Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Có bất ngờ với thực trạng lao động mất việc ồ ạt dịp cuối năm?

12:00 | 07/12/2022

TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng để giải quyết vấn đề người lao động mất việc ồ ạt hiện nay rất cần sự đồng bộ các giải pháp của nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

TS. Bùi Sỹ Lợi

Theo báo cáo mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thống kê đến cuối tháng 11, đã có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động.

Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là trên 472.000 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Các ngành có số lao động bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí…

Nguyên nhân là một số doanh nghiệp có đơn hàng đi các thị trường như châu Âu và Mỹ, nay các thị trường này đang cắt giảm chi tiêu vì ảnh hưởng lạm phát kinh tế dẫn đến những doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng hoặc thiếu nguồn nguyên liệu. Doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đồng nghĩa với cắt giảm lao động.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có trao đổi với chúng tôi về thực trạng này.

Ông nhận định như thế nào về thực trạng hàng chục nghìn lao động phải nghỉ việc, giảm giờ làm vào thời điểm cuối năm?

Sau hai năm đại dịch COVID-19, tổng cầu trên thế giới ở tất cả các mặt hàng nhất là dệt may, da giày, nông nghiệp đều giảm, kéo theo tổng cung cũng giảm, cho nên đã dẫn tới giảm các hợp đồng kí kết với Việt Nam. Chính vì lẽ đó đã tác động đến kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, khi các đơn hàng giảm sút các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất điều này đồng nghĩa với việc giảm bớt lao động tham gia vào quá trình sản xuất. Bởi vậy rất nhiều lao động hiện nay xảy ra tình trạng bị chấm dứt hợp đồng lao động, giảm giờ làm.

Nhìn chung, từ nay tới cuối năm tình hình giảm lao động, cắt giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động có xu hướng tăng lên do tổng cầu của các nước nhập khẩu của Việt Nam giảm đi nên tổng cung cũng phải cắt giảm theo các nước.

Việc thị trường lao động bị đứt gãy như hiện nay liệu có phải yếu tố bất ngờ không thưa ông?

Đây là hiện tượng không hoàn toàn bất ngờ nhưng sự đứt gãy cũng mang tính chất không chủ động, mặc dù chúng ta dự báo được (bởi vì chúng ta vừa trải qua hai năm đại dịch COVID-19, đã biết được tình hình khó khăn phức tạp của nền kinh tế, thấy được sức mua của người dân trên thế giới có xu hướng giảm đi) nhưng có lẽ sự biến động này hơi nhanh và có tác động bất lợi.

Chính vì thế chúng ta cũng phải chuẩn bị điều kiện tốt để cơ cấu ngành nghề, giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Quan trọng là doanh nghiệp giữ được lao động để khi phục hồi kinh tế, chúng ta không bị thiếu lao động.

Để giải quyết bài toán lao động mất việc trong thời điểm này, chúng ta cần những giải pháp ra sao, thưa ông?

Hiện nay để giải quyết bài toán lao động mất việc cần phải tập trung rất nhiều giải pháp.

Về phía Chính phủ phải tháo gỡ khó khăn ở thị trường ngoài nước. Cụ thể giúp các doanh nghiệp đàm phán, kí kết, giữ được ở mức tối đa kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được ký, và mở rộng thêm mặt hàng mới.

Ngoài ra nhà nước phải dùng các giải pháp hỗ trợ về tài chính, chính sách liên quan đến an sinh xã hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp tồn tại và ổn định sản xuất.

Về phía địa phương, phải theo dõi sát tình hình biến động lao động tại các doanh nghiệp để có biện pháp giải quyết mối quan hệ cung cầu lao động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp về hạ tầng cơ sở, tiền điện, tiền nước…

Thứ hai, khi người lao động không may mất việc làm thì địa phương phải huy động biện pháp tranh thủ tạo được việc làm cho họ để đảm bảo an sinh.

Về phía doanh nghiệp, phải tìm cách làm sao dù khó khăn vẫn giữ chân được người lao động, chủ động chuyển đổi sản xuất. Cố gắng giảm bớt lợi nhuận và các chi phí khác để chăm lo cho người lao động. Tập trung tìm kiếm thị trường, nếu khó khăn thì chuyển dịch cơ cấu sản phẩm.

Về phía người lao động phải chia lửa với doanh nghiệp, có thể giảm bớt giờ làm, luôn phiên thời gian làm việc, khắc phục khó khăn cùng doanh nghiệp.

Mới đây có kiến nghị liên quan đến việc nên trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động mất việc trong giai đoạn này, quan điểm của ông thế nào?

Theo tôi, đây là một ý kiến rất thiện chí, nhưng sau đại dịch COVID-19 chúng ta đã sử dụng đến 38.000 tỷ trong tổng số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp rồi, mà mục tiêu của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động bị mất việc để họ đảm bảo cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới.

Thứ hai, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là để đào tạo lại nghề cho người lao động, chuyển sang việc làm mới. Cho nên chúng ta không nên nghĩ đến việc dùng quỹ này để hỗ trợ lao động mất việc làm trong thời điểm hiện nay mà chúng ta chỉ nên sử dụng để hỗ trợ cho người lao động mất việc khi tình thế đặc biệt khó khăn như đại dịch COVID-19 vừa qua. Còn để giải quyết vấn đề này cần đồng bộ các giải pháp của nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, người lao động theo quy định của pháp luật.

Ví dụ người lao động mất việc làm thì chúng ta có thể tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Hoặc nếu doanh nghiệp vẫn duy trì tồn tại phát triển thì chúng ta cho người lao động tạm hoãn đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, không tính lãi, hoặc có thể hỗ trợ, trợ cấp bằng các phương pháp của thiết chế công đoàn, các tổ chức như cho vay vốn, hỗ trợ nhà ở,… để người lao động vượt qua khó khăn thử thách này.

Trước tình hình trên, ông dự báo tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường lao động sẽ diễn biến theo xu hướng nào?

Khả năng thị trường lao động có xu hướng giảm về lực lượng lao động ở một số khâu, một số mặt, nhưng vẫn có điều thuận lợi là hiện nay nhiều doanh nghiệp, ngành nghề dự báo sẽ phát triển và cần thu hút thêm lao động.

Nhưng chúng ta cũng thấy rằng nếu tìm được giải pháp ổn định sản xuất thì khả năng cân bằng lực lượng lao động của chúng ta có thể giải quyết được.

Xin cảm ơn ông.

Nguyễn Nga

Theo Bizlive

undefined