Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Phương án dẫn nước từ sông Đồng Nai về ĐBSCL giúp giảm hạn mặn liệu có khả thi?

12:00 | 11/04/2024

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã có ý kiến về đề xuất chuyển, dẫn nước từ sông Đồng Nai về ĐBSCL giúp giảm hạn mặn.

Hơn 73.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt do hạn mặn ở ĐBSCL

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), xâm nhập mặn ở ĐBSCL có khả năng đã qua đỉnh cao nhất của mùa khô (xuất hiện ngày 10-13/3). Dự báo, các đợt xâm nhập mặn tới xuất hiện ở mức thấp hơn ngày 10-13/3 nhưng vẫn duy trì ở mức tương đối cao, thời gian ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4/2024. Các đợt xâm nhập mặn cao dự kiến xuất hiện vào các ngày 7-11/4, 23-27/4. Ở vùng hai sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn tiếp tục tăng, ranh mặn 4 g/l vào sâu từ 85-90 km trên sông Vàm Cỏ và có khả năng đạt đỉnh cao nhất trong tháng 4 và tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 5/2024. Thời gian các đợt xâm nhập mặn cao vào các ngày 7-11/4, 23-27/4, 6-10/5.

"Nhìn chung, diễn biến thực tế xâm nhập mặn phù hợp với thông tin nhận định đã được các cơ quan thuộc Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT cung cấp từ tháng 9/2023. Trong thời gian còn lại của mùa khô, trường hợp các hồ chứa phía thượng lưu vận hành giảm xả bất thường thì xâm nhập mặn có thể tăng cao hơn dự báo", đại diện Cục Thủy lợi cho biết.

Tháng 9/2023, Bộ NN&PTNT đã khoanh vùng nguy cơ ảnh hưởng ban đầu do xâm nhập mặn. Theo đó, tổng cộng có khoảng 56.260ha lúa vụ Đông Xuân và 43.300ha cây ăn trái được Bộ NN&PTNT chỉ đạo khuyến cáo thuộc vùng nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Với các giải pháp đã được triển khai, toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo đã được đẩy sớm thời vụ, hiện đã được thu hoạch hoặc trong giai đoạn chín (cắt nước), bảo đảm không bị thiệt hại, các vùng cây ăn trái vẫn được bảo đảm an toàn.

Tính đến ngày 6/4, trà lúa Đông xuân vùng ĐBSCL đã thu hoạch 1.304.301ha/1.488.182ha xuống giống, đạt 87,6%. Diện tích chưa thu hoạch còn khoảng 183.881ha; trong đó, chỉ có khoảng 300ha (Sóc Trăng 250ha, Bến Tre 50ha) có nguy cơ giảm năng suất. Ngoài ra, đã có 43ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng, đây là các diện tích người dân xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo khoanh vùng sản xuất an toàn.

Về nước sinh hoạt nông thôn, có 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt tại các tỉnh Tiền Giang 8.800 hộ (các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông), Long An 4.900 hộ (các huyện Cần Đước, Cần Giuộc), Bến Tre 25.000 hộ (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành), Sóc Trăng 6.400 hộ (các huyện Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Ngã Năm), Bạc Liêu 4.900 hộ (các huyện Hòa Bình, Đông Hải, Hồng Dân, Vĩnh Lợi), Kiên Giang 20.000 hộ (các huyện Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh) và Cà Mau 3.900 hộ (các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời).

 

Các khu vực dân cư bị thiếu nước do nguồn nước dưới đất bị suy giảm, không đủ khả năng cấp theo yêu cầu như khu vực vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc tỉnh Long An, các huyện U Minh, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau; nguồn nước mặt tại một số công trình cấp nước tập trung bị nhiễm mặn với độ mặn vượt ngưỡng cho phép như các công trình cấp nước các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang; nguồn nước ngọt không đủ cấp do hạn hán như các công trình cấp nước tại các xã Long Cang, Long Định huyện Cần Đước, Long An; và các hộ dân sống phân tán ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và chưa được cấp nước từ công trình cấp tập trung và thiếu dụng cụ trữ đủ nước ngọt để sử dụng trong thời kỳ bị thiếu nước, xâm nhập mặn ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang.

 

Theo đánh giá của Cục Thủy lợi, thời gian qua, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động tổ chức các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, đến nay thiệt hại ở mức rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Toàn bộ diện tích lúa có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển được đẩy sớm thời vụ gieo trồng từ tháng 10, 11, kết thúc trong tháng 12/2023. Thông qua bản tin thời tiết nông vụ, sổ tay hướng dẫn trữ nước trong điều kiện xâm nhập mặn do các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT ban hành (Cục Trồng trọt, Cục Thủy lợi), các diện tích cây ăn trái được chủ động tích trữ nước bảo đảm đủ cung cấp trong các thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Đến nay, toàn bộ diện tích cây trồng được khuyến cáo thuộc vùng ảnh hưởng được bảo vệ an toàn.

Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho các hộ bị ảnh hưởng, như hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước (Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu); thiết lập các điểm cấp nước công cộng (Tiền Giang 50 điểm cấp nước); tổ chức cấp nước luân phiên (Long An), đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước, mở rộng tuyến ống (Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng); khoan bổ sung giếng khai thác hoặc sử dụng các giếng sẵn có nhưng tạm chưa khai thác (Long An); sử dụng thiết bị lọc mặn, quan trắc độ mặn để vận hành công trình hợp lý (Bến Tre).

Đối với dự án đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành được Bộ NN&PTNT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công 3 tháng, đưa vào vận hành và khai thác sớm góp phần hỗ trợ ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho vùng diện tích khoảng 12.580 ha và tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ cho khoảng 800.000 người dân của tỉnh Tiền Giang.

Phải chuyển nước từ nơi khác về khắc phục hạn mặn hiện nay

Nói về mùa khô, không chỉ gây thiếu nước ngọt mà còn gây sụt lún ở một số địa phương trong khu vực ĐBSCL, đặc biệt là Cà Mau, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện các địa phương ở khu vực ĐBSCL đang ở cao điểm của hạn hán, xâm nhập mặn hằng năm. Việc thiếu nước ở Cà Mau khác các địa phương khác là do không có nguồn nước bổ sung, chủ yếu là tích nước mưa. Do đó, Cà Mau cần phải có giải pháp khác. Ở thời điểm này, huyện Trần Văn Thời đang bị sụt lún rất nghiêm trọng.

"Lý do chủ yếu là từ đầu năm đến giờ không có mưa, kết hợp nắng nóng kéo dài, lượng nước tích trữ lại bị bốc hơi nhanh, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, gây sụt lún. Đây là vấn đến lớn. Chúng tôi đã đề nghị huyện Trần Văn Thời nên chuyển đổi từ hai vụ lúa sang một vụ lúa, một vụ tôm. Chỉ như vậy khi đến mùa hạn mặn mới có thể đưa nước mặn vào nuôi tôm, đến mùa mưa mới trồng lại lúa. Chuyển đổi một vụ lúa, một vụ tôm ở khu vực này vừa ổn định được sản xuất lại hạn chế được sụt lún, giúp thu nhập của người dân tăng lên", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Giải pháp căn cơ, lâu dài cung cấp nước ngọt cho Cà Mau được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho là phải chuyển nước từ nơi khác về cho địa phương này. "Bởi vì Cà Mau không có nguồn nước nào cả. Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu, cân nhắc các giải pháp tổng thể, phù hợp, trong đó có giải pháp xây dựng cống âu thuyền Tắc Thủ để ngăn nước mặn chảy từ Biển Đông vào Cà Mau. Khi cống âu thuyền Tắc Thủ xây dựng xong thì huyện Trần Văn Thời có thể tích trữ được nước ngọt. Mặt khác, xây dựng phương án chuyển nước từ hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé qua sông Chắc Băng; chuyển nước từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua Quản Lộ-Phụng Hiệp về Cà Mau.

Để bảo đảm tính khả thi cho phương diện này, trước mắt, chúng tôi phối hợp với tỉnh Cà Mau sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn để xây dựng cống âu thuyền Tắc Thủ. Giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu để chuyển nước qua sông Chắc Băng từ Quản Lộ-Phụng Hiệp về Cà Mau. Việc chuyển nước từ nơi khác về cho tỉnh, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và thấy hoàn toàn có thể thực hiện được. Như vậy, với yếu tố kỹ thuật đã bảo đảm nhưng vấn đề còn lại là giá thành nước thì cần phải tiếp tục cân nhắc. Bởi khi chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé qua sông Chắc Băng; từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu qua Quản Lộ-Phụng Hiệp về Cà Mau thì giá thành sẽ cao, vì phải bơm nước. Bởi thế, ngoài các phương án về kỹ thuật, chúng ta cũng cần phải cân nhắc nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở khu vực này sao cho phù hợp, hiệu quả", ông Hiệp cho biết.

Chuyển, dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre có khả thi?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: "Khi chúng tôi làm việc với tỉnh Bến Tre, lãnh đạo tỉnh đã đề xuất ý tưởng này. Ý tưởng dẫn nước về cho Bến Tre và Tiền Giang chúng tôi đang nghiên cứu, nhưng chuyển nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre tại thời điểm này thì chưa thực hiện".

Lý do được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra là, về nguồn nước cho khu vực này, dù có thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa nhưng nước sông Đồng Nai cung cấp cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... hiện đang bị thiếu (nước cho các địa phương thuộc lưu vực sông Đồng Nai hiện thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước/năm). Quy hoạch thủy lợi trong thời gian tới sẽ tính toán các giải pháp dẫn nước từ sông Bé qua hệ thống thủy lợi Phước Hòa về cho Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai: "Khu vực này còn đang bị thiếu nước thì không thể chuyển nước được", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.

Tiếp đến là đã và đang có những giải pháp khác để cung cấp nước cho Bến Tre. Dự án ODA của Nhật đang triển khai có thể xong trong năm 2024 hoặc sang năm 2025 cơ bản sẽ giải quyết được nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt khu vực Bắc Bến Tre. Riêng đối với khu vực Nam Bến Tre sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để xây dựng cống Vàm Thơm, Vàm Nước Trong. Các cống này khi hoàn thành sẽ cung cấp nước cho khu vực Nam Bến Tre. Như vậy, đối với Bến Tre, chúng ta chưa cần phải nghiên cứu giải pháp chuyển nước từ sông Đồng Nai về.

Chủ tịch UBND tỉnh, TP chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để người dân không có nước sinh hoạt

Để chủ động ứng phó với các đợt xâm nhập mặn thời gian tới, ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 34 về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL.

Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL, nhất là các địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn như các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi sát tình hình, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tiếp tục tổ chức rà soát, nắm chắc thông tin tình hình về từng khu vực, từng ấp, xóm, từng hộ dân trên địa bàn có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt, nhất là các hộ dân sinh sống ở vùng ven biển, cuối nguồn cấp nước, khu dân cư trên các cù lao để có các phương án cụ thể phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt.

Tổ chức rà soát các nguồn nước ngọt dự trữ trên địa bàn để có phương án cân đối, điều hòa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước thực tế tại từng địa bàn, trường hợp không thể đáp ứng đủ các nhu cầu dùng nước thì phải ưu tiên sử dụng nguồn nước ngọt phục vụ cấp nước cho sinh hoạt của người dân và các nhu cầu thiết yếu khác.

Chủ động bố trí ngân sách của địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt.

Bộ trưởng Bộ TNMT tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long để cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp, tránh hoang mang, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT tiếp tục chỉ đạo theo dõi diễn biến, dự báo chuyên ngành, cung cấp thông tin kịp thời cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp cụ thể phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ NNPTNT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân và các nhu cầu thiết yếu khác ở các đô thị, thị trấn.

undefined