Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Tranh thủ giá khí đốt cao ngất ngưởng, Trung Quốc đẩy mạnh bán lại LNG sang châu Âu

12:00 | 08/09/2022

Do nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga, Trung Quốc có nguồn cung khá thoải mái và có thể bán lại cho châu Âu - khu vực đang “săn lùng” mặt hàng này để thay thế cho sự suy giảm nguồn cung từ Nga đúng vào thời điểm mùa đông đang đến gần. Rơi vào thế bí, các nước châu Âu gần như sẵn sàng trả bất kỳ mức giá nào để mua được khí đốt...

Các công ty quốc doanh của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng đang đẩy mạnh việc bán khí đốt hoá lỏng (LNG) cho châu Âu - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin từ thị trường khí đốt cho hay.

Nguồn tin nói rằng từ đầu năm đến nay, nhiều lô LNG từ Mỹ bán sang Trung Quốc cuối cùng đã được bán lại cho khách châu Âu. Mới đây nhất, công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc CNOOC chào bán một lô LNG mua từ vùng North West Shelf của Australia, dự kiến giao hàng vào tháng 11.

Trong khi đó, nhập khẩu LNG từ Nga vào Trung Quốc đã tăng mạnh trong năm nay. Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Trung Quốc đã chi 35 tỷ USD để nhập khẩu năng lượng Nga, so với mức 20 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái - Bloomberg cho biết hồi tháng 8.

Hồi tháng 7, tờ South China Morning Post dẫn số liệu hải quan Trung Quốc cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc mua tổng cộng 2,35 triệu tấn LNG từ Nga, trị giá 2,16 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu LNG của Trung Quốc từ Nga trong 6 tháng đầu năm dã tăng 28,7% về lượng và tăng 182% về giá trị. Điều này đồng nghĩa với việc Nga vượt qua Indonesia và Mỹ trở thành nhà cung LNG lớn thứ tư của Trung Quốc trong nửa đầu năm.

Do nhập khẩu nhiều LNG từ Nga, Trung Quốc có nguồn cung khá thoải mái và có thể bán lại cho châu Âu - khu vực đang “săn lùng” khí đốt để thay thế cho sự suy giảm nguồn cung khí đốt từ Nga đúng vào thời điểm mùa đông đang đến gần. Rơi vào thế bí, các nước châu Âu gần như sẵn sàng trả bất kỳ mức giá nào để mua được khí đốt.

Trong một bài báo gần đây, tờ Financial Times nhấn mạnh rằng tình hình đối với châu Âu rất bấp bênh. Hiện tại, Trung Quốc có thể bán lại những lô LNG mà nước này không cần phải dùng đến do hoạt động kinh tế suy yếu. Nhưng một khi các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc khởi sắc, nhu cầu LNG của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ tăng theo và sẽ Trung Quốc sẽ không còn dư LNG để bán cho châu Âu.

Năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc mạnh do ảnh hưởng của chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid. Điều này khiến nhu cầu LNG của Trung Quốc đã giảm tới 20% trong năm nay, sau khi tăng mạnh trong năm ngoái đưa Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu khí hoá lỏng lớn nhất thế giới.

Một tàu chở khí hoá lỏng (LNG) - Ảnh: Reuters.

Từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã bán khoảng 4 triệu tấn LNG trên thị trường quốc tế,

tương đương khoảng 7% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của EU trong nửa đầu năm – theo Financial Times.

Bài báo của Financial Times nói rằng “nỗi lo sợ của châu Âu về thiếu khí đốt trong mùa đông có thể tránh được, nhờ một ‘hiệp sỹ” không ai ngờ tới là Trung Quốc”. Bài báo nói thêm rằng việc Trung Quốc bán lại LNG trên thị trường giao ngay “mang tới một nguồn cung dồi dào để châu Âu có thể tiếp cận, cho dù với mức giá cao”.

Không chỉ tăng mạnh nhập khẩu LNG từ Nga, Trung Quốc còn đẩy mạnh việc mua khí đốt tự nhiên qua đường ống từ Nga. Mới đây, hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom nói rằng lượng khí đốt mà nước này cung cấp cho Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, Gazprom tiết lộ rằng xuất khẩu khí đốt Nga sang Trung Quốc qua đường ống đã tăng 63,4% trong nửa đầu năm 2022. Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống lớn thứ nhì của Trung Quốc, chỉ sau Turkmenistan.

Như vậy, trong lúc cố gắng giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, châu Âu lại đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Trung Quốc, mà đó lại chính là khí đốt Nga, chỉ khác là không đi thẳng từ Nga sang châu Âu như trước mà đi “đường vòng” qua Trung Quốc. Tệ hơn, họ phải trả mức giá cao hơn nhiều so với mua khí đốt trực tiếp từ Nga.


Bình Minh

Theo VnEconomy



undefined