chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Cách tính lương hưu của khu vực Nhà nước trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
12:00 | 10/10/2024
Hiện lương hưu người làm khu vực Nhà nước đang được tính mức bình quân của các năm cuối. Tuy nhiên, với những người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi, sẽ hưởng lương hưu trên nền tiền lương của toàn bộ quá trình…
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được Quốc hội thông qua cuối tháng 6 tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã quy định lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu của khu vực Nhà nước và doanh nghiệp như nhau.
TIẾN TỚI TÍNH LƯƠNG HƯU TRÊN NỀN TIỀN ĐÓNG CỦA CẢ QUÁ TRÌNH
Theo Luật mới, về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp. Theo đó, lương hưu của lao động ở khu vực này vẫn tính bình quân toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội, kế thừa quy định hiện hành của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Đồng thời, có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu của khu vực Nhà nước và doanh nghiệp như nhau. Theo đó, đối với khu vực Nhà nước, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được tính trong khoảng thời gian 5 đến 20 tháng cuối trước khi nghỉ hưu, tuỳ từng thời điểm tham gia.
Đối với người đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi, thì tính bình quân toàn bộ quá trình đóng, tương tự khu vực doanh nghiệp.
Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (khu vực doanh nghiệp), thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chung của cả hai giai đoạn.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng trong một số trường hợp đặc biệt.
Về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm, và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng, hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc. Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do Chính phủ quy định.
ĐẢM BẢO BÌNH ĐẲNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở CÁC KHU VỰC
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), vấn đề vì sao khu vực Nhà nước không tính lương hưu trên toàn bộ quá trình đóng như khối doanh nghiệp cũng từng nhiều lần được đề cập.
Thực tế không phải người lao động nào, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của những năm cuối cũng cao hơn những năm trước đó, đặc biệt là người lao động làm việc trong khu vực ngoài Nhà nước. Do vậy, không hẳn cứ tính theo số năm cuối là được lợi hơn.
Theo quy định hiện hành, với người lao động thuộc khu vực Nhà nước, khi tính mức lương hưu thì tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đã có quy định lộ trình, tiến tới tính toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội, như đối với khu vực ngoài Nhà nước.
Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, cũng nhìn nhận việc tiến tới tính lương hưu của khu vực Nhà nước và doanh nghiệp bình đẳng như nhau là một quá trình dài.
Trước đây, người làm ở khu vực Nhà nước chỉ tính lương hưu trên nền tiền đóng của những năm cuối, nhưng Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng đặt ra lộ trình tính bình quân của cả giai đoạn, bước đầu từ 5 năm cuối, 6 năm cuối, 10 năm cuối…đến toàn bộ thời gian đóng.
“Nếu tính bình quân cả quá trình thì lương hưu của người làm khu vực Nhà nước sẽ dần tiến tới bình đẳng hơn với khu vực doanh nghiệp”, ông Huân nói và cho rằng mục tiêu là cần đạt được như vậy, song vì nhiều điều kiện khách quan nên trước đây chưa thể làm ngay được. Vì vậy, quy định tính bình quân cả quá trình đóng với người tham gia từ năm 2025 trong Luật mới lần này theo ông Huân là một bước tiến.
Bên cạnh thay đổi cách tính lương hưu khu vực Nhà nước, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng đã quy định cụ thể về mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở.
Mức tham chiếu này sẽ dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội, và do Chính phủ quyết định. Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bằng mức lương cơ sở.
Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ, thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm đó. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng quy định giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đồng thời, quy định cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành.
Nhật Dương
Theo VnEconomy