Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

World Bank: Những trụ cột Việt Nam cần lưu ý để vượt khủng hoảng Covid-19

12:00 | 07/04/2020

Giải quyết những vấn đề trước mắt trong đại dịch, tung các gói tái kích thích kinh tế hậu Covid-19 cũng như tăng cường số hóa, chuẩn bị cho các trường hợp tương tự trong tương lai là những vấn đề Việt Nam cần lưu ý.

Ông Jacques Morisset, kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam, đánh giá cao những biện pháp mà chính phủ Việt Nam thực hiện thời gian qua trong cuộc chiến với dịch Covid-19 và cho rằng quốc gia này đang đi đúng hướng.

Về mặt chính sách y tế, việc yêu cầu người dân không ra ngoài trong những trường hợp không cần thiết là chính sách rất ổn nhưng người dân không thể yên tâm ở nhà nếu họ không có thu nhập.

Do đó, ông Jacques Morisset khuyến nghị chính phủ nên có phương án hỗ trợ người dân, để người dân yên tâm khi ở nhà, không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn về mặt sức khỏe.

Khi khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra kết thúc, chính phủ Việt Nam cần có các gói kích thích nhằm tái khởi động nền kinh tế như các chương trình đầu tư công hay kích thích nhu cầu đầu tư tư nhân trong ngành dịch vụ, du lịch.


World Bank: Những trụ cột cần lưu ý để vượt sóng Covid-19

Đầu tư công là khu vực cần được đẩy nhanh để Việt Nam có thể phục hồi nền kinh tế nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Ảnh: ILO.

Ông Jacques Morisset đánh giá trong ngắn hạn, chính phủ có thể giúp đỡ doanh nghiệp, người dân thông qua giãn thuế, giảm thuế cũng như đảm bảo xã hội.

Tuy nhiên về trung hạn, Việt Nam cần các gói kích thích tài khóa nhìn từ kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế khác thông qua đẩy mạnh, triển khai nhanh các gói đầu tư công. Vài năm qua, giải ngân đầu tư công của Việt Nam vẫn còn chậm, do đó còn nhiều dư địa cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.

“Cái hay của đầu tư công là mang lại tác động lan tỏa. Ví dụ khi chúng ta có một dự án xây dựng lớn sẽ tạo ra rất nhiều việc làm, thúc đẩy nhu cầu trong ngành vật liệu xây dựng cũng như kích thích, lan tỏa sang các khu vực khác”, ông Jacques Morisset phân tích.

Chia sẻ đồng quan điểm, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam, nhận định Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh, đẩy nhanh hơn nữa đầu tư công và kể cả đầu tư ODA.

Tuy vậy, cần đẩy mạnh đúng cách thông qua tập trung vào hợp lý hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đấu thầu mua sắm; cân nhắc và quan tâm nhiều hơn đến chất lượng triển khai và giám sát triển khai.

Bên cạnh đó, cần phải triển khai nhanh nhưng có tính chất lựa chọn, chọn những dự án đầu tư đem lại tác động lan tỏa cho người dân và quốc gia.

Bên cạnh giải quyết vấn đề trước mắt cũng như kích thích nền kinh tế tăng trưởng trở lại, ông Jacques Morisset cho rằng trụ cột thứ ba là gia tăng số hóa chính phủ, số hóa nền kinh tế bằng cách phát triển các dịch vụ như học tập trực tuyến, thanh toán, tài chính, tiết kiệm. Chính phủ cũng cần đẩy mạnh hơn chính phủ điện tử, nhanh gọn hơn các thủ tục hành chính.

Trụ cột cuối cùng là Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn cho tương lai khi dịch bệnh có thể tái diễn. Nền kinh tế cần có khả năng chống chịu cao hơn và sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xấu.

Trong ấn phẩm cập nhật khu vực Đông Á – Thái Bình Dương mới nhất, World Bank dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể về mức 4,9% năm 2020, tương đương giảm 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Theo kịch bản, tình huống thấp hơn với giả sử dịch Covid-19 kéo dài, nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng GDP sẽ chỉ còn mức 1,5%, thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục.


Minh Nhật

Theo The Leader

undefined