Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

TP.HCM cần bố trí quỹ đất, nguồn lực cho công nghiệp công nghệ cao

12:00 | 23/09/2022

Để phát triển công nghiệp công nghệ cao, TP.HCM cần bố trí quỹ đất, chuyển đổi các khu công nghiệp cũ thành khu công nghiệp công nghệ cao.

 


Tốc độ phát triển công nghiệp chậm lại

Theo TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing, nhìn vào số liệu về sự phát triển công nghiệp trong những năm gần đây giữa TP.HCM và cả nước có thể thấy, việc phát triển công nghiệp của TP.HCM đang chậm lại.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Hiến cho biết, nếu 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng về công nghiệp của thành phố đạt 7,8%, cao hơn mức trung bình của cả nước là 6,7%, thì đến năm 2020, mức tăng trưởng này chỉ còn 1,02%, thấp hơn mức 1,81% của cả nước.

6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng công nghiệp của TP.HCM đạt 5,46%, trong khi cả nước là 5,64%. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng công nghiệp của địa phương này chỉ còn 3,82%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,42% của cả nước.

“Là đầu tàu phát triển công nghiệp của cả nước, song bước sang năm 2022, khi toàn nền kinh tế đã bước vào bình thường mới, sản xuất công nghiệp của thành phố chỉ đạt 3,82%. Đây là con số rất đáng báo động”, TS. Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Huỳnh Thanh Điền – Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, hiện nay TP.HCM đã hết dư địa để phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Nguyên nhân là do sau nhiều năm phát triển, quỹ đất của thành phố đang hẹp dần. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong ngành này cũng đang có xu hướng chuyển đổi, mở rộng vùng sản xuất về các địa phương nhờ quỹ đất rộng, nguồn lao động dồi dào.

Bố trí lại quỹ đất cho công nghiệp công nghệ cao

Trong xu thế tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi tất cả quốc gia đều tổ chức mô hình sản xuất công nghiệp hỗ trợ đảm bảo có lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Vì thế TP.HCM cần xác định những ngành công nghiệp trọng yếu nào đang cần công nghiệp hỗ trợ để phát triển cho những ngành công nghiệp này.

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền – Giảng viên trường Đại học Kinh tế TTP.HCM, hiện nay TP.HCM cần quy hoạch lại các khu công nghiệp theo hướng tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao.

“Các khu công nghiệp như khu công nghiệp Bình Chiểu, khu công nghiệp Cát Lái, Tân Bình, Tân Tạo… cần được chuyển đổi sang công nghiệp công nghệ cao. Một số quỹ đất tại các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn cũng nên ưu tiên cho các ngành công nghiệp công nghệ cao để thu hút nhà đầu tư, tạo dư địa tăng trưởng mới”, TS. Huỳnh Thanh Điền nhìn nhận.

Đồng thời, sớm có tiêu chí rõ ràng cho việc phát triển công nghệ cao. Mặc dù TP.HCM đã có định hướng phát triển công nghệ cao, thu hút FDI đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế lại chưa có bộ tiêu chí rõ ràng. Điều này khiến các doanh nghiệp, sở ban ngành khá lúng túng. Chính vì vậy, thành phố phải có bộ tiêu chí rõ ràng để các doanh nghiệp xác định được trọng tâm đầu tư, có nên đầu tư vào hay không. Các Sở, ban ngành cũng sẽ có cơ sở để thẩm định, rà soát, cấp phép.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho rằng, để những mô hình khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm hay mô hình cụm ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao mà thành phố đang thúc đẩy thực sự hiệu quả thì chi tiêu cho khoa học công nghệ phải tăng lên một mức có ý nghĩa trong giai đoạn tới.

Vì thế vai trò của nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn trung, dài hạn là vô cùng quan trọng. Chiến lược công nghiệp thường mất nhiều năm nên đòi hỏi phải có khả năng huy động nguồn vốn trung, dài hạn với chi phí vốn thấp mới có thể cạnh tranh được với các nước khác.

Tăng cường kết nối cho công nghiệp hỗ trợ

TS. Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đánh giá, TP.HCM không còn tiếp tục phát triển dựa trên các lợi thế cạnh tranh sẵn có, thay vào đó phải phát triển các lợi thế so sánh mới.

Ngoài vai trò quy hoạch, bố trí quỹ đất và hỗ trợ đầu tư một phần cơ sở hạ tầng của cụm ngành, chức năng điều tiết chính sách và điều phối nguồn lực, phát triển mô hình cụm ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, điểm mấu chốt là đầu tư khoa học công nghệ nói chung, nghiên cứu và phát triển (R&D) nói riêng của TP.HCM phải tương xứng.

“Ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao của TP.HCM không nên chỉ bó hẹp phạm vi trong địa giới hành chính của thành phố mà phải tiếp cận theo hướng mở rộng ra toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trực tiếp là liên kết công nghiệp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế là chiến lược không thể xem nhẹ nhằm tăng khả năng hấp thu tri thức và công nghệ, tăng cường kết nối với các trung tâm, Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới và kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu”, TS. Nguyễn Anh Thi khẳng định.

PGS.TS. Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học Singapore: Đưa TP.HCM thành khu kinh tế cộng hưởng

TP.HCM cần hình thành và thúc đẩy khu kinh tế cộng hưởng TP.HCM +6 (TP.HCM cùng 6 tỉnh phụ cận). Thúc đẩy sự chuyên sâu và bổ trợ hiệu quả giữa các địa phương trong vùng; sự dịch chuyển nguồn lực theo vùng cộng hưởng sẽ tạo nên giá trị cao không chỉ về năng suất mà cả nền tảng chiến lược, giúp cả vùng và mỗi địa phương thuận lợi hơn trong định vị quốc tế, thu hút đầu tư…

Theo hướng này, TP.HCM có thể xin phép trung ương để xúc tiến bàn với 6 tỉnh phụ cận là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh để hình thành nên một khu kinh tế cộng hưởng.

Hà Linh - Ngọc Thảo

Theo Bizlive

undefined