Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Loạt tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo về tình trạng dân số già

12:00 | 18/05/2023

Nếu chính phủ các nước không áp dụng biện pháp cải tổ mạnh mẽ, sẽ hoàn toàn có thể xảy ra những vòng xoáy suy giảm kinh tế luẩn quẩn và chi phí lãi vay tăng lên.

Vấn đề dân số già đang ảnh hưởng đến tình hình tài chính công khắp thế giới, nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo những đợt điều chỉnh lãi suất gần đây đã làm tăng ảnh hưởng từ việc lương hưu và chi phí y tế tăng mạnh, theo nội dung bài báo mới được Financial Times đăng tải.

Khi mà lãi suất được điều chỉnh tăng mạnh nhằm ứng phó với tình trạng lạm phát leo thang mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ, Moody’s, S&P và Fitch đều đã cảnh báo rằng tình trạng nhân khẩu ngày một xấu đi hiện đang ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của các chính phủ.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên cũng cảnh báo rằng nếu chính phủ các nước không áp dụng biện pháp cải tổ mạnh mẽ, sẽ hoàn toàn có thể xảy ra những vòng xoáy suy giảm kinh tế luẩn quẩn và chi phí lãi vay tăng lên.

“Trong quá khứ, các yếu tố nhân khẩu học thuộc diện cân nhắc trong trung và dài hạn. Giờ đây, tương lai chắc chắn sẽ khác, xếp hạng tín nhiệm của các quốc gia có thể bị ảnh hưởng ngay”, giám đốc điều hành tại mảng dịch vụ nhà đầu tư thuộc Moody – ông Dietmar Hornung nói.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong tháng này đều đã nâng lãi suất cơ bản đồng nội tệ lên ngưỡng cao nhất tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, chi phí nợ của các chính phủ vì vậy tăng cao.

“Dù rằng các yếu tố nhân khẩu học còn đang diễn biến dần dần, vấn đề nhân khẩu học đã trở nên ngày một bức thiết hơn”, trưởng bộ phận nghiên cứu về các quốc gia tại Fitch – ông Edward Parker phân tích. Vào tháng trước, ông đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp, ông cảnh báo về khả năng chương trình cải tổ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có thể chững lại.

Nhiều cơ quan xếp hạng tín nhiệm nói rằng việc chi phí lãi vay tăng cao đang làm trầm trọng hơn tác động từ việc độ tuổi lao động thay đổi, ngoài ra tình hình tài chính công khó khăn hơn khi mà chi phí y tế và hưu trí tăng cao.

Diễn biến mới nhất không khỏi ảnh hưởng đến triển vọng xếp hạng tín nhiệm tại EU, nơi mà theo tính toán của Ủy ban châu Âu (EC), tỷ lệ dân số trên 65 tuổi sẽ tăng từ 20% hiện nay lên 30% vào năm 2050, tình trạng tương tự có thể diễn ra tại Nhật và Mỹ.

Chuyên gia phân tích tại S&P Global Ratings, ông Marko Mrsnik, khẳng định thêm rằng theo kết quả nghiên cứu của S&P, khi mà chi phí lãi vay tăng thêm 1 điểm phần trăm, tỷ lệ nợ/GDP tại nhiều nước bao gồm Nhật, Italy, Anh và Mỹ sẽ có thể lên ngưỡng 40-60% trước thời điểm năm 2060.

Vào tháng 1/2023, tổ chức S&P nói rằng xếp hạng tín nhiệm ước tính khoảng nửa trong tổng số các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có thể bị hạ xuống ngưỡng “rác” trước năm 2060, cao hơn so với tỷ lệ khoảng 30% hiện nay trừ khi các biện pháp cần thiết để giảm thiểu tác động của quá trình già hóa dân số được đưa ra.

S&P đồng thời ước tính rằng nếu không có các biện pháp cải tổ tài khóa liên quan đến vấn đề dân số già, thâm hụt ngân sách của một chính phủ có thể lên đến 9,1% GDP vào năm 2060, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 2,4% của năm 2025.

Trung Mến

Theo Bizlive

undefined