Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Hàng trăm hộ dân khu đô thị ở huyện Hoài Đức, Hà Nội suốt nhiều năm không có nước sạch

12:00 | 07/11/2024

Suốt 6 năm qua, hàng trăm hộ dân sống trong khu đất dịch vụ 6,9ha thuộc xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chịu khổ khi phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Thậm chí tự nguyện chung tiền nhau lắp hệ thống nước sạch nhưng không được thực hiện.

Các hộ dân khổ sở khi phải sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh

Suốt 6 năm ròng rã ăn nước giếng khoan, mong mỏi nước sạch sinh hoạt

Từ năm 2008, theo quyết định của các cấp chính quyền tỉnh Hà Tây (nay là TP. Hà Nội) khu đất dịch vụ 6,9ha xã Vân Canh, huyện Hoài Đức được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở dịch vụ. Năm 2017, người dân đã ra UBND xã Vân Canh nộp 810.000 đồng/m2 để xây dựng hạ tầng khu dân cư và sau đó được UBND xã Vân Canh làm thủ tục chia đất và cấp "sổ đỏ", các hộ gia đình sinh sống ổn định từ đó tới nay. Điều đáng nói, cũng từ đó đến nay, người dân sinh sống tại khu đất dịch vụ 6,9 ha xã Vân Canh bắt đầu những tháng năm gặp muôn vàn khó khăn khi không được cấp nước sạch sinh hoạt.

Bà Hoàng Thị Thu Hiếu (sống tại khu đất dịch vụ 6,9ha xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bức xúc: “Từ năm 2017, 2018 đến nay, chúng tôi nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền xã, huyện và những lần tiếp xúc cử tri chúng tôi đều phát biểu ý kiến, phản ánh về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Mặc dù sống gần ngay UBND xã nhưng người dân gặp nhiều khổ sở vì không có nước sạch, hàng ngày phải dùng nước giếng khoan hôi tanh, đen ngòm. Rất nhiều dân bị các bệnh về da liễu. Chưa kể sốt xuất huyết, muỗi bọ, loăng quăng hoành hành quanh năm…”.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hiếu, hàng loạt thiết bị trong nhà các hộ dân bị chuyển màu vàng, gỉ sét do tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm: “Những hộ dân nơi đây rất khổ sở, không còn cách nào khác phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Da dẻ của nhiều người nhất là trẻ em, người già bong tróc vì thường xuyên phải sử dụng nguồn nước này. Để khắc phục, người dân tự chế bể lọc bằng cát. Tuy nhiên, qua nhiều lần lọc, nước vẫn có màu vàng đục. Không chịu nổi, nhà tôi và nhiều hộ khác đầu tư thêm hệ thống lọc nước hơn 10 triệu đồng. Cứ 4 tháng, tôi phải thay lõi lọc 1 lần. Mỗi lần thay là một lần nổi da gà vì lõi lọc chuyển màu xanh đậm. Do vậy, gia đình nhà tôi chỉ dám sử dụng nước này để tắm giặt, tưới cây. Các thành viên trong gia đình đều thường xuyên phải đi thăm khám các bệnh về da liễu. Đi hết viện này đến viện kia, cứ khỏi được một thời gian là bị lại vì mình vẫn đang phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn".

Ông Nguyễn Đình Minh (sống tại khu đất dịch vụ 6,9ha xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) ngán ngẩm khi suốt thời gian dài phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm: “Lo sức khỏe gia đình, chúng tôi vào làng Hậu Ái (giáp Khu đất 6,9ha) xin kéo nhờ nước sạch của các hộ dân trong làng để dùng. Mặc dù, số tiền mua đường ống, thiết bị liên quan và mức giá nước rất cao nhưng chúng tôi vẫn phải cắn răng chấp nhận, mức giá lên đến 45.000 đồng/1 khối nước, trung  bình mỗi tháng mỗi nhà sử dụng khoảng 30 khối nước. Đáng ngại là vào thời kỳ cao điểm, mất nước liên tục, người dân chúng tôi lại phải đi mua nước ở ngoài với giá hơn 200 nghìn đồng 1 khối rất xót xa nhưng vẫn phải chịu vì không còn sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi bức xúc vô cùng khi sống trong lòng Hà Nội, xung quanh người dân đều có nước sạch sử dụng nhưng mình lại không có. Cảm giác như mình đang sống ở vùng sâu, vùng xa vậy”, ông Nguyễn Đình Minh chia sẻ.

Tự nguyện đóng góp tiền nhưng mãi chưa được lắp đặt hệ thống nước sạch

Theo ghi nhận của phóng viên, khu dân cư 6,9ha nằm cách UBND xã Vân Canh, đã có hệ thống hạ tầng như đường, điện gần như đã ổn định, tuy nhiên, người dân chưa được sử dụng nước sạch dù hệ thống ống cấp nước đã cấp đến ngay cạnh khu dân cư.

Ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho biết: “UBND xã đã nắm bắt được thông tin khi người dân cũng nhiều lần phản ánh, bức xúc về hạ tầng, đặc biệt là nước sạch sinh hoạt. Sau nhiều lần họp UBND xã và UBND huyện và những người dân trong khu này và thống nhất phương án xã hội hóa. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị của huyện Hoài Đức làm thủ tục bàn giao quyền quản lý, hạ tầng kĩ thuật khu đất 6,9ha này. Sau đó chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức hội nghị với đầy đủ người dân và các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Dân chủ cơ sở, hoàn thiện các hồ sơ cần thiết để tiến hành cho thi công hệ thống nước sạch của khu dân cư và đấu nối vào hệ thống nước của cả xã".

Theo ông Nguyễn Thế Minh, từ những năm 2004-2005, tỉnh Hà Tây quy hoạch hoạch sử dụng đất tại khu vực không có cơ sở hạ tầng cấp nước sạch vào trong khu vực 6,9ha…Sau đó, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội, khu đất 6,9ha được xây dựng thành khu dân cư đô thị. Đến năm 2018, cho người dân vào sinh sống nhưng từ đó đến nay không có nước sạch vì khu này không có trong quy hoạch. Vì không có trong quy hoạch nên không có nguồn tài chính nào đầu tư vào cơ sở hạ tầng nước bên trong khu này. Hiện Công ty nước sạch Tây Hà Nội là doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư đầu nối nước sạch đến đầu khu đất đấu giá.

“Từ năm 2018 đến nay người dân kiến nghị nhiều lần qua các cấp nhưng không được xây dựng hạ tầng cấp nước sạch. Sau đó người dân và chính quyền địa phương đã thống nhất phương án xã hội hóa, trong đó đã nhờ Công ty nước sạch phía Tây Hà Nội vào lập dự toán, lập bản vẽ kỹ thuật…”, ông Nguyễn Thế Minh cho hay.

Ông Trần Văn Chương đại diện các hộ dân (sống tại khu đất dịch vụ 6,9ha xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, suốt hơn 6 năm nay, người dân tại khu đất đã rất nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền cho phép lắp đặt đường ống dẫn nước bằng nguồn ngân sách. Thế nhưng, theo quy định, không được sử dụng vốn ngân sách để làm hệ thống nước sạch. Do vậy, người dân ở đây đã đồng tình với việc sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để lắp đặt hệ thống nước sạch. Các hộ dân đã đồng thuận tự đóng góp chi phí tạm thời 10 triệu đồng/hộ; đồng thời, nhờ Công ty Nước sạch Tây Hà Nội lập dự toán, lập bản vẽ kỹ thuật.

“Đã hơn 3 lần chúng tôi họp chính thức với UBND xã và các cơ quan chuyên môn của huyện Hoài Đức thống nhất phương án tự nguyện bỏ tiền túi ra đóng góp theo hình thức xã hội hóa. Chúng tôi cũng cho thợ vào lắp đặt hệ thống nước nhưng UBND xã Vân Canh cho rằng như vậy là chưa đúng quy định của pháp luật và có thể gây mất an ninh trật tự. UBND xã yêu cầu phải chờ làm xong thủ tục. Tuy nhiên, Ban đại diện đã hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đúng theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, đến nay, người dân vẫn chưa thể triển khai lắp đặt hệ thống nước sạch - điều mà chúng tôi mong mỏi suốt hơn 6 năm qua. Trong khi qua hết năm này đến năm khác chúng tôi cứ phải sống trong khổ cực, chờ đợi nước sạch đến dài cổ mà vẫn chưa được làm nhưng UBND xã Vân Canh và huyện Hoài Đức vẫn án binh bất động”, ông Nguyễn Đình Minh bức xúc.

Ông Trần Văn Chương bức xúc cho biết thêm: “Hết lần này đến lần khác chúng tôi kiến nghị thì xã bảo chờ hướng dẫn và chờ huyện bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hỏi huyện thì lại bảo đang xin ý kiến và trao đổi hướng dẫn với xã,…Cứ qua lại như vậy nhưng gần 1000 người dân chúng tôi vẫn không có nước sạch. Cuộc sống vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dùng nước không đảm bảo vệ sinh, sức khỏe suy giảm, gánh nặng chi phí vẫn tiếp tục tăng…người dân rất khổ cực, không biết phải làm sao. Trong khi tự bỏ tiền túi ra làm xã hội hóa mà không được làm”.



undefined