Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chiến tranh thương mại đã phơi bày điểm yếu, huỷ hoại giấc mộng vươn lên vị trí siêu cường của Trung Quốc như thế nào?

12:00 | 13/06/2019

Cuộc chiến thương mại không chỉ bộc lộ tất cả yếu điểm, mà còn khiến Trung Quốc đối mặt với sự lựa chọn khắt khe và không hề thoải mái. Họ phải mở cửa thị trường, như yêu cầu của Mỹ, hoặc bước đi đơn độc mà không có những kỹ năng cần thiết để giành chiến thắng.

Trong nhiều thập kỷ, con đường phát triển của Trung Quốc dường như đã rõ ràng. Quản lý nhà nước đối với các ngành công nghiệp chủ chốt cùng với sự tự do hoá thị trường ở một mức độ cho phép đã giúp chúng ta hình dung ra rằng quốc gia này sẽ sớm đón nhận ánh hào quang để trở thành một siêu cường. Tuy nhiên, điều đó sẽ không diễn ra ở thời điểm này. Trung Quốc sẽ phải chấp nhận một trật tự thế giới với sự thống trị của Mỹ, hoặc bước vào một làn đường di chuyển chậm.

Những thành tựu Trung Quốc đã đạt được về cả xã hội và kinh tế trong 40 năm qua là rất đáng chú ý, dù theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Từ một quốc gia nghèo, chủ yếu dựa vào nông nghiệp ở cuối thời kỳ Cách mạng Văn hoá, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Quốc gia này cải tiến cơ sở hạ tầng bằng cách xây dựng một mạng lưới đường bộ, đường sắt cao tốc, cảng và sân bay. Nhờ đó, hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo - con số lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử nhân loại, và chỉ trong một thế hệ. Trung Quốc đã xây dựng những thành phố rộng lớn, thu hút hàng nghìn tỷ USD đầu tư và khuyếch đại tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, gần đây nhất là thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường(BRI).

Mặc dù một số người ở Đồi Capitol đã dễ dàng nhìn thấy những gì sắp diễn ra trong 1 thập kỷ tới hoặc hơn, nhưng người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới lãnh đạo, lại khó chấp nhận rằng con đường đi đến vinh quang này sắp kết thúc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tự huyễn hoặc mình, niềm hy vọng của họ được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nước ngoài, những lời khen ngợi của giới học giả địa phương và giấc mơ của chính người dân.

Chính cuộc chiến thương mại đã bộc lộ những điểm yếu của Trung Quốc. Rõ ràng để thấy nhất ở thời điểm hiện tại là Huawei - niềm hy vọng lớn lao của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, cùng với đó là ZTE và một số công ty IT khác. Tất cả đều không phải là một thế lực đáng "gườm". Không có phần cứng, giấy phép hoạt động và phần mềm của Mỹ, những công ty này cũng chỉ như một cái cây khẳng khiu.

Chiến tranh thương mại đã phơi bày điểm yếu, huỷ hoại giấc mộng vươn lên vị trí siêu cường của Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 1.

Về công nghệ, Trung Quốc chậm hơn Mỹ tới 10 năm và không thể phát triển những kỹ năng cần thiết để tồn tại trong hình thức hiện tại. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga cũng không thể giải quyết vấn đề này, bởi cả 2 quốc gia đều không có công nghệ tiên tiến nên không thể hỗ trợ nhiều cho nhau.

Nga và Trung Quốc không có nhiều sự khác biệt trong quốc phòng, công nghệ ô tô, hàng không và nhiều lĩnh vực khác. Mặc dù đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ, nhưng Trung Quốc vẫn thiếu chiều sâu về kỹ năng kỹ thuật, bằng sáng chế và công nghệ cần thiết để sản xuất các sản phẩm cao cấp có tính cạnh tranh trên toàn cầu. Việc tháo rời một hệ thống quản lý chuyến bay, hệ thống phanh ô tô hoặc điện thoại thông minh và chế tạo lại các bộ phận không thể giúp họ xây dựng tất cả những bộ phận này từ bước đầu tiên.

Cuộc chiến thương mại không chỉ phơi bày tất cả những yếu điểm trên, mà còn khiến Trung Quốc đối mặt với sự lựa chọn khắt khe và không hề thoải mái. Họ phải mở cửa thị trường, như yêu cầu của Mỹ, hoặc bước đi đơn độc mà không có những kỹ năng cần thiết để giành chiến thắng.

Hiện tại, Mỹ đang đưa ra những yêu cầu mà lợi thế chiến lược của họ cho phép. Họ muốn chấm dứt sự trợ cấp của nhà nước, chấm dứt việc sản xuất hàng nhái và những luật lệ ép các nhà đầu tư nước ngoài phải chấp chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Mỹ muốn tiếp cận thị trường nông sản Trung Quốc, tiếp cận hệ thống dữ liệu để những "gã khổng lồ" công nghệ của họ có thể cạnh tranh mà không bị hạn chế. Washington muốn Trung Quốc "chơi" theo luật của mình, bởi họ biết rằng các đối thủ đến từ Trung Quốc không thể dành chiến thắng. Cuối cùng, Mỹ muốn Trung Quốc phải tuân thủ hệ thống thị trường tự do của phương Tây.

Chiến tranh thương mại đã phơi bày điểm yếu, huỷ hoại giấc mộng vươn lên vị trí siêu cường của Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 2.

Trong suốt một thời gian dài, dường như Trung Quốc có thể chống đỡ được áp lực đó. Họ có thể thoải mái nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ rất lớn, kiểm soát các mỏ đất hiếm, vươn lên vị trí dẫn đầu, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại với 1,4 tỷ dân, 5000 năm lịch sử và sức ảnh hưởng ngày càng lớn ở châu Á. Tuy nhiên, rắc rối mà Huawei gặp phải đã thể hiện sự trống rỗng của những niềm hy vọng này.

Vậy điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Chấp nhận những điều khoản thương mại của Mỹ sẽ là việc khó. Trung Quốc có thể giữ vai trò là trung tâm sản xuất của thế giới nhưng chỉ khi họ trả tiền cho đặc quyền đó. Họ sẽ được phép phát triển những công ty công nghệ cao như Huawei, nhưng chìa khoá cho công nghệ sẽ ở lại Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trung Quốc có thể đưa những "đội quân" du khách và đồng NDT để đi kết bạn. Nhưng họ chỉ có thể mua được nguyên liệu thô nếu Mỹ đồng ý. Trung Quốc phải dần mở cửa thị trường và ngừng trợ cấp cho các ngành công nghiệp.

Bước đi một mình cũng gặp phải những khó khăn như vậy. Từ chối Mỹ nghĩa là Trung Quốc chấp nhận rằng họ không thể cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh tế mang lại sức mạnh toàn cầu, bởi họ không thể bắt kịp về công nghệ. Họ chỉ có thể cung cấp các sản phẩm quốc phòng, ô tô, viễn thông và các hàng hoá cao cấp khác tới những quốc gia không có khả năng chi trả cho các sản phẩm tốt nhất, và chỉ khi Mỹ cùng các đồng minh cho phép.

Đơn độc trên con đường phát triển có nghĩa là làn sóng đầu tư sẽ chảy theo hướng ngược lại và Trung Quốc sẽ trở nên khép mình với thế giới hơn nữa, có thể sẽ giống như Liên Xô của thế kỷ 21. Lựa chọn giữa việc chấp nhận bị hạ thấp hay cách nào đi chăng nữa, thì Trung Quốc sẽ phải hứng chịu những hậu quả đối với xã hội trong nhiều thập kỷ và đối với phần còn lại của thế giới.

Theo Trí thức trẻ/SCMP

undefined