chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
40 nước sẵn sàng gia nhập BRICS: Nước Đông Nam Á đang được săn đón có GDP đánh bật cả 6 thành viên mới
12:00 | 17/11/2023
Bne IntelliNews cho biết, danh sách các ứng viên tiềm năng cho vị trí thành viên của BRICS năm 2024 rất dài, lên tới 40 quốc gia.
Ấn phẩm của bne IntelliNews - công ty truyền thông kinh doanh tập trung vào các thị trường mới nổi, thành lập vào năm 2014 tại Berlin (Đức) - cho hay, danh sách các ứng viên mới dành cho vị trí thành viên của BRICS sẽ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm diễn ra ở Kazan (thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan, Nga) năm 2024.
Công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ở Kazan đang diễn ra với khoảng 200 sự kiện được lên kế hoạch ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có các cuộc họp cấp bộ trưởng, diễn đàn và các cuộc thảo luận nhóm. Moscow sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch BRICS trong năm tới.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS giữa tháng 10 vừa qua, Đại sứ lưu động Bộ Ngoại giao Nga Pavel Knyazev từ chối đưa ra dự đoán cụ thể về quốc gia nào có thể gia nhập BRICS trong năm 2024. Tuy nhiên, bne IntelliNews cho biết, danh sách các ứng viên tiềm năng rất dài, số lượng lên tới 40 quốc gia. Một số báo cáo khác cho biết con số chính xác là 39.
Trong số các ứng viên được nhắc tới có một cái tên đặc biệt gây chú ý, đó là Indonesia. Quốc gia này luôn được đánh giá là "ứng viên tiềm năng hàng đầu" có khả năng gia nhập BRICS nhưng đã ít nhất 2 lần khiến tất cả bất ngờ khi không có tên trong danh sách thành viên.
Việc Indonesia gia nhập BRICS đang một lần nữa trở thành tâm điểm trong những ngày gần đây, sau khi ông Prabowo Subianto - Bộ trưởng Quốc phòng, đồng thời là ứng cử viên Tổng thống Indonesia – đề cập tới khả năng quốc gia Đông Nam Á gia nhập BRICS trong bài phát biểu tranh cử của mình.
Từng xin rút tên ‘vào phút chót’
Ý tưởng về việc Indonesia gia nhập BRICS đã được đề cập tới từ hơn 1 thập kỷ trước. Quốc gia Đông Nam Á cũng đã góp mặt trong một số cuộc họp của nhóm các nền kinh tế mới nổi.
Năm ngoái, một số nhà ngoại giao Indonesia đã nhấn mạnh tới khả năng gia nhập BRICS. Tuy nhiên cuối cùng, Tổng thống Joko Widodo nói rằng việc này "không vội", Indonesia đang cân nhắc.
Tháng 8 năm nay, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023, Indonesia được đánh giá là 1 trong 5 ứng viên "cầm chắc vé vào" cho vị trí thành viên của BRICS, bên cạnh Saudi Arabia, Argentina, Iran và Ai Cập.
Theo Giáo sư quan hệ quốc tế Oliver Stuenkel đến từ Viện nghiên cứu FGV của Brazil, cho tới vài ngày trước khi kết quả thành viên mới được công bố, các nguồn theo dõi chặt chẽ động thái của BRICS vẫn tin rằng Indonesia gần như chắc chắn sẽ gia nhập khối.
Thế nhưng, bne IntelliNews dẫn lời cố vấn Hội nghị thượng đỉnh BRICS Anil Sooklal cho hay, Indonesia đã yêu cầu không đưa tên mình vào danh sách thành viên mới vào phút chót.
Theo lời ông Sooklal, Jarkata giải thích rằng nước này sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm nay nên muốn tham khảo ý kiến của các thành viên khác trước khi quyết định.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023. Ảnh: Thejakartapost.com
Sẽ gia nhập trong năm 2024?
Mạng tin tức BNN cho hay, có khả năng Indonesia sẽ gia nhập BRICS vào năm 2024 hoặc 2025. Mốc thời gian này từng được Tổng thống Widodo đề cập. Bên cạnh đó, một trong số các ứng viên Tổng thống tiềm năng có khả năng kế nhiệm ông Widodo vào năm tới cũng đưa ra quan điểm ủng hộ việc gia nhập BRICS.
Trong bài phát biểu tranh cử về chiến lược chính sách đối ngoại, ông Subianto nói với các phóng viên: "Indonesia có thể gia nhập BRICS".
Ông Subianto nhấn mạnh, không có lý do gì để Indonesia không tham gia BRICS nếu điều đó mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, việc trở thành thành viên BRICS sẽ không mâu thuẫn với nguyên tắc "không liên minh" của Indonesia, bởi BRICS là nhóm thiên về kinh tế hơn là chính trị.
"Chúng ta là một phần của G20, cũng là một phần của ASEAN. Giờ đây chúng ta còn đang là thành viên APEC – một hiệp hội kinh tế, không phải liên minh địa-chính trị. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy, nếu lợi ích kinh tế của chúng ta được hưởng lợi thì tại sao lại không tham gia BRICS?" – Ông Subianto nói.
Theo hãng tin Bloomberg, BRICS – với sự trỗi dậy nhanh chóng – đang làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu. Dự báo, tỷ trọng của nhóm này trong GDP thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ cao hơn gấp đôi so với tỷ trọng của nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến G7 vào năm 2040.
Cơ hội với Indonesia
Theo Asian Briefing, trong 2 thập kỷ qua, Indonesia có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm cao, trở thành 1 trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. GDP của Indonesia đang đạt 1.385 tỷ USD, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Hiện tại, Indonesia đang hướng tới mục tiêu giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Trong cùng khoảng thời gian này, BRICS đã tăng cường sức hấp dẫn và vị thế kinh tế của mình khi nắm giữ khoảng 26% diện tích và 42% dân số toàn cầu. Nhóm này còn có vai trò ngày càng tăng trong tương lai kinh tế và địa-chính trị của thế giới.
Do đó, tư cách thành viên của Indonesia trong BRICS có thể giúp nước này đạt được các mục tiêu hỗ trợ phát triển quốc gia, tăng cường quan hệ hữu nghị quốc tế (cũng như trong khu vực), đồng thời đẩy mạnh hướng hợp tác phù hợp với lợi ích của đất nước.
Ngoài ra, các mục tiêu khác của "xứ sở vạn đảo" - như tăng cường vai trò quốc tế, tạo ra trật tự kinh tế toàn cầu và mở rộng hợp tác kinh tế-kỹ thuật giữa các nước đang phát triển – cũng có thể đạt được với BRICS.
Ngược lại, việc bổ sung nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh như Indonesia vào BRICS sẽ là bước đi hợp lý với nhóm này trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dịch chuyển về khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), mức tăng trưởng kinh tế của Indonesia đã tăng lên 5,3% vào năm 2022, có thể đạt 4,9% trong năm 2023 và duy trì sự ổn định trong trung hạn.
Nếu xét về GDP thì GDP của Indonesia đang vượt lên trên tất cả 6 thành viên mới của BRICS bao gồm Ethiopia (156 tỷ USD) Iran (367 tỷ USD) UAE (499 tỷ USD), Argentina (641 tỷ USD), Ai Cập (387 tỷ USD) và thậm chí Saudi Arabia (1.100 tỷ USD).
Theo Đời sống và Pháp luật