Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Nord Stream 2 vẫn là tia hy vọng mong manh của Nga và sự tiếc nuối của châu Âu?

12:00 | 23/09/2022

Mùa Đông 2022 không chỉ là một mùa Đông khó khăn ở phía trước đối với châu Âu, mà phải là ít nhất hai hoặc ba năm khó khăn nữa.

Bình luận trên trang web của Tổ chức Tư vấn về các vấn đề quốc tế phi đảng phái (CEIP), có trụ sở chính tại Washington D.C, Mỹ, nhà phân tích năng lượng độc lập Sergey Vakulenko khẳng định, “không có nguồn khí thay thế chính nào có khả năng xuất hiện trên thị trường toàn cầu trước năm 2025 - khi một số nhà máy khí hóa lỏng (LNG) sẽ hoàn thành tại Mỹ. Bất kỳ dự án mới nào ở các quốc gia khác đều sẽ mất nhiều thời gian hơn để đưa vào mạng lưới cung cấp.

Trong khi đó, châu Âu sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và các nguồn năng lượng thay thế, đồng thời ký kết các hợp đồng cung cấp khí đốt từ các quốc gia khác với những điều kiện tương đối bất lợi - cả về giá cao và nghĩa vụ cam kết về một hợp đồng dài hạn.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu, nếu không phải là toàn bộ các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, sẽ thấy rằng, với giá năng lượng và khí đốt không chỉ đã tăng vọt ở hiện tại, mà còn khan hiếm – thì “việc triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh đều không khả thi”. Khó khăn và bế tắc về nguồn cung đang buộc họ phải đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn, cố gắng vượt qua “cơn bão lớn” cho đến khi giá giảm trở lại hoặc chủ động chuyển sản xuất ra ngoài EU.

Những bế tắc về giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu khiến nhiều người đồn đoán về cơ hội được hồi sinh của dự án đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) đang "ngủ yên" dưới đáy biển Baltic.

Tuy nhiên, quan hệ thương mại khí đốt Nga-Đức vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Mới đây, khi Thủ hiến vùng Lower Saxony Stefan Weil nói rằng, Đức sẽ "không bao giờ" đồng ý để dòng khí chảy trong Nord Stream 2. Thì ngay lập tức, có các ý kiến phản hồi rằng, việc Berlin không mua bất cứ thứ gì từ Nga nữa là tự làm yếu đi nền kinh tế quốc nội. Và phát ngôn “không bao giờ” như vị Thủ hiến trên là thiếu trách nhiệm với đời sống người dân.

Giới phân tích cũng cảnh báo rằng, với tình hình thị trường năng lượng hiện tại và mục tiêu giảm bớt phụ thuộc năng lượng vào Nga, trong 10 năm nữa Đức cũng không thể tìm thấy khí đốt với chi phí hợp lý, bất chấp mọi nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung hay tập trung vào năng lượng thay thế.

Bất chấp căng thẳng kéo dài trong quan hệ giữa Moscow và châu Âu, cho đến tận năm nay, Nga vẫn có một vai trò quan trọng trong chiến lược năng lượng dài hạn của lục địa này. Mặc dù, kế hoạch khử cacbon của nền kinh tế châu Âu được coi là mối đe dọa đối với ngành dầu khí Nga, nhưng người ta vẫn phải công nhận rằng, châu Âu sẽ phải nhập khẩu khối lượng lớn các nguồn năng lượng của mình và trong đó, khó có thể phủ nhận vai trò của Nga – nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu.

Những nguồn năng lượng nhập khẩu đó có thể ở nhiều dạng khác nhau, từ điện được tạo ra bởi các tuabin gió nằm dọc theo bờ biển Bắc Cực đến hydro được sản xuất từ metan. Các dự án cũng đã được thảo luận để thu giữ carbon dioxide trong các mỏ dầu và khí đốt đã cạn kiệt.

Ở châu Âu, khí đốt Nga được “miễn cưỡng” coi là nguồn năng lượng thiết yếu để đảm bảo hoạt động liên tục cho hệ thống năng lượng tương lai của châu Âu. Sau đó, hệ thống năng lượng này cuối cùng sẽ bao gồm một tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng ở hiện tại, những kế hoạch đó vẫn chưa hoàn toàn nhìn thấy “ánh sáng”. Dù vậy, châu Âu chắc sẽ không đầu tư vào bất kỳ dự án nào khiến nước này lại phụ thuộc vào nguồn cung của Nga. Trên thực tế, các sự kiện gần đây đã làm tổn hại đáng kể đến triển vọng chung trong quan hệ thương mại khí đốt Nga-châu Âu.

Một khi xung đột kết thúc, khí đốt của Nga và các tuyến đường cung cấp sẽ vẫn ở đó. Moscow thì vẫn có thể cung cấp khí đốt với giá rất thấp, nhưng châu Âu, trong tất cả các khả năng, sẽ không phải là không muốn mua mà chỉ đơn giản là không thể.

Vào thời điểm đó, châu Âu sẽ đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo (đòi hỏi chi tiêu vốn lớn nhưng chi phí vận hành thấp); sẽ tài trợ cho các dự án ở các khu vực sản xuất khí đốt mới, chẳng hạn như phía Đông Địa Trung Hải; và sẽ ký kết các hợp đồng dài hạn để vận chuyển LNG từ Qatar, với nghĩa vụ có thể phải mua một số lượng nhất định.

Tại thời điểm đó - không tính đến chi phí phải bỏ ra cho đến thời điểm đó và các khoản thanh toán bắt buộc, chỉ xem xét các chi phí biến đổi - tất cả các nguồn năng lượng đó có thể rẻ hơn cho châu Âu so với những gì Nga cung cấp.

Nhưng từ nay đến lúc đó, bỏ qua mọi lý do chính trị, những cân nhắc về kinh tế với các lợi ích sát sườn và đặc biệt quan trọng đối với một nền kinh tế-xã hội đang khó khăn, không ai có thể khẳng định chắc chắn về “cái lắc đầu” của châu Âu.

Trước đó, cả mùa Hè, cả châu Âu đã ráo riết chuẩn bị tinh thần cho một cuộc khủng hoảng năng lượng. Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga đã tuyên bố rằng, họ đã xác định được lỗi trong chiếc tuabin hoạt động cuối cùng trong đường ống dẫn khí Nord Stream, chở khí đốt của Nga vượt qua biển Baltic tới Đức.

Gazprom khẳng định, lỗi không thể sửa chữa được do các khó khăn dó các lệnh trừng phạt của phương Tây, mặc dù chính phủ Canada, nơi thực hiện việc bảo trì, đã loại trừ các tuabin khỏi lệnh trừng phạt. Điều đó có nghĩa là hiện tại sẽ không còn khí đốt nào của Nga được chuyển tới châu Âu thông qua Nord Stream và hậu quả kinh tế đối với cả Nga và châu Âu sẽ rất nặng nề.

Nga đã dần cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong suốt mùa Hè và việc Nord Stream bị đóng cửa hoàn toàn không phải là điều bất ngờ. Nếu có chỉ là việc, “gián đoạn này” đã được tính vào giá khí đốt toàn cầu ngay cả trước khi nó xảy ra.

Hiện tại, các quan chức Nga và đại diện Gazprom tiếp tục nhấn mạnh rằng, Đức có thể dễ dàng giải quyết vấn đề năng lượng khó khăn bằng cách đồng ý chứng nhận cho đường ống Nord Stream 2 và chấp nhận giao hàng qua đó.

Đường ống Nord Stream 2 vốn đã bị ngừng hoạt động ngay khi hoàn thành. Nó bị áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, trước khi được cấp chứng nhận để bắt đầu vận chuyển khí đốt.

Từ năm 2014–2021, phía Nga đã đổ rất nhiều tiền vào việc xây dựng đường ống, nhưng thách thức tiếp theo là làm thế nào để công trình mang tính biểu tượng này được phía châu Âu đồng ý để có thể hoạt động. Dù sau đó, Đức vẫn có thể thu hồi chứng nhận cho Nord Stream 2 bất cứ lúc nào và thậm chí sẽ không cần phải biện minh cho mình.

Tuy nhiên, lâu nay, khí đốt vẫn là phương tiện mạnh mẽ và hiệu quả nhất của Nga để gây áp lực lên châu Âu. Có thể nên tiếp tục chờ xem, Nga sẽ "chơi quân bài mạnh nhất" của mình thế nào trong cuộc đối đầu về kinh tế này.


Minh Anh

Theo Baoquocte

undefined