Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thủ tướng: “Không thể nói miền Trung chỉ có nghèo khó, thiên tai… bởi khu vực này có tiềm năng rất lớn”

12:00 | 20/08/2019

“Khu vực mà chúng ta đang ở tại đây trước kia là khu vực hoang hoá, với những bãi sình lầy, cây bụi. Giờ đây là resort, khách sạn hạng sang, xung quanh thì đẹp lên từng ngày...”

Phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung được tổ chức ngày 20/8/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung với 14 tỉnh thành viên, hơn 700 đại biểu có mặt, là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với một hội nghị khu vực.

Mở đầu bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng nói: "Nhìn vào bản đồ các tỉnh trên đất nước ta, miền Trung như “đốt xương sống” của con người, còn nhân dân chúng ta hay gọi là “khúc ruột miền Trung”, hoặc một cách ví von nữa là miền Trung như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước.

Tuy nhiên, nếu hai đầu quá nặng mà đòn gánh yếu thì đòn gánh sẽ gãy, cả nước phát triển sẽ yếu đi. Vị thế của miền Trung không chỉ là kinh tế mà còn quốc phòng an ninh, vì vậy phát triển miền Trung không chỉ là việc riêng của 14 tỉnh khu vực mà còn cần sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan về tầm quan trọng của sự phát triển miền Trung với đất nước ta".

Thủ tướng cho biết, các bộ ngành cần thẳng thắn chỉ ra các nút thắt từ bộ ngành mình, các địa phương của miền Trung để chỉ ra các giải pháp xác thực hơn, cụ thể hơn, nhất là chính sách, quan điểm phát triển để tạo ra bước tiến mới trong giai đoạn mới của nước ta.

Toàn cảnh Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung được tổ chức ngày 20/8/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Chính phủ kỳ vọng, hội nghị lần này sẽ đưa ra các giải pháp để Thủ tướng có thể ban hành chỉ thị để phát triển kinh tế miền Trung đặc biệt là năm 2020. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đưa ra những gợi để các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Thứ nhất, miền Trung đã có bước phát triển khá nhanh nhưng nhìn vào tiềm năng miền Trung còn có thể đạt quy mô kinh tế cao hơn nữa.

Du lịch là một thế mạnh hàng đầu của miền Trung so với các vùng khác trên cả nước với bãi biển, thuỷ sản với con người nhưng tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vùng từ du lịch chưa được 20% cả nước, vậy cần những động lực thúc đẩy toàn vùng phát triển như thể chế chính sách.

Thứ hai, ngành động lực của miền Trung là công nghiệp, du lịch, nông nghiệp hay kinh tế biển…., Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, nhân tố, động lực, tài nguyên, khoa học công nghệ, con người và quan trọng nhất là các giải pháp thúc đẩy các động lực này để kinh tế khu vực miền Trung phát triển. Cần tăng tốc phát triển nhanh hơn để quy mô kinh tế lớn hơn. Do đó, tại Hội nghị Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bàn về động lực để phát triển kinh tế miền Trung.

“Không thể nói miền Trung chỉ có nghèo khó, thiên tai,… bởi khu vực này có tiềm năng rất lớn. Khu vực mà chúng ta đang ở tại đây trước kia là khu vực hoang hoá, với những bãi sình lầy, cây bụi. Giờ đây là resort, khách sạn hạng sang, xung quanh thì đẹp lên từng ngày. Đây là một gợi ý để chúng ta thảo luận khi nói về việc phát huy tiềm năng thế mạnh của miền Trung”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng và lãnh đạo bộ, ngành thăm gian trưng bày của Bamboo Airways, hãng hàng không đăng ký đầu tư và đặt trụ sở tại Bình Định

Dân số miền Trung hiện là hơn 20 triệu người, kể cả đi các vùng miền khác nhưng vẫn có cốt cách, tố chất, tính cách là người miền Trung bộc trực, chăm chỉ và có phần quyết liệt.

“Tôi được biết rất nhiều nhân tài, nhiều tỷ phú xuất thân từ miền Trung. Đây là một loại "tài sản" rất quan trọng với các tỉnh miền Trung, làm sao để các nhân tài đóng góp cho quê hương và phải làm sao để thu hút người tài, người giàu”, Thủ tướng nói.

Thứ ba, Việt Nam tới 63 tỉnh thành, miền Trung diện tích không lớn nhưng có tới 14 tỉnh. Đặc biệt, do vị trí địa lý, khu vực này phải chịu nhiều thiên tai, khó khăn. Vì vậy, giải pháp đối mặt với khó khăn này như thế nào?

Thủ tướng cho biết, liên kết vùng là bài toán sống còn, vấn đề này đã được bàn rất nhiều nhưng chưa có lời giải về bài toán liên kết, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, phân công, tổ chức để tối ưu hoá đầu tư.

Thứ tư, bờ biển Việt Nam dài 3.260 km trong khi miền Trung dài trên 1.900 km, chiếm 58%. Vì vậy, kinh tế biển chắc chắn là một động lực lớn để phát triển kinh tế miền Trung.

“Cùng với biển bạc, các tỉnh miền Trung còn có kho vàng lớn đó là rừng, không có nơi nào có rừng vàng, biển bạc như miền Trung. Yêu cầu giữ gìn môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, cho nên câu hỏi tiếp theo là làm sao để phát triển và gìn giữ các yếu tố này. Nếu dải đất miền Trung không phải màu xanh thì sẽ có hậu quả khó lường”, Thủ tướng nói.

Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối
với một hội nghị khu vực đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Quy Nhơn

Vì vậy, những mô hình sản xuất từ đánh cá, đánh bắt xa bờ, chiến lược nuôi trồng phát triển thuỷ hải sản đặt ra trong nghiên cứu phát triển để các mô hình đó phù hợp hơn ở miền Trung.

Thứ năm, sự phát triển của các tỉnh miền Trung đến nay đã cơ bản hình thành các vùng kinh tế lớn như: Lọc hoá dầu Nghi Sơn, lọc hoá dầu Dung Quất, ô tô Trường Hải,… mức tăng trưởng công nghiệp toàn vùng bình quân 10,36% cao hơn cả bình quân cả nước. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng du lịch cũng ở mức cao và đang là động lực phát triển của miền Trung.

Làm sao để tránh mâu thuẫn, làm sao để "hai chân không giẫm vào nhau", 
"đi nhanh không vấp phải đá” là những câu hỏi mà Thủ tướng đặt ra cho miền Trung.

Thủ tướng mong muốn với trí tuệ, chất xám, các đại biểu sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể để phát triển kinh tế miền Trung. Chính phủ và Thủ tướng luôn coi trọng việc phát triển kinh tế miền Trung và đặt ở vị trí ưu tiên. Thủ tướng cũng mong các lãnh đạo Bộ, ngành luôn đặt phát triển kinh tế vùng ở vị trí ưu tiên.

 


Hạ An
Theo Bizlive

undefined