Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Nhiều lý do doanh nghiệp lo lắng nếu ngừng xuất khẩu gạo

12:00 | 25/03/2020

Ý kiến của Phó Chủ tịch VFA ông Đỗ Hà Nam , nếu chúng ta xử lý không khéo được vấn đề này có thể ngành xuất khẩu gạo sẽ bị vỡ trận chứ không phải chỉ ảnh hưởng một vài doanh nghiệp.

Nhiều lý do doanh nghiệp lo lắng nếu ngừng xuất khẩu gạo
Ảnh minh họa.

Trong công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ chiều muộn ngày 24/3, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép hoãn việc dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3 theo thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 23/3/2020.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết lý do xin hoãn là sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo và để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, cũng như hàng tồn kho thực tế hiện nay tại các doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 23/3, thông báo số 121/TB-VPCP nêu kết luận của Thủ tướng sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký ban hành nêu rõ: Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể việc tạm dừng xuất khẩu gạo theo trình tự thủ tục rút gọn (có hiệu lực từ ngày ký).
BizLIVE đã ghi nhận nhanh những ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp về những khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay:
Theo ông Trương Thanh Phong, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), việc tạm dừng xuất khẩu gạo không phải là vấn đề đơn giản vì rất có thể chúng ta sẽ vi phạm Luật Thương mại Quốc tế và cả Luật Thương mại của Việt Nam cũng như vi phạm cách Hiệp Định... Nếu chúng ta tuyên bố dừng xuất khẩu gạo trong trường hợp bất khả kháng thì đã chắc chắn như vậy chưa? Và câu chuyện này sẽ có hậu quả vô cùng lớn và rất nghiêm trọng chứ không hề đơn giản.
“Chúng ta dùng lý do bất khả kháng để dừng xuất khẩu gạo là không thuyết phục được quốc tế, vì hiện nay vụ Đông Xuân không bị mất mùa, không tổn thất nặng nề, vụ Hè Thu chưa tới, … như vậy các doanh nghiệp đã ký hợp đồng  xuất khẩu sẽ phải bồi thường các hợp đồng xuất khẩu gạo mà họ đã ký”, ông Phong nói.
Còn theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Intimex Group, nếu chúng ta xử lý không khéo được vấn đề này có thể ngành xuất khẩu gạo sẽ bị vỡ trận chứ không phải chỉ ảnh hưởng một vài doanh nghiệp. Hơn nữa, người chịu thiệt hại nặng nề trước nhất là nông dân trồng lúa. Đó là chưa kể doanh nghiệp nước ngoài đòi bồi thường hợp đồng doanh nghiệp thì lấy tiền đâu ra để bồi thường trong khi còn lo tiền để trả nợ vay ngân hàng.
“Tầm ảnh hưởng của quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến toàn xã hội. Sau khi có thông tin dừng xuất khẩu gạo, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng ngồi không yên, họ như ngồi trên lửa và bỏ cả ăn cơm”, ông Nam chia sẻ.
Ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng AgroMonitor cho biết, nếu tạm dừng xuất khẩu sẽ lo nhất là mất cơ hội và dễ làm vỡ trận ngành gạo. Việt Nam đã và đang làm tốt về hình ảnh trên bình diện quốc tế, nên việc ngừng xuất khẩu gạo sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh gạo Việt Nam, nếu việc này chưa được xem xét các mặt kỹ lưỡng.
Còn theo một doanh nghiệp ở ĐBSCL (xin giấu tên), Việt Nam hoàn toàn đủ gạo để tiêu thụ trong nước phục vụ hơn 90 triệu dân, có thể tiêu thụ tới cuối năm mà vẫn không hết gạo, vụ Đông Xuân đang thu hoạch và đang xuống vụ Hè Thu và vụ Thu Đông cho sản lượng gạo rất tốt. Sau bao năm, năm nay nông dân trồng lúa vừa hân hoan vì được mùa được giá, nếu dừng xuất khẩu sẽ ảnh hưởng lớn tới thu nhập của người nông dân và tâm lý sản xuất vụ Hè Thu sắp tới.

Thứ hai nữa là nếu Việt Nam dừng xuất khẩu thì các nước nhập khẩu sẽ tìm nguồn cung mới, khi họ đã quen và có hợp đồng gạo với nước khác rồi sẽ dẫn tới mất thị trường. Bài học tạm dừng xuất khẩu gạo năm 2008 vẫn còn nguyên giá trị! Sau khi tạm dừng xuất khẩu gạo, một số thị trường của Việt Nam đã lọt vào tay Thái Lan, tới bây giờ thế hệ đi sau rất cực khổ vẫn chưa giành lại được hết.

Hiện nay chỉ có gạo là mặt hàng chủ lực đem lại kim ngạch cho đất nước nên về kinh tế vĩ mô nên khuyến khích xuất khẩu vì Việt Nam đang thừa gạo. Nếu dừng xuất khẩu gạo sẽ có hàng trăm doanh nghiệp điêu đứng, hàng ngàn tiểu thương vỡ nợ và đặc biệt hàng triệu người nông dân lại ca bài ca được mùa mất giá!

QUANG TRÍ

Theo Bizlive

undefined