Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Kịch bản năm 2019: Giữ lạm phát khoảng 4% là thách thức không nhỏ?

12:00 | 04/01/2019

Cho rằng mục tiêu giữ lạm phát ở mức 4% vẫn nằm trong khả năng đạt được nhưng TS Ngô Trí Long cũng thừa nhận đây là một thách thức không nhỏ.

Kịch bản năm 2019: Giữ lạm phát khoảng 4% là thách thức không nhỏ?

Ảnh minh họa.

Trao đổi tại Hội thảo “Diễn biến của thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2018 và dự báo năm 2019" vừa diễn ra, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2018 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2018.
Theo phân tích của ông Ngô Trí Long, trong năm 2019 giá cả thị trường hàng hóa Việt Nam dự báo sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, đáng chú ý là dịch bệnh đối với vật nuôi luôn có nguy cơ xảy ra, gây ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm. Thời tiết, khí hậu vẫn là yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và nguồn cung nông sản trên thị trường.
Ông Long dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong năm 2019: Từ ngày 1/1/2019, sẽ áp dụng tăng mức lương tối thiểu vùng từ 2.920.000 đến 4.180.000 đồng/tháng; hay việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường, giá điện sẽ được điều chỉnh, biến động phức tạp của giá xăng dầu và các hàng hóa cơ bản khác trên thị trường thế giới, xu hướng tăng giá của đồng USD tác động đến tỷ giá trong nước.
"Giữ lạm phát khoảng 4% cũng là một thách thức không nhỏ", ông Long thừa nhận và cho rằng năm 2019 sẽ chịu tác động từ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng năm 2018 như đẩy nhanh đầu tư, nới tăng trưởng dư nợ tín dụng. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công.
Theo vị chuyên gia, nếu tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt 6,6 - 6,8%. Theo đó, 6,6% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát. Còn nếu tăng trưởng 6,8% và cao hơn nữa sẽ là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2019.
"Kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tăng trưởng 6,6 - 6,8% trên nền tăng trưởng cao của GDP năm 2019 là không hề dễ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn khó khăn, nhiều động lực cho tăng trưởng đã tới hạn", ông nhận định.
Dù vậy, ông vẫn cho rằng, dựa trên các yếu tố vĩ mô, tình hình kinh tế chính trị, lạm phát có thể vẫn sẽ tiếp tục được giữ ở mức thấp, khoảng 4%, trong các năm 2019 và 2020.
Ở một góc nhìn lạc quan hơn, TS Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, với giá dầu giảm mạnh, lạm phát tháng 12/2018 so với cùng kỳ năm trước đã chỉ còn ở mức 2,98%, giảm mạnh so với mức 3,89% trong tháng 10/2018.
"Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 bởi mức khởi điểm của lạm phát trong tháng đầu năm tới nhiều khả năng cũng ở mức dưới 3% sau khi Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong phiên đầu năm”, ông Độ cho biết.
Vị chuyên gia cho rằng, mức lạm phát thấp so với cùng kỳ của tháng đầu năm 2019 sẽ có tác động tích cực đến lạm phát cùng kỳ của tất cả các tháng trong năm cũng như lạm phát trung bình của năm 2019. Hơn nữa, trên thực tế, việc kiềm chế lạm phát trong năm 2019 không chỉ thuận lợi do giá dầu giảm mà còn do nhiều yếu tố khác.
Theo ông Độ, giá thịt lợn sau khi đã đạt mức trên 50.000 đồng/kg (thuộc hàng cao nhất thế giới) đã chững lại, tức là đóng góp vào lạm phát năm 2019 sẽ bằng 0 hoặc âm. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá trong năm 2019 được dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, bởi kinh tế Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại và lộ trình tăng lãi suất của FED cũng đang ở giai đoạn cuối, dẫn đến nhu cầu với đồng USD sẽ không còn mạnh như trước.
Đáng lưu ý, ông Độ cũng cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có chiều hướng dịu bớt lại. Khi cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc cùng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm sau, việc gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa 2 nước sẽ không có lợi cho bất kỳ ai, kể cả bên thứ ba là các nước còn lại. Điều này sẽ khiến cho tỷ giá đồng nhân dân tệ ổn định hơn trong năm 2019.
“Cả 3 yếu tố khiến cho lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá dầu, thịt lợn và tỷ giá đều được dự báo sẽ giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019. Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng lạm phát năm 2019 sẽ thấp hơn lạm phát trong năm 2018”, ông Độ nhận định.
Còn theo tiến sỹ Lê Quốc Phương, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, giá hàng hóa thế giới năm 2019 được dự báo có thể tăng và việc Fed dự định sẽ tăng tiếp lãi suất ít nhất 2 lần trong năm 2019. Từ đó, đồng USD sẽ tăng giá tạo sức ép lên tỷ giá và gây sức ép lên lạm phát.
Về các yếu tố trong nước, mục tiêu tăng trưởng GDP tương đối cao, trong khi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng chưa đổi mới căn bản cũng là nguyên nhân tạo sức ép lên lạm phát.
Bên cạnh đó, việc một số địa phương tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình; giá điện được duy trì ở mức tương đối thấp khá lâu cũng có thể tăng, thuế đánh vào xăng dầu tăng kịch trần là những yếu tố gây tăng lạm phát.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, Việt Nam cũng có rất nhiều thuận lợi để kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019. Cụ thể, CPI các năm gần đây đều thấp dưới 4%, lạm phát cơ bản các năm gần đây cũng đạt thấp dưới 2%; cung hàng hóa tương đối dồi dào; kinh tế vĩ mô ổn định...

LÂM AN

Theo Bizlive

undefined