Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Mô hình thương mại hai chiều nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số

12:00 | 14/10/2024

Từ các chương trình MTQG, tỉnh Lai Châu có một nguồn lực lớn và quan trọng cho đầu tư phát triển, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững. Việc thực hiện Chương trình trong những năm qua đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đưa vào hệ thống phân phối trong tỉnh Lai Châu cũng như trên cả nước và phục vụ xuất khẩu.

Theo sở Công thương Lai Châu: Ngày 11/08/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch số 2412/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy phát triển thương mại gắn với quy mô, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của tỉnh; từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại với các tỉnh trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Chè Giảo cổ lam cao nguyên Sìn Hồ của Công ty TNHH Sơn Hà Dược liệu

cao nguyên Sìn Hồ, địa chỉ tại Khu 5, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ...

Xác định việc xây dựng mô hình thương mại hai chiều sẽ vừa cung cấp những hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời thu mua, tiêu thụ những sản phẩm hàng hóa do bà con làm ra để tạo thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống, đảm bảo an sinh, xã hội… Tỉnh Lai Châu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hỗ trợ cung ứng, kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con vùng đồng bào DTTS. Từ đó, tạo tính ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm thực hiện. Theo đó, Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng, địa phương chủ động triển khai, hỗ trợ để các doanh nghiệp, hợp tác xã tuyên truyền, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Tích cực tìm kiếm, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa thông qua các kỳ hội chợ, phiên chợ hàng Việt, chương trình kết nối giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, lồng ghép các nguồn lực, kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, cải tạo các trung tâm thương mại, điểm bán hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi vẫn tập trung nhiều ở khu vực thành thị và những nơi thuận lợi. Ở nhiều vùng nông thôn, nhất là các khu vực khó khăn, vùng đồng bào DTTS, hạ tầng thương mại phát triển còn chậm. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng của người dân ngày càng gia tăng; sản xuất tại một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm thế mạnh của địa phương ngày càng đa dạng. Do đó, việc xây dựng mô hình thương mại hai chiều nhằm tiêu thụ sản phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho địa phương tại khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hóa.

Ông Đỗ Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh Lai Châu cho biết: Cửa hàng liên kết, giới thiệu, tiêu thụ nông sản an toàn Lai Châu được mở ra với mục đích kết nối, giới thiệu những sản phẩm tiềm năng của tỉnh Lai Châu đến các địa phương trên mọi vùng miền. Tại cửa hàng hiện có trên 184 sản phẩm. Mỗi du khách đến tham quan và mua sắm tại cửa hàng, khi trở về cũng góp phần kết nối các đơn vị, các hộ sản xuất cũng như các cơ sở sản xuất với các đầu mối tiêu thụ với các tỉnh miền xuôi. Đây là một lợi thế cũng như là một cách giới thiệu, hỗ trợ bà con tiêu thụ một số các mặt hàng nông sản của địa phương.

Các cơ sở kinh doanh chè tạo đầu ra ổn định cho người trồng chè Lai Châu

Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng kinh doanh của Công ty cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường cho hay: đơn vị hiện có sản phẩm đạt OCOP nhiều nhất tỉnh Lai Châu, với 6 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao và 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao như: trà ôlong, trà đông phương mỹ nhân. Thời gian qua, việc hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản hai chiều đã và đang được Tỉnh tăng cường hỗ trợ thực hiện và đã thực sự trở thành cầu nối thúc đẩy, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là từng bước tiếp cận được thị trường quốc tế.

Ông Vừ A Thu - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Câu lạc bộ Nông dân khởi nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện tại, câu lạc bộ cũng đang cố gắng để giới thiệu, quảng bá được sản phẩm nông sản của tỉnh Lai Châu đến tất cả anh em, bạn bè ở xa để góp phần tiêu thụ sản phẩm. Khi có giá thành tốt hơn thì mình sẽ khuyến khích và vận động được bà con tập trung sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào tham canh, tăng vụ, cao chất lượng sản phẩm nông sản của mình hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hiện tại chúng tôi đang rất cố gắng thu mua sản phẩm của bà con. Tuy nhiên là phải đảm bảo về chất lượng đầu vào thì mới ổn định được thị trường, mới có thể đi trên con đường lâu dài được.

Theo Lãnh đạo sở Công thương, để tìm đầu ra cho các sản phẩm, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. UBND tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện hội nghị xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối giao thương, tăng cường hợp tác, đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ đạo các sở, ngành kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai xây dựng điểm bán hàng, Sở Công thương đã tập huấn, hướng dẫn, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu. Các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, nhiều sản phẩm hàng hóa tốt được kiểm soát về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Qua đó, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất sản phẩm nông sản tỉnh Lai Châu đạt các tiêu chuẩn an toàn Vietgap để nâng cao giá trị sản phẩm. Đây chính là một bước tiến để đưa được sản phẩm, hàng hóa vùng miền của đồng bào DTTS vào các kênh tiêu thụ trong nước.

Việc hỗ trợ bà con khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS tiêu thụ nông sản và cung ứng các mặt hàng thiết yếu có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn. Hiệu quả hoạt động của mô hình điểm thương mại hai chiều sẽ đặt nền tảng để các địa phương tiếp tục triển khai nhân rộng để hoạt động thương mại vùng sâu, vùng xa ngày càng sôi động và phát triển.


Thanh Thủy

 

 

 

undefined