Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Vốn FDI: Thực và ảo

12:00 | 30/10/2018

Một loạt nghiên cứu của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cho thấy tỷ trọng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam gần đây đang có vấn đề. Thực tế, vốn đầu tư đăng ký rất lớn nhưng tỷ lệ mở rộng và triển khai thực tế rất èo uột.

Vốn FDI: Thực và ảo


150 tỷ USD vốn FDI đăng ký ảo?

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qua 10 tháng của năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 27,9 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, có 2.458 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 15 tỷ USD, 954 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp 6,3 tỷ USD. Tính đến ngày 20/10, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 15,1 tỷ USD, bằng gần 50% lượng vốn đăng ký.

Dòng vốn ngoại vào Việt Nam được ghi nhận đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, tạo ra tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, FDI cũng để lại những tác động khác, trong đó thấy rõ nhất là việc chưa lan tỏa tới nhiều doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh những con số đẹp về thu hút đầu tư, các số liệu thống kê trong nhiều năm trở lại đây cũng cho thấy, may mặc, công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ là những lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất. Nhìn tổng thể, đây là điều mừng. Tuy nhiên, vốn FDI đổ nhiều vào bất động sản và những lĩnh vực gia công chất lượng thấp vẫn chiếm đa số trong các nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Về lâu dài, đây sẽ là bài toán khó với nền kinh tế. Điều đáng lo hơn nữa, theo các chuyên gia, việc dành quá nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cho các lĩnh vực này đang cho thấy những mặt trái khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Cùng với những thành tích thu hút FDI, việc tồn vốn đầu tư, “đầu tư ảo” cũng đang là vấn đề cần chú ý với các cơ quan quản lý khi nhìn trên tổng lượng vốn  đăng ký và giải ngân tích lũy qua nhiều năm.

Các số liệu từ Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, tính đến nay, số vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam đã đạt trên 333 tỷ USD. Tuy nhiên, cho đến nay, 150 tỷ USD vốn FDI đăng ký vẫn chưa được thực hiện. Với nền kinh tế mở như Việt Nam, việc tận dụng nguồn vốn FDI đã giải ngân mới là vốn thực, có ý nghĩa thực sự với nền kinh tế. Còn theo các chuyên gia, số “vốn ảo” đăng ký này nếu không được nhìn nhận rõ ràng, sẽ kéo theo những sai lệch về số liệu và dự báo, ảnh hưởng đến dự báo tốc độ phát triển của đất nước.

Còn ở khía cạnh địa phương, mặt trái của cuộc đua thành tích thu hút FDI là nhiều dự án tỷ USD đăng ký đến nay vẫn “đắp chiếu”, chưa được triển khai. Trong số này phải kể đến Dự án Saigon Atlantis Hotel (vốn đăng ký 4,1 tỷ USD); Dự án Hóa dầu Long Sơn (4,5 tỷ USD); Dự án Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya (2 tỷ USD); Dự án Khu đô thị đại học quốc tế (3,5 tỷ USD); Dự án Kobelco (1 tỷ USD)…

Chất lượng vốn FDI còn thấp

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết, với nền kinh tế Việt Nam, việc thu hút FDI vẫn là tiếp tục phải thực hiện trong thời gian tới. Cùng với thu hút vốn, tận dụng lợi thế từ nguồn vốn ngoại và thực giải ngân thế nào lại là vấn đề không hề dễ. Thực tế, khối các doanh nghiệp (DN) FDI đóng góp trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế Việt Nam  chưa cao là vấn đề Chính phủ cần lưu tâm. Các DN FDI luôn đòi hỏi ưu đãi thuế khi đầu tư vào một nước nào đó trong khi Chính phủ muốn thu hút đầu tư bằng các gói ưu đãi.

Còn theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng WB, nguồn vốn FDI vào Việt Nam hiện vẫn đang phân bổ tới những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, thuộc khâu lắp ráp cuối cùng. Nếu cộng dồn những yếu tố này lại, Việt Nam sau nhiều năm đón nhận dòng vốn ngoại, dù có nhiều điểm đáng tự hào, nhưng vẫn giữ vị thế gia công. Điều này thể hiện khá rõ qua cơ cấu xuất nhập khẩu của đất nước. Đến nay, khối FDI đã chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hoá sau gia công. Bên cạnh đó, nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của khối này là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu.

 

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

 

undefined