Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Lạm phát 4 năm qua chưa đến ngưỡng nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân

12:00 | 08/01/2025

Theo đại diện Bộ Tài chính, từ năm 2020 đến hết 2024, chỉ số CPI tăng gần 16% nên chưa đủ cơ sở để điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân theo luật hiện hành…

Bộ Tài chính đang đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.


Tại họp báo thường kỳ ngày 7/1, đại diện Bộ Tài chính cho biết đang đề xuất sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân với 7 nhóm chính sách gồm: thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, quy định giảm trừ gia cảnh, biểu thuế, thuế suất…

Dự kiến, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tháng 5/2026.

Có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân hiện nay lạc hậu, bất cập khi chi tiêu ngày càng đắt đỏ.

Về vấn đề này, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát thuế phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với lần giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ báo cáo Quốc hội điều chỉnh. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI từ năm 2020 (thời điểm tăng mức giảm trừ gia cảnh) đến 2024 là gần 16%, tức chưa vượt ngưỡng 20% theo quy định.

Ông Tuấn cho biết trong năm 2025, nếu chỉ số CPI có biến động lớn thì có thể tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2025 sẽ có nội dung nghị quyết liên quan tới giảm trừ gia cảnh (nâng mức giảm trừ gia cảnh).

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/người/tháng; mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, mức này duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), số thu từ thuế thu nhập cá nhân cả năm 2024 ước thực hiện là 189 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái (157.000 tỷ đồng). So với kế hoạch năm, tiền thuế thu nhập cá nhân đạt 118,7% dự toán, tương ứng vượt 30.000 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho biết thu thuế thu nhập cá nhân vượt dự toán do tăng cường các biện pháp quản lý thu như hướng dẫn người nộp thuế, chống thất thu trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Cơ quan thuế cũng có nhiều giải pháp khai thác thêm các nguồn từ kinh doanh số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng...

Năm 2024, các hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế 25.900 tỷ đồng, bằng 120% số thu năm 2023 (21.639 tỷ đồng). Trong đó, thu từ sản xuất kinh doanh của cá nhân là 7.987 tỷ đồng, tăng 15%. Còn thu từ cho thuê tài sản tăng 17%, khoảng 3.235 tỷ đồng.

Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột của ngân sách, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng (VAT). Tính tới cuối 2024, số thu thuế này chiếm khoảng 9,5% tổng thu ngân sách.

Tại buổi họp báo, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục Thuế cũng cho biết đầu năm 2025, ngành thuế sẽ cố gắng đưa vào áp dụng hoàn thuế thu nhập cá nhân  tự động cho kỳ quyết toán thuế năm 2024..

Theo ông Sơn, từ nhiều năm nay ngành thuế đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân nhưng chưa tự động hoá hoàn toàn.

Trong thời gian tới, báo cáo quyết toán của các bên liên quan tới người nộp thuế sẽ được tổng hợp trên hệ thống, từ đó, cơ quan thuế sẽ tích hợp và kết xuất ra tờ khai quyết toán thuế gợi ý, gửi tới người nộp thuế. Trên cơ sở này, người nộp thuế đối chiếu các khoản thu nhập, các khoản đã khấu trừ, đã nộp, khoản được giảm trừ, số tiền còn phải nộp hoặc số tiền được hoàn. Cơ quan thuế sẽ chuyển trả khoản tiền hoàn thuế về số tài khoản ngân hàng mà người nộp thuế đã đăng ký.

Ông Mai Sơn cũng lưu ý thời gian đầu triển khai hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động sẽ chưa thể suôn sẻ hoàn toàn.


Tùng Thư

Theo VnEconomy

undefined