

Điển hình phải kể đến dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa séng cù. Tại huyện Than Uyên, Công ty TNHH MTV Dũng Long xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến lúa gạo với các hộ dân; thúc đẩy việc duy trì và phát triển nhãn hiệu gạo đặc sản như Séng Cù Than Uyên, nếp Tan Pỏm (Tà Hừa), gạo tẻ tròn…; Tại huyện Tam Đường, Công ty TNHH MTV Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc liên kết với 14 tổ hợp tác gồm 483 hộ dân ở thị trấn Tam Đường và các xã: Thèn Sin, Hồ Thầu, Bình Lư.

Hay như dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ quả trên địa bàn xã Mường Kim (huyện Than Uyên) thực hiện từ năm 2022-2024 với các sản phẩm tiêu thụ chính là khoai tây, bí xanh thực hiện quy mô 23ha/năm. HTX Nông nghiệp Anh Đạt (trụ sở tại xã Mường Kim) liên kết với tổ hợp tác sản xuất rau củ quả xã Mường Kim thực hiện liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, mang lại giá trị sản xuất cao hơn.

Theo Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc: Séng cù là một trong những sản phẩm gạo đặc trưng của tỉnh Lai Châu, gạo có chất lượng thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, việc tự sản xuất không qua liên kết tiêu thụ sản phẩm nên thị trường không ổn định, không khẳng định được chất lượng, thương hiệu gạo của địa phương.Từ khi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã mở rộng, ổn định thị trường tiêu thụ, góp phần nâng tầm giá trị cho gạo séng cù. Công ty đã thỏa thuận, thống nhất với các tổ hợp tác cùng xây dựng phương án liên kết, thực hiện các điều khoản của hợp đồng liên kết. Hiệu quả kinh tế của dự án mang lại rõ rệt, năng suất lúa đạt 55 tạ/ha, giá trị đạt 66 triệu đồng/ha (cao hơn 1,2 - 1,3 lần so với trồng lúa đại trà của người dân).

Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Đạt thu mua sản phẩm liên kết

của nhân dân xã Mường Kim (huyện Than Uyên).

Ông Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dũng Long (đơn vị triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn huyện Than Uyên) chia sẻ: Công ty xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản với các hộ theo hình thức doanh nghiệp cung cấp, cho trả chậm giống, vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV) và thu mua toàn bộ đầu ra với giá cao hơn 1 - 2 giá so với thị trường. Không chỉ đơn thuần thực hiện liên kết và thu mua lúa sau thu hoạch cho người dân, mà để có được những sản phẩm OCOP chất lượng, được nhiều người biết đến, tin dùng, ông Hạnh cho biết, công ty thường xuyên hướng dẫn cho nhân dân từ cách ủ giống đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, bảo quản lúa sau khi thu hoạch nếu gặp thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm ngặt việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Hạnh, khi tham gia liên kết, cả doanh nghiệp và nông dân đều được hưởng lợi. Đối với doanh nghiệp, sẽ chấm dứt được tình trạng không có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, tạo điều kiện nâng cao công suất sử dụng máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả hoạt động chế biến và tiêu thụ nông sản. Công ty cũng đầu tư dây chuyền xay xát, giàn sấy, hệ thống nhà xưởng và thành lập trang Web để đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử để quảng bá, giới thiệu.

Đánh giá về mô hình liên hết sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, ông Nguyễn Văn Thăng cho hay: Thời gian qua, huyện Than Uyên được tỉnh Lai Châu quan tâm tạo điều kiện để xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Séng cù cũng như phát triển thương hiệu gạo đặc sản khác. Hiện Than Uyên có hai đơn vị được Sở Công Thương hỗ trợ trong việc sản xuất gạo Séng cù; trong đó, Công ty TNHH MTV Dũng Long đã được Sở Công Thương trao địa chỉ trang web nhằm đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.


Công ty TNHH MTV Dũng Long cùng lãnh đạo UBND, bà con xã Hua Nà (huyện Than Uyên)

thăm cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên địa bàn

Ông Nguyễn Trọng Hưởng - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Than Uyên cho biết: “Liên kết sản xuất là hướng đi phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn. Với huyện Than Uyên, việc liên kết bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân được thực hiện với một số mặt hàng nông sản như: lúa, chè, rau củ… Đặc biệt là những mặt hàng nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh, của huyện. Thực tế cho thấy, việc liên kết tại huyện đã giúp doanh nghiệp, người dân có thêm thu nhập, đầu ra sản phẩm ổn định, người dân yên tâm gắn bó lâu dài”.

Hợp tác xã Xây dựng Thanh Xuân đã được Sở Công Thương hỗ trợ

để đưa sản phẩm gạo Séng Cù lên sàn giao dịch thương mại điện tử

Liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là một phần quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh lợi ích xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng phục vụ chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất trên địa bàn Lai Châu còn được tạo điều kiện thuận lợi với nhiều chính sách ưu đãi.

Việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm, đã tạo ra bước đột phá quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, vừa giúp nông dân nông thôn giảm nghèo bền vững mà còn đóng góp rất lớn vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tỉnh Lai Châu còn rất nhiều khó khăn nhưng đang nỗ lực biến khó khăn đó thành cơ hội, khơi dậy tiềm năng để nâng cao sinh kế, tạo thu nhập cho người dân.


Thanh Thủy





undefined