Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc nhiều hơn phần còn lại của EU, kinh tế Đức hắt hơi, Eurozone lập tức cảm lạnh

12:00 | 04/04/2024

Cho đến vài năm trước, nền kinh tế Đức đã được hỗ trợ nhờ nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ của Nga và gia công một phần sản xuất cho Trung Quốc. Điều này gây ra những hậu quả sâu rộng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.

Các nhà phân tích và tổ chức quốc tế lo ngại, năm 2024, nếu tăng trưởng kinh tế Đức không cải thiện thì tình trạng trì trệ của nước này có thể lan sang Pháp và Italy.

Đức, được coi là động cơ kinh tế của châu Âu, vẫn bị đình trệ. Và cũng giống như khi nền kinh tế này hắt hơi, Khu vực đồng Euro (Eurozone) bị cảm lạnh.

Triển vọng ảm đạm

Các thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) đang theo dõi chặt chẽ mọi thứ diễn ra ở Berlin. Hiện tại, triển vọng không hề hứa hẹn. Năm viện nghiên cứu và phân tích kinh tế lớn của nước này đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng cho năm 2024. Nếu chỉ nửa năm trước, kinh tế Đức được kỳ vọng tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ 2023, thì hiện nay, dự báo đã bị cắt giảm xuống chỉ còn 0,1%.

Sự thay đổi trên được đưa ra sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế đầu tàu châu Âu giảm 0,3% vào năm 2023, khiến Bộ trưởng Kinh tế nước này Robert Habeck mô tả triển vọng là “rất tệ”. Những tháng tới, với đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên dự báo sắp diễn ra, sẽ là chìa khóa để xác định liệu quốc gia này có thoát khỏi được lỗ hổng mà mình đã rơi vào hay không.

Những chiếc máy kéo vốn hoạt động trên các cánh đồng đang nằm im lìm khi nông dân biểu tình. Các sân bay vắng vẻ ở Frankfurt và Hamburg. Nhà ga ảm đạm ở Munich. Đây chỉ là một số hình ảnh được ghi nhận ở Đức trong 3 tháng đầu năm 2024.

Quốc gia Tây Âu đang đồng thời giải quyết các yêu cầu của công đoàn, kích cầu tiêu dùng trong khí nền kinh tế đang rơi vào bế tắc. Tình trạng này đang bắt đầu ảnh hưởng đến phần còn lại của châu Âu. Và vì lý do chính đáng: Đức vẫn chiếm hơn 1/4 tổng tài sản của khu vực Eurozone.

Ông Raymond Torres, Giám đốc Kinh tế tại Tổ chức Nghiên cứu kinh tế Savings Banks Foundation (Funcas), có trụ sở tại Tây Ban Nha, giải thích: “Nền kinh tế khu vực đồng Euro đang tăng trưởng kém hơn do sự phụ thuộc và kết nối mạnh mẽ giữa Đức và các quốc gia khác như Pháp và Italy. Vẫn còn sớm để biết điều gì sẽ xảy ra trong trung hạn, nhưng trong ngắn hạn, tác động rõ ràng là tiêu cực”.

Các tổ chức quốc tế chính - chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã cảnh báo về tác động lây lan có thể xảy ra. Tất cả các dự báo đều chỉ ra sự tiến bộ “rụt rè” của các quốc gia như Pháp và Italy và do đó, của chính khu vực đồng Euro.

Vào cuối tháng 1, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 lần lượt là 1% và 0,7% đối với Paris và Rome, trong khi khu vực đồng Euro được dự báo sẽ tăng 0,9%. Vài ngày sau, OECD cũng làm theo, dự báo mức tăng trưởng lần lượt là 0,6%, 0,7% và 0,6%.

Tuy nhiên, hai tổ chức này đưa ra dự báo cho Tây Ban Nha - hiện ít tiếp xúc với Đức hơn - ở mức 1,5%.

Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni cho biết: “Tây Ban Nha đang ở trong tình trạng tốt hơn so với phần còn lại của EU”.

Và mặc dù các quốc gia như Tây Ban Nha đang đẩy nền kinh tế EU tiến bộ hơn một chút nhưng động lực của họ không đủ để bù đắp cho sự trì trệ của Đức.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn BCA Research có trụ sở tại Canada tin rằng, khu vực đồng Euro có thể bước vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm 2024 này, ngay cả khi toàn bộ liên minh cùng tìm cách tránh điều đó. Xét cho cùng, Đức vẫn chiếm 28% nền kinh tế khu vực đồng Euro.

Trở ngại của Đức

Trong cuốn sách The Rest Of Europe Versus Germany được xuất bản gần đây, BCA Research kết luận rằng, nếu không có Đức, GDP của khu vực đồng Euro sẽ tăng 12,8% trong 3 năm qua, so với con số chính thức là 10,6%.

Vấn đề ở đây, theo người đứng đầu chiến lược châu Âu của BCA, Mathieu Savary, là xu hướng này sẽ tiếp tục chừng nào Berlin còn đối mặt với những trở ngại vật chất liên quan đến chuyển đổi năng lượng, các biện pháp thắt lưng buộc bụng tài chính, vấn đề bất động sản và nhu cầu bên ngoài yếu kém.

Chuyên gia Mathieu Savary nói: “Những cơn gió ngược này đang làm giảm sức tiêu dùng và do đó làm giảm GDP quốc gia”, đồng thời cho biết thêm, tất cả những khó khăn đó đang có tác động ít hơn đáng kể ở các nước EU khác.

Ông Raymond Torres nhận định, Đức đang phải đối mặt với tác động tổng hợp của hai cú sốc kinh tế. Một là liên quan đến lạm phát, tỷ giá tăng mạnh và sự mất sức mua của các gia đình, ảnh hưởng đến tiêu dùng cá nhân. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến các thị trường châu Âu khác, nhưng tác động của nó đã giảm dần theo thời gian.

Cú sốc thứ hai là bản chất của nước Đức và có liên quan đến sự thay đổi trong mô hình sản xuất quốc gia, có nghĩa là hậu quả mang tính cấu trúc về bản chất.

Cho đến vài năm trước, nền kinh tế Đức đã được hỗ trợ nhờ nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ của Nga và gia công một phần sản xuất cho các nước châu Á, chủ yếu là Trung Quốc. Nói cách khác, Berlin phụ thuộc vào Moscow và Bắc Kinh nhiều hơn các nước EU còn lại. Điều này gây ra những hậu quả sâu rộng do căng thẳng địa chính trị hiện nay và nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Quyết định của Đức ngừng mua khí đốt Nga sau khi nổ ra xung đột ở Ukraine (tháng 2/2022) đã có những hậu quả rõ ràng. Nhưng điều quan trọng là phải nhìn vào Trung Quốc, đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Berlin. Sự sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc và sự cạnh tranh gia tăng trong lĩnh vực ô tô, đặc biệt là xe điện, đã gây thiệt hại nặng nề.

Một yếu tố khác là hoạt động đầu tư yếu kém của các công ty ở Đức. Ông Timo Wollmershäuser, nhà phân tích kinh tế và Phó giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, cho biết, trong ngắn hạn, ngành công nghiệp quốc gia đầu tàu châu Âu này đang phải chịu tác động từ nhu cầu toàn cầu yếu về vốn và hàng hóa trung gian, tức là những lĩnh vực mà ngành công nghiệp Đức chuyên môn hóa.

Nhà phân tích Wollmershäuser cho biết, ngoài xuất khẩu yếu, còn có “sự không chắc chắn lớn về chính sách kinh tế của Berlin". Và điều này đã khiến các công ty phải trì hoãn các quyết định đầu tư của mình.

Vì lý do trên, ông nói, “Đức đã trở nên kém hấp dẫn hơn với tư cách là một điểm đến kinh doanh”.

Theo đại diện Viện Ifo, các lý do khác bao gồm thuế cao, tình trạng quan liêu, quá trình số hóa diễn ra chậm, giá năng lượng cao và thiếu hụt lao động. Vì tất cả những yếu tố này, IMF ước tính, Đức sẽ là quốc gia thuộc Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) có mức tăng trưởng chậm nhất vào năm 2024, trong khi năm ngoái, đây là nền kinh tế duy nhất trong khối suy thoái.

Cơ hội cho Nam Âu?

Công ty tư vấn BCA Research tin rằng, tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Đức có thể kéo khu vực đồng Euro đi xuống hoặc có tác động lan truyền đến các nền kinh tế khác, chẳng hạn như Pháp hoặc Italy. Động lực tăng trưởng toàn cầu trong 12 tháng qua dường như bỏ qua châu Âu. Khu vực này đang phải vật lộn với hậu quả của giá năng lượng cao, lãi suất cao để kiểm soát lạm phát và niềm tin tiêu dùng yếu kém.

Ông Alfred Kammer, Giám đốc IMF khu vực châu Âu cho biết: “Những cơn gió ngược này đặc biệt ảnh hưởng đến các công ty sản xuất, bao gồm cả những công ty ở Đức”.

Theo các nhà phân tích, sự khác biệt giữa Đức và phần còn lại của châu Âu - đặc biệt là ở phía Nam châu lục - sẽ tăng lên trong năm nay, khi khu vực trước tiếp tục trì trệ và khu vực sau được cải thiện. Ủy ban châu Âu nhận định, Tây Ban Nha dự kiến sẽ tăng trưởng 1,7% vào năm 2024 và 2% vào năm 2025, trong khi Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Malta và Ship cũng được dự báo sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, Ángel Talavera, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Âu tại Oxford Economics, tin rằng, các quốc gia phía Nam châu Âu sẽ không thể vực dậy toàn bộ khu vực. Ông giải thích: “Chắc chắn, sự trì trệ của Đức sẽ khiến khu vực đồng Euro rơi vào một năm tăng trưởng rất thấp nữa”.

Berlin, giống như phần còn lại của EU, bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất. Không chỉ có vậy, ông Talavera khẳng định, Đức đang phải đối mặt với những vấn đề khác như nhu cầu thấp, đặc biệt là bên ngoài và các rào cản pháp lý với thời gian chờ đợi lâu để được phê duyệt dự án, vốn là một trở ngại cho đầu tư.

Trong khi đó, chuyên gia Torres nói rằng, trước những khó khăn ở Đức, nhiều công ty đa quốc gia có thể xem xét lại nơi họ đầu tư và đặt văn phòng. Hiện tại, điều này không dẫn đến việc di dời, tuy nhiên, “những thay đổi về xu hướng đang bắt đầu được nhận thấy trong các dự án đầu tư mới”.

IMF lập luận rằng, ngay cả khi tăng trưởng phục hồi trong ngắn hạn, triển vọng tăng trưởng của châu Âu sẽ vẫn mờ mịt trừ khi có cải cách.

Nhà phân tích Alfred Kammer nhận định, thu nhập bình quân đầu người ở châu Âu thấp hơn một phần ba so với mức trung bình ở Mỹ, đồng thời cho biết, điều quan trọng đối với khu vực là cải thiện năng suất và nhận ra tiềm năng của thị trường chung bằng cách “giảm bớt các rào cản nội bộ”.

Ông nhấn mạnh, điều này phải được bổ sung bằng những thay đổi ở cấp quốc gia. Chẳng hạn như ở Đức, cần “có phạm vi đáng kể để giảm bớt quan liêu và các rào cản đối với việc thành lập doanh nghiệp mới”.

Báo cáo hằng tháng của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) công bố hôm 21/3 vừa qua lưu ý rằng, nền kinh tế Đức tiếp tục gặp phải những cơn gió ngược từ nhiều hướng khác nhau, đặc biệt ngành công nghiệp có thể sẽ vẫn trong giai đoạn yếu kém. Triển vọng đối với nền kinh số số 1 châu Âu có vẻ vẫn còn mờ mịt.


Hải An

Theo Baoquocte

undefined