Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chủ tịch Hội đồng châu Âu chuẩn bị thăm Trung Quốc

12:00 | 25/11/2022

Chủ tịch Hội đồng châu Âu ông Charles Michel sẽ có chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 12/2022 trong nỗ lực thuyết phục Trung Quốc gây ảnh hưởng với Nga để dừng cuộc xung đột tại Ukraina cũng như giảm mức thâm hụt thương mại của EU trong quan hệ với Trung Quốc.

Theo cổng điện tử chính thức của Hội đồng châu Âu, chuyến thăm đến Trung Quốc của Chủ tịch Charles Michel sẽ diễn ra vào ngày 1/12 tới và nhà lãnh đạo châu Âu sẽ có các cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hay Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Các nội dung chính dự kiến được hai bên đề cập là về cuộc xung đột tại Ukraina, tình hình Đài Loan (Trung Quốc) cũng như quan hệ thương mại song phương. Đây cũng là những nội dung từng được các lãnh đạo EU đề cập với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 mới đây tại Indonexia. Đối với châu Âu, Trung Quốc là đồng minh quan trọng và có khả năng gây ảnh hưởng lớn nhất đối với Nga trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel được giao trọng trách thuyết phục Trung Quốc dừng sự ủng hộ dành cho Nga, nhất là không cung cấp vũ khí và giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Phía EU mong muốn nhận được các cam kết từ Trung Quốc về việc đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và vai trò của Liên Hợp Quốc vẫn là nền tảng trong mối quan hệ quốc tế.

Trong vấn đề thương mại, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ có các cuộc thương lượng nhằm giảm mức thụt lên đến 700 triệu euro mỗi ngày mà EU đang phải gánh chịu trong quan hệ với Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích địa bàn, chuyến thăm của nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra trong bối cảnh châu Âu cũng như các nước thành viên đang nỗ lực định vị lại lập trường đối với Trung Quốc, cũng như muốn có tiếng nói trọng lượng hơn khi cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Trong nội bộ EU, trong khi thành viên chủ chốt là Đức chủ trương tăng cường các lợi ích kinh tế thì lãnh đạo châu Âu và phần lớn các thành viên còn lại, đặc biệt là các nước Baltic, muốn giảm ảnh hưởng và sự thâm nhập kinh tế của Trung Quốc tại châu Âu.

Quan hệ Trung Quốc - EU đã xấu đi nhiều kể từ đầu năm 2021 do mâu thuẫn về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19 cũng như các cáo buộc từ phía EU liên quan đến các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Công hay Đài Loan… Diễn biến căng thẳng mới nhất là việc Trung Quốc đã huỷ bài phát biểu của chính ông Charles Michel tại Hội chợ thương mại Thượng Hải diễn ra vào đầu tháng 11/2022.

Năm 2019, EU đã ra chiến lược đối với Trung Quốc, trong đó lần đầu tiên đánh giá Trung Quốc là đối tác cạnh tranh về kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống./.

undefined