Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Biển Đông: Tàu cá Trung Quốc tập trung tại Đá Ba Đầu vi phạm luật pháp quốc tế và gây quan ngại chính đáng

12:00 | 06/04/2021

Nghiên cứu sinh TS. Trần Hữu Duy Minh, Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao cho rằng, hành động của Trung Quốc tập trung đông tàu tại Đá Ba Đầu đã gây quan ngại chính đáng cho các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Sự việc không chỉ gây quan ngại cho các quốc gia trong khu vực mà cho cả các quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Biển Đông không phải của riêng bất kỳ quốc gia nào. Đây là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới, với lưu lượng tàu thuyền qua lại rất lớn, là huyết mạch thương mại và giao thông của không chỉ khu vực mà cả thế giới.

Do đó, bảo vệ quyền tự do biển cả trên Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các quốc gia trên thế giới, không chỉ của riêng các quốc gia khu vực. Bởi lẽ, nếu các sự kiện bất thường xảy ra, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, tuyến hàng hải qua khu vực này sẽ chắc chắn bị ảnh hưởng.

Cũng nói thêm rằng, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), mọi và mỗi quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia không có biển, đều có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không và các quyền tự do sử dụng biển hòa bình khác trên các vùng biển ngoài lãnh hải, trong trường hợp này là phần lớn vùng biển trên Biển Đông.

Do đó, tất cả các quốc gia trên thế giới đều có quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ tự do qua lại mà còn được bảo đảm an toàn khi qua lại trên Biển Đông. Việc có các hành vi gây bất ổn trên Biển Đông đã không xem xét thích đáng đến quyền và lợi ích của các quốc gia khác.

Điều này không chỉ có thể vi phạm luật quốc tế, mà còn là lý do chính đáng cho việc các quốc gia ngoài khu vực, không phải một bên trực tiếp trong tranh chấp, phải và cần phải có tiếng nói, và cả hành động thích hợp, đối với một tranh chấp tưởng chừng như chỉ ở tầm khu vực như tranh chấp Biển Đông.

Từ hệ quy chiếu luật pháp quốc tế

Công ước UNCLOS năm 1982 quy định các quyền của quốc gia ven biển và các quốc gia khác trong các vùng biển khác nhau. Do đó, để xem xét xem liệu việc tập trung đông tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu có hợp pháp hay bất hợp pháp, cần xem xét đến quy chế pháp lý của vùng biển ở khu vực tàu tập trung.

Dựa trên hình ảnh vệ tinh, Đá Ba Đầu có nhiều khả năng là một bãi chìm hoặc là một bãi lúc nổi lúc chìm (có một số cồn cát có vẻ nổi trên mặt biển, nhưng tính ổn định và tồn tại lâu dài không cao nên khó có thể xem làm một đảo).

Quy chế pháp lý, do đó, phụ thuộc vào các thực thể xung quanh. Trong phạm vi gần, có thể thấy Đá Ba Đầu nằm trong phạm vi 12 hải lý của Đảo Sinh Tồn Đông. Với vị trí như thế, quy chế của Đá Ba Đầu sẽ là quy chế lãnh hải.

Từ góc độ Việt Nam, Đảo Sinh Tồn Đông hiện đang do Việt Nam quản lý và thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền đối với khu vực Đá Ba Đầu.

Theo Công ước UNCLOS năm 1982, trong lãnh hải của quốc gia ven biển, tàu thuyền của các quốc gia khác chỉ có quyền qua lại vô hại. Việc qua lại phải liên tục và không ngừng. Về nguyên tắc, các tàu thuyền nước ngoài không được phép dừng, đỗ, thả neo hay như trong trường hợp này là tập trung đông trong lãnh hải của quốc gia ven biển.

Công ước có cho phép một ngoại lệ mà tàu nước ngoài có thể dừng, đỗ, thả neo trong lãnh hải: “Trong trường hợp gặp phải sự cố hàng hải hoặc cần thiết trong trường hợp bất khả kháng, tình huống lâm nguy, hoặc vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hay phương tiện bay đang lâm nguy hay lâm nguy”.

Tóm lại, tàu thuyền nước ngoài chỉ có thể dừng, đỗ, thả neo trong lãnh hải khi gặp sự cố, bất khả kháng, tình huống lâm nguy hoặc vì mục đích nhân đạo.

Một trong các lập luận của Trung Quốc là các tàu cá này đang neo để tránh gió. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định rằng thời tiết hoàn toàn tốt. Có vẻ lý do thời tiết được cho là không thỏa đáng.

Tóm lại, thông tin hiện có không cho thấy các tàu Trung Quốc đang tập trung ở Đá Ba Đầu đã hay đang gặp những trường hợp ngoại lệ nêu trên. Điều này có nghĩa rằng, các tàu cá Trung Quốc đang thực hiện không đúng quyền qua lại vô hại trong lãnh hải của Đảo Sinh Tồn Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Việt Nam có quyền theo quy định của Công ước thực thi các biện pháp cần thiết để buộc các tàu này phải rời khỏi lãnh hải Việt Nam hoặc phải thực hiện đúng quyền qua lại vô hại.

Ở đây cũng phải lưu ý rằng, các tàu tập trung tại Đá Ba Đầu mang mác là tàu cá - tức là tàu tư nhân của ngư dân, không phải tàu công vụ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng có các báo cáo cho rằng, thực chất các tàu này là “dân quân biển” do Trung Quốc thành lập hoặc tài trợ. Dù bản chất của các tàu này là gì thì khó có thể nói rằng hoạt động bất thường ở Đá Ba Đầu không được ngầm thừa nhận, ủng hộ, thậm chí được chỉ đạo và kiểm soát bởi một hay nhiều cơ quan công quyền của Trung Quốc.

Do đó, dù là hành vi của cá nhân ngư dân nhưng Trung Quốc cũng có thể bị quy trách nhiệm theo quy định của luật quốc tế về trách nhiệm quốc gia.

Những hệ lụy tiêu cực

Việc Trung Quốc tập trung đông tàu ở Đá Ba Đầu không chỉ vi phạm Công ước UNCLOS năm 1982 mà còn có những hệ lụy tiêu cực khác.

Như đã nêu ở trên, tranh chấp Biển Đông là tranh chấp có tính chất nhạy cảm đối với các quốc gia liên quan.

Ngoại trừ, Trung Quốc là nước có các bước đi ngày càng quyết liệt trong việc khẳng định yêu sách của mình và muốn tăng cường kiểm soát trên thực tế, các quốc gia còn lại đều cố gắng hết sức kiềm chế và duy trì nguyên trạng.

Điều này tạo ra một hình ảnh không hay về ngoại giao: một bên Trung Quốc muốn phá vỡ nguyên trạng và một bên là các quốc gia khác nỗ lực hết mình duy trì ổn định. Hệ lụy có thể thấy là lòng tin của các quốc gia vào Trung Quốc có thể xói mòn thêm.

Lòng tin giữa các quốc gia liên quan và Trung Quốc càng bị xói mòn bởi các quốc gia sẽ cảm thấy sự thiện chí và chân thành muốn duy trì nguyên trạng của mình đang bị lợi dụng.

 

Rõ ràng trong sự kiện ở Đá Ba Đầu, và cả các sự kiện khác mà bên gây ra sự vụ là phía Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực đã và đang cố gắng kiềm chế, không có các hành động – kể cả các hành động hợp pháp theo luật quốc tế – để không kích động không cần thiết. Tuy nhiên, chính sách này đang bị lợi dụng, biến sự thiện chí chân thành của các quốc gia khác để mang lại lợi thế ích kỷ cho bản thân.

Sự tin cậy lẫn nhau, dù vẫn còn trên lời nói, cũng đã dần mất đi trong suy nghĩ thật của các quốc gia. Khi lòng tin đã không còn đầy đủ, thật khó để có thể hợp tác chân thành cho một giải pháp ổn định, lâu dài cho tranh chấp Biển Đông.

Trước mắt, Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

Với những hoạt động bất thường như ở Đá Ba Đầu, câu hỏi đặt ra không phải là liệu các hoạt động này có ảnh hưởng đến quá trình đàm phán hay không.

Sự việc này chắc chắn có ảnh hưởng. Vì vậy, câu hỏi cần phải tìm lời giải đáp là ảnh hưởng đến mức độ nào, có làm phức tạp và có thể kéo dài quá trình đàm phán.

Kéo dài đàm phán là điều không mang lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào, cả trong và ngoài khu vực. Càng sớm có một COC ràng buộc, hiệu lực và hiệu quả, Biển Đông càng sớm ổn định, tuyến huyết mạch hàng hải càng được an toàn, mỗi và mọi quốc gia do đó đều hưởng lợi.


Trần Hữu Duy Minh

Theo Baoquocte

 

undefined