Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Quy hoạch không gian biển giúp củng cố mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển- Bài 3: Quy hoạch không gian biển hướng tới kinh tế xanh, bền vững

12:00 | 01/09/2022

Để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế về kinh tế biển xanh, một số nội dung then chốt trong lập quy hoạch không gian biển quốc gia cần hết sức quan tâm.

Triển khai kinh tế biển hài hoà giữa bảo tồn và phát triển

Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo hướng tới phát triển bễn vững.

Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, “Kinh tế biển xanh” là thuật ngữ ngày càng được hoàn thiện theo hành trình phát triển bền vững của nhân loại và ngày nay được sử dụng phổ biến trong quản trị biển và đại dương. Có nhiều cách hiểu về thuật ngữ này nhưng khía cạnh được nhiều bên nhất trí coi kinh tế biển xanh là một khái niệm linh hoạt, được sử dụng tùy vào bối cảnh, điều kiện và bởi các bên khác nhau nhằm đạt được 3 mục tiêu: Bền vững môi trường và hệ sinh thái biển; phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, dựa vào biển hoặc có liên quan và; tạo ra công bằng xã hội hoặc có tính bao trùm. Có thể kể ra một số tổ chức quốc tế đi tiên phong trong việc xây dựng khái niệm về kinh tế biển xanh như: Ủy ban cấp cao về phát triển bền vững kinh tế đại dương, Ủy ban châu Âu, OECD, Ngân hàng Thế giới; các quốc gia đang nỗ lực thực hiện kinh tế biển xanh như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc.

Trên cơ sở đó, theo ông Tạ Đình Thi, Việt Nam có thể nghiên cứu, học tập từ những thực tiễn tốt và rút ra bài học kinh nghiệm từ các quốc gia biển trên thế giới.

Từ việc tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp phát triển bền vững, cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu số 14 (Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững).

Quan điểm xuyên xuốt của Nghị quyết là “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển… phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Như vậy, có thể thấy quan điểm về phát triển kinh tế biển xanh đã được tiếp thu, xây dựng và hoàn thiện khá sớm ở Việt Nam và thể hiện khá rõ trong các văn kiện khác nhau nêu trên của Đảng và Nhà nước ta.

Cũng theo ông Tạ Đình Thi, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra các áp lực lên môi trường biển nước ta. Có 04 vấn đề đang nổi lên hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt: Vấn đề rác thải nhựa đại dương; Sự cố tràn dầu trên biển; Vấn đề kiểm soát các nguồn thải; Biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Để giải quyết những vấn đề nêu trên, chúng ta cần tập trung tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW và các chương trình, kế hoạch đã được Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ban hành, đặc biệt quan tâm triển khai các nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Cụ thể, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiến nghị, về nguyên tắc lập quy hoạch, thứ nhất phải phù hợp và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; các lợi ích khác của Việt Nam trên các vùng biển và vùng trời. Thứ hai, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Thứ ba, quy hoạch không gian biển quốc gia được lập trên cơ sở tích hợp các quy hoạch có liên quan đến kết cấu hạ tầng khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam nhưng có sự điều chỉnh, xử lý đối với các mâu thuẫn, vùng chồng lấn về không gian biển theo nguyên tắc sắp xếp thứ tự ưu tiên, có xem xét tới tính đặc thù của các ngành. Thứ tư, bảo vệ, duy trì cấu trúc và chức năng quan trọng của các hệ sinh thái. Thứ năm, liên kết, tích hợp các thành phần, chức năng của biển, thu hút sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình quy hoạch. Thứ sáu, tuân thủ đường lối, chính sách và phù hợp với các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế của Việt Nam, pháp luật và các điều ước quốc tế liên quan đến biển, hải đảo mà Việt Nam là thành viên.

 

Hướng tới nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển

Phát triển kinh tế biển xanh phải coi các vùng biển, đại dương là “không gian phát triển”

Về quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh trong quá trình xây dựng Quy hoạch quốc gia, phát triển kinh tế biển xanh phải coi các vùng biển, đại dương là “không gian phát triển”, nơi quy hoạch không gian đòi hỏi sự tích hợp và hài hòa các vấn đề: Bảo tồn, sử dụng bền vững, sản xuất năng lượng bền vững, vận tải biển,… đồng thời các vấn đề “công bằng” trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên và chia sẻ lợi ích đối với cộng đồng địa phương phải được xem xét.

Bên cạnh đó, về phân vùng không gian biển, Quy hoạch không gian biển là quy hoạch khung, mang tính định hướng làm cơ sở để các ngành và địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết cho các mục đích sử dụng biển cụ thể nhằm đạt được các mục đích chung của kinh tế biển xanh. Kết quả của quá trình Quy hoạch không gian thường là một bản kế hoạch tổng thể toàn diện cho một vùng biển.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Bộ này đã đưa ra một số nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện như: Kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh lam để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới; triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển; đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển; khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực; thực hiện các dự án thí điểm để tiếp cận tất cả các nguồn năng lượng tái tạo biển, nhằm phát huy tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo biển của Việt Nam; tăng cường hợp tác về quản lý, giám sát và giải quyết ô nhiễm môi trường các vùng biển; tích cực tham gia các sáng kiến, hành động toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc để tận dụng các cơ hội từ xu thế thời đại về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vùng biển Việt Nam có trữ lượng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng với 2.040 loài cá, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn rong biển và trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể. Ngoài ra, vùng biển Việt Nam còn có tiềm năng rất lớn về NTHS với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như rong tảo, trai ngọc, tôm hùm, các loại cá biển, nhuyễn thể,… Đây là nguồn cung thực phẩm dinh dưỡng cao, nguồn nguyên liệu và dược liệu phong phú cho công nghiệp CBTS xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Cũng theo ông Luân, thực hiện Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4413/QĐ-BNN-TCTS ngày 04/11/2020 phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp Hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, phát triển bền vững kinh tế biển cần triển khai đồng bộ từ các cấp trung ương đến địa phương. Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thực tiễn đòi hỏi phải phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Box: Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được triển khai xây dựng và dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4, tháng 10 năm 2022.

 


PV

Chuối bài Quy hoạch không gian biển giúp củng cố mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển

Bài 1: Quy hoạch không gian biển phải đảm bảo chất lượng, tạo sự đồng thuận trong xã hội

 

Bài 2: Bước tiến đáng ghi nhận trong hệ thống pháp luật và chính sách Việt Nam về quy hoạch biển


undefined