Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Nhiều lợi ích nếu định danh tài khoản mạng xã hội

12:00 | 11/05/2023

Chuyên gia bảo mật cho biết cần nhiều nỗ lực để hiện thực hoá quy định chủ tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam phải được định danh.

Tạo lập môi trường minh bạch

Tại phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp tổ chức ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Nghị định của Chính phủ thay thế nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ được ban hành trong năm nay.

“Nghị định mới yêu cầu các chủ tài khoản mạng xã hội thực hiện định danh, dù sử dụng nền tảng của nước ngoài như Facebook, TikTok, YouTube hay trong nước. Với tài khoản không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.

Trước thông tin trên, bà Nguyễn Thị Nhàn, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Tasco đánh giá, việc định danh tài khoản mạng xã hội là cần thiết, giúp hạn chế “fake news” bởi khi đó, mọi người sẽ có trách nhiệm tìm hiểu các thông tin kỹ càng trước khi phát ngôn trên mạng xã hội.

“Tuy nhiên nên để thứ tự ưu tiên sau khi hoàn thành đồng bộ hóa dữ liệu dân cư với các ngành như thuế, bảo hiểm, ngân hàng. Khi đồng bộ được các dữ liệu này, việc định danh tài khoản mạng xã hội mới phát huy được tác dụng, có thể áp dụng các chế tài liên quan đến tài chính khi có hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Ngoài ra, tôi cho rằng nên ưu tiên triển khai định danh với các tài khoản có lượng follow lớn, gần giống cơ chế “tick xanh” hiện nay”, bà Nhàn cho biết.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hà, Giám đốc Dịch vụ Khách hàng Công ty Matterhorn Communications cho biết: “Việc định danh tài khoản mạng xã hội có thể đem lại nhiều lợi ích như giúp xác thực danh tính người dùng, hỗ trợ cơ quan chính quyền trong việc xác định đối tượng lừa đảo và ngăn chặn việc mạo danh, lừa đảo trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, việc định danh cũng cần được thực hiện một cách cẩn thận và đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng. Bởi khi khai báo các thông tin cá nhân trên mạng trực tuyến, vẫn tồn tại nguy cơ thông tin bị hack, rò rỉ, bị kẻ xấu lợi dụng theo dõi hoạt động của người dùng, hoặc sử dụng thông tin của họ vào mục đích không đúng đắn”.

Những bài toán cần giải

Hiện tại, việc xác nhận lập tài khoản mạng xã hội thông thường thực hiện qua email hoặc số điện thoại. Trong khi người dùng có thể tạo rất nhiều email để lập tài khoản mới, việc dùng số điện thoại xác nhận có thể bị giới hạn hơn.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã siết chặt việc quản lý SIM rác, quyết tâm thực hiện việc cắt liên lạc hai chiều với 1,2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa. Động thái này được đánh giá góp phần hỗ trợ lộ trình định danh các tài khoản mạng xã hội sắp tới.

Tuy vậy, theo chuyên gia, người dùng tại Việt Nam vẫn có thể thuê các số điện thoại nước ngoài để thực hiện xác thực OTT, sau khi xác thực xong, có thể dùng trao đổi, tương tác với các tài khoản xác thực bằng số điện thoại trong nước như bình thường và không có sự phân biệt. Vì vậy, nếu tài khoản OTT đăng ký bằng số điện thoại nước ngoài, việc xác định chủ tài khoản rất khó khăn.

“Nếu sử dụng số điện thoại của các nhà mạng tại Việt Nam, thông tin sẽ được liên kết với các thông tin có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc định danh tài khoản OTT sẽ khó khăn nếu số điện thoại dùng để xác thực tài khoản là số điện thoại nước ngoài, không chịu sự quản lý của Việt Nam. Ngoài ra, các đối tượng có thể mượn số tài khoản trong nước hoặc số điện thoại rác tại Việt Nam để đăng ký thì cũng rất khó xác thực chủ sở hữu thực sự của tài khoản là ai”, vị chuyên gia khẳng định.

Hơn nữa, việc quản lý xác thực OTT cũng gặp khó bởi các ứng dụng OTT xuyên biên giới thường được vận hành, quản lý bởi các công ty nước ngoài. Đôi khi các công ty này không có đại diện tại Việt Nam, vì vậy không chịu sự quản lý của Việt Nam.

Thứ hai, để định danh tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam, cần các quy định, chế tài với các nền tảng xuyên biên giới - những đơn vị cung cấp dịch vụ người dùng.

“Nếu yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải chuẩn hoá theo yêu cầu của Việt Nam, sẽ còn nhiều việc cần giải quyết. Đầu tiên, hệ thống kỹ thuật của các nhà cung cấp dịch vụ có hỗ trợ việc đó hay không, vì đây đều là các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu, họ có mặt ở các quốc gia khác nhau, chính sách khác nhau, nên rất khó để họ tuân thủ đầy đủ một quy định riêng nào đó”, chuyên gia bảo mật khẳng định.

Tiếp theo, phụ thuộc vào chính sách của các nhà cung cấp dịch vụ. Đôi khi một dịch vụ sinh ra để giúp người dùng ẩn danh, tự do trao đổi mà không để lại dấu vết, việc yêu cầu dịch vụ này phải định danh sẽ đi ngược lại mục đích của người tạo ra sản phẩm, sẽ khó có thể thực hiện.

Thứ ba, vị chuyên gia cho biết cơ quan quản lý cần chế tài xử phạt “hợp lý”. “Trong trường hợp một nhà cung cấp dịch vụ nếu không tuân theo quy định, chúng ta sẽ phải xử lý thế nào, vì nếu xử lý mạnh tay, có thể phải cấm toàn bộ dịch vụ đó, điều này rất khó khả thi vì có thể xảy ra những xung đột với thông lệ quốc tế”, chuyên gia cho biết.

Việc định danh tài khoản mạng xã hội cũng gặp bài toán về bảo mật thông tin. Bà Nguyễn Thị Diễm Hà chia sẻ: “Mạng xã hội lớn Facebook từng gặp khủng hoảng bị hack dữ liệu năm 2021. Như vậy, ở những nền tảng nhỏ hơn, việc bảo mật thông tin sẽ không đủ tạo nên sự tin tưởng và bảo về quyền riêng tư cho người dùng.

Ở chiều ngược lại, làm sao xác thực được tính chân thực của các dữ liệu khai báo của người dùng cũng là vấn đề cân nhắc. Nếu không có cách quản lý triệt để, việc khai báo định danh cũng không có giá trị, không giải quyết được vấn đề lừa đảo trên mạng xã hội.

"Việc định danh là điều không đơn giản để thực hiện. Để giảm thiểu các rủi ro, việc định danh nên kết hợp song hành với các biện pháp bảo mật thông tin mới tăng tính khả khi, góp phần ổn định xã hội", bà Hà chia sẻ.

Bảo Nhi

Theo Bizlive

undefined