Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Nợ công của Mỹ tăng thêm 1 nghìn tỷ USD mỗi 100 ngày, “bom nợ” toàn cầu lớn chưa từng thấy

12:00 | 04/03/2024

Nợ công của Mỹ đang tăng với tốc độ ngày càng mạnh trong những tháng gần đây, cứ mỗi 100 ngày lại tăng thêm khoảng 1 nghìn tỷ USD, góp phần đưa khối nợ toàn cầu lên kỷ lục mới...

Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy nợ công của nước này chính thức vượt mốc 34 nghìn tỷ USD vào hôm 4/1, sau khi chớp nhoáng chạm mốc này vào hôm 29/12 năm ngoái. Trước đó, khối nợ công khổng lồ của nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt 33 nghìn tỷ USD vào hôm 15/9/2023, và vượt 32 nghìn tỷ USD vào hôm 15/6/2023.

Như vậy có thể thấy tốc độ tăng của nợ công Mỹ ngày càng nhanh. Trước khi chạm mốc 32 nghìn tỷ USD, khối nợ này phải mất 8 tháng để tăng thêm 1 nghìn tỷ USD từ mốc 31 nghìn tỷ USD.

Số tiền mà Chính phủ liên bang Mỹ đi vay để trang trải các chi phí hoạt động đã lên tới 34,4 nghìn tỷ USD vào hôm thứ Tư tuần trước. Chiến lược gia Michael Hartnett của ngân hàng Bank of America nhận định xu hướng “tăng 1 nghìn tỷ USD trong 100 ngày” của nợ công Mỹ sẽ duy trì trong quá trình khối nợ đi từ 34 nghìn tỷ USD đến 35 nghìn tỷ USD.

Nợ công tăng mạnh của Mỹ góp phần vào sự gia tăng của “bom nợ” toàn cầu. Số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) hồi cuối tháng 2 cho thấy tổng nợ trên toàn cầu đã lập kỷ lục mới 313 nghìn tỷ USD trong năm 2023, tăng 15 nghìn tỷ USD trong quý 4 so với cùng kỳ năm trước. Trong vòng khoảng 1 thập kỷ, nợ toàn cầu đã tăng thêm hơn 100 nghìn tỷ USD, từ mức 210 nghìn tỷ USD.

“Khoảng 55% số nợ tăng thêm này là nợ của các quốc gia phát triển, chủ yếu là Mỹ, Pháp và Đức”, IIF cho biết trong báo cáo mang tên Theo dõi nợ toàn cầu (Global Debt Monitor). Tuy nhiên, tỷ lê nợ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu giảm khoảng 2 điểm phần trăm trong năm 2023, còn gần 330% - theo báo cho hay.

“Không có gì khó hiểu khi giới đầu tư lao vào các giao dịch dựa trên mối lo ngại về sự bùng nổ của nợ Mỹ, chẳng hạn như mua vàng hay mua tiền ảo bitcoin. Giá vàng đã lên tới 2.077 USD/oz còn giá bitcoin lên hơn 67.700 USD”, ông Hartnett viết trong một báo cáo hôm thứ Năm tuần trước.

Thứ Sáu vừa rồi, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng bùng nổ gần 2%, chốt ở mức 2.083 USD/oz. Giá bitcoin hoàn tất tháng 2 với mức tăng 40%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 2020.

Tỷ lệ nợ/GDP - một chỉ số phản ánh khả năng trả nợ của quốc gia - giảm rõ hơn ở các nước phát triển, nhưng lập đỉnh mới ở một số thị trường mới nổi. Ấn Độ, Argentina, Nga, Trung Quốc, Malaysia và Nam Phi là những nước chứng kiến sự gia tăng nhiều nhất ở tỷ lệ này, cho thấy thách thức gia tăng trong việc trả nợ.

“Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp bắt đầu giảm lãi suất, nhưng đường đi của lãi suất Fed và tỷ giá đồng USD là khó lường. Điều này có thể làm gia tăng sự biến động trên thị trường và dẫn tới thắt chặt điều kiện vay vốn đối với các quốc gia có mức độ phụ thuộc lớn vào vay nợ từ bên ngoài”, theo báo cáo của IIF.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang chứng tỏ được sự vững vàng trước biến động của lãi suất đi vay, nên tâm lý nhà đầu tư có được sự khởi sắc. Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu vay nợ đang tăng lên trong năm nay, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi, thể hiện qua lượng phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế gia tăng.

Đầu năm - vốn là thời điểm bận rộn cho các cuộc phát hành trái phiếu để vay nợ - đã chứng kiến ​​ Saudi Arabia, Mexico, Hungary, Romania và một loạt nước khác tiến hành các cuộc phát hành trái phiếu quy mô lớn. Trong tháng 1, lượng phát hành trái phiếu trên toàn cầu lập kỷ lục ở mức 47 tỷ USD.

“Nếu được duy trì, tâm lý lạc quan này có thể sẽ đảo ngược xu hướng giảm nợ đang diễn ra của các chính phủ châu Âu và các doanh nghiệp phi tài chính ở các thị trường phát triển. Cả hai đối tượng này hiện đều gánh ít nợ hơn so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19”, báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, IIF bày tỏ lo ngại về khả năng lạm phát trỗi dậy, dẫn đến chi phí đi vay cao hơn. Ngoài ra, địa chính trị đã nhanh chóng nổi lên như một “rủi ro cấu trúc thị trường”, trong đó sự phân mảnh sâu sắc hơn giữa các quốc gia làm dấy lên mối lo về kỷ luật tài khoá. “Thâm hụt ngân sách chính phủ vẫn đang cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch và sự gia tăng của các cuộc xung đột khu vực có thể dẫn tới gia tăng đột ngột trong chi tiêu quốc phòng”, báo cáo viết.

Hồi tháng 11 năm ngoái, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ ‘ổn định’ xuống ‘tiêu cực’ do những mối rủi ro ngày càng lớn liên quan đến sức khoẻ của nền tài chính công nước này. “Trong bối cảnh lãi suất tăng lên, nếu không có các biện pháp chính sách tài khoá hiệu quả để giảm chi tiêu công hoặc tăng thu ngân sách, thâm hụt tài khoá của Mỹ sẽ tiếp tục giữ ở mức rất lớn, làm suy yếu khả năng của Chính phủ Mỹ trong việc vay nợ ở mức lãi suất hợp lý”, báo cáo của Moody’s có đoạn viết.


An Huy

Theo VnEconomy

undefined