chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Hai nền kinh tế lớn của thế giới 'cập bến' suy thoái, Mỹ tự tin đi ngược chiều?
12:00 | 19/02/2024
Tuần trước, Anh và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn của thế giới - lần lượt thông báo rơi vào suy thoái kỹ thuật. Liệu Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể là quốc gia tiếp theo không?
Ngày 15/2, số liệu được chính phủ Nhật Bản công bố cho thấy, nền kinh tế nước này bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý cuối cùng của năm ngoái do nhu cầu trong nước yếu.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, đã giảm 0,4% hằng năm trong quý IV/2023 so với 3 tháng trước đó. Trước đó, vào quý III/2023, GDP của đất nước cũng đã giảm 3,3%.
Hai quý suy thoái liên tiếp có nghĩa là nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái kỹ thuật, đặt ra thách thức với chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong nỗ lực tìm cách đạt được mức tăng trưởng nhờ tăng nhu cầu trong nước đi kèm với việc tăng lương.
Cùng ngày, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cũng thông tin, GDP của nước này đã giảm 0,3% trong ba tháng cuối năm 2023, sau khi giảm 0,1% trong quý III/2023.
ONS ước tính, GDP của Anh tăng 0,1% vào năm 2023. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009 - khi nền kinh tế nước này vẫn còn quay cuồng vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và chưa kể từ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management nhận định, sự suy thoái kinh tế của Nhật Bản có liên quan đến vấn đề dân số ngày càng giảm. Năm 2022, dân số cả nước Nhật giảm 800.000 người, đánh dấu năm suy giảm thứ 14 liên tiếp.
Theo ông Paul Donovan, điều đó hạn chế khả năng phát triển của Nhật Bản bởi dân số giảm có nghĩa là “ít người sản xuất và tiêu dùng hơn".
Còn ở Anh, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management nhận thấy, tăng trưởng dân số và tiền lương không đủ để ngăn chặn sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng - một trong những động lực chính của nền kinh tế.
Thực trạng nền kinh tế Mỹ
Điều ngược lại đã xảy ra ở Mỹ. Trong hai quý cuối năm 2023, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có mức tăng trưởng GDP cao hơn nhiều so với dự kiến, phần lớn nhờ vào chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.
Nền kinh tế Mỹ có lợi thế hơn hầu hết các nền kinh tế tiên tiến nhờ khoản tiền kích thích thời điểm đại dịch Covid-19 trị giá 5.000 tỷ USD. Khoản tiền này tiếp tục giúp củng cố tài chính của các hộ gia đình.
Một lợi thế khác là Mỹ ít phụ thuộc vào năng lượng của Nga, khiến nước này ít bị tổn thương hơn các quốc gia khác trước sự tăng giá khí đốt tự nhiên sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu.
Tuy nhiên, dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 1/2024 của Mỹ thấp hơn nhiều so với dự kiến. Điều này cho thấy người dân có thể đang thắt lưng buộc bụng chặt chẽ hơn một chút.
Dù vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới không quá lo lắng bởi thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Bằng chứng là tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc vẫn ở mức dưới 4% trong 24 tháng liên tiếp .
Mỹ có suy thoái vào năm 2024?
Nền kinh tế Mỹ có thể đang suy thoái mà người dân không hề biết - trang CNN viết.
Theo CNN, “trọng tài” quyết định kinh tế Mỹ có chính thức suy thoái hay không là Uỷ ban Xác định chu kỳ kinh doanh thuộc Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBRE). Trong khi đó, Ủy ban này không áp dụng định nghĩa suy thoái thông thường là ít nhất hai quý GDP suy giảm liên tiếp. Mỹ đã trải qua hai quý GDP suy giảm liên tiếp vào năm 2022 và NBER đã không công bố về một cuộc suy thoái.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ thắt chặt lãi suất vào tháng 3/2022. Tháng 12/2023, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố rằng, có rất ít cơ sở để cho rằng, nền kinh tế đang suy thoái.
"Dù vậy, vẫn luôn có khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới (2024). Đó là bởi vì những cú sốc kinh tế không lường trước được - chẳng hạn như đại dịch toàn cầu - có thể xảy ra bất cứ lúc nào", ông Jerome Powell nói.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Philipp Carlsson-Szlezak, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Tập đoàn tư vấn Boston không nghĩ rằng, Mỹ sẽ bước vào suy thoái trong năm nay. "Đúng hơn, 2024 sẽ là một năm tăng trưởng chậm", ông nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ bắt nguồn từ những sức mạnh cơ bản, chủ yếu trong số đó là thị trường lao động và tài chính cá nhân của người dân.
Dù vậy, ông Philipp Carlsson-Szlezak vẫn nhận thấy, một con đường tiềm ẩn dẫn đến suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể là Fed không cắt giảm lãi suất trong năm nay.
"Hiện tại, các nhà đầu tư đang đánh giá rộng rãi về khả năng cắt giảm lãi suất nhiều lần vào năm 2024, vì vậy, nếu Fed không làm điều này, thị trường tài chính có thể bị tổn thất nặng nề và gây ra suy thoái kinh tế", nhà kinh tế Philipp Carlsson-Szlezak nhấn mạnh.
Linh Chi
Theo Baoquocte