Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Hút về hơn 160.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước thận trọng

12:00 | 09/03/2023

Áp lực trên thị trường, cũng như đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đang lớn hơn với tín hiệu mới từ bên kia bán cầu.

Đã đến cuối quý 1 nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quy mô hút tiền về lên tới trên 160.000 tỷ đồng, mức độ ít thấy nhiều năm qua. Đây như một cách “phòng ngự từ xa” với những cân đối có phần thụ động.

Đêm qua (ngày 7/3, giờ Việt Nam), thị trường Mỹ biến động rất mạnh. Mức độ thay đổi trên 1% đối với chỉ số USD Index là rất lớn, xét về phản ứng tức thời.

Phát biểu tại buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ đêm qua, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện thái độ cứng rắn với lạm phát. Điều này làm đậm thêm quan ngại đã hình thành trước đó trên thị trường, Fed sẽ tăng lãi suất mạnh tay hơn.

Ông Powell cho rằng lạm phát đã được kiểm soát những tháng gần đây, song Fed vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Bên cạnh đó, dữ liệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến, khiến cho lãi suất có thể phải cao hơn kỳ vọng trước đây.

Tại buổi điều trần, Chủ tịch Fed khẳng định nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn là cần thiết thì cơ quan này sẽ tăng tốc lãi suất trở lại.

Quan ngại và phản ứng tức thì, thị trường Mỹ biến động mạnh. Chỉ số USD Index lập tức tăng 1,23%, tiến gần mốc 106 điểm, mức độ tăng rất mạnh xét về phản ứng tức thời. Công cụ dự báo của CME cho thấy có 66% khả năng Fed tăng lãi suất cơ sở thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tới, thay vì chỉ 25 điểm như lần gần nhất.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng lập tức giảm mạnh, với điển hình chỉ số Dow Jones giảm tới 1,72%; giá dầu WTI cũng giảm tới hơn 3%...

Với chính sách tiền tệ của Việt Nam, tín hiệu trên từ Chủ tịch Fed, cùng đà tăng mạnh của USD Index càng khiến việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước trở nên thận trọng hơn. Thực tế từ đầu năm đến nay thận trọng đã thể hiện rõ.

Tính đến chốt ngày hôm qua (7/3), lượng tiền mà Ngân hàng Nhà nước đã hút về qua số dư tín phiếu lưu hành lên tới 162.199,8 tỷ đồng - quy mô ít thấy nhiều năm qua ở thời điểm cuối quý 1. Cùng đó, cũng ít khi nhà điều hành hút về với kỳ hạn lên tới 91 ngày như hiện nay, tức thời gian giữ nguồn này “tránh khỏi” thị trường dài hơn.

Bơm - hút tiền vẫn đang là công cụ chủ lực của Ngân hàng Nhà nước trong cân đối nguồn hệ thống, gián tiếp tác động đến lãi suất và tỷ giá. Mà bên ngoài, như trên, Fed tiếp tục cứng rắn và lãi suất USD lại đứng trước khả năng tăng mạnh thêm.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam, và các thị trường, đã có trải nghiệm đặc biệt với biến động mạnh nhất trong lịch sử của tỷ giá USD/VND trong năm 2022; trong đó, tác động từ chính sách lãi suất của Fed và đồng USD leo thang có liên hệ trực tiếp.

Năm nay, cũng đã khoảng một tháng qua tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng tăng cao hơn nhiều so với mức Ngân hàng Nhà nước yết để mua vào ngoại tệ quãng trước và sau Tết Nguyên đán, tăng khoảng 0,45% so với đầu năm. Sức ép tiềm ẩn ở tỷ giá khiến Nhà điều hành càng thận trọng hơn.

Việc hút về và giữ khá dài hơn 160.000 tỷ đồng nói trên phản ánh điều đó, bớt nguồn tiền để giữ giá (lãi suất) ở mức độ mục tiêu. Đi cùng là việc “neo” lãi suất tín phiếu ở 6%/năm. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng cũng quanh mức này ở các kỳ hạn ngắn, tạo chênh lệch đáng kể so với lãi suất USD trên cùng thị trường, gián tiếp góp phần cân đối cho ổn định tỷ giá.

Như vậy Chủ tịch Fed đã gởi mở tín hiệu, thị trường cũng lường tính mức độ tăng lãi suất có thể mạnh hơn vào cuối tháng này. Thị trường thường phản ánh trước, dù vậy quyết định tăng lãi suất dự kiến tại cuộc họp cuối tháng 3 vẫn sẽ có tác động đáng chú ý.

Hút về hơn 160.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước thận trọng ảnh 1

Các chỉ tiêu dự báo của VIRA tháng 3/2023

Sự thận trọng cũng phản ánh rõ trong dự báo định kỳ của các thành viên Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cho các chỉ tiêu trong tháng 3 này.

Đại diện khối nghiên cứu thị trường của các ngân hàng thương mại Việt Nam, cùng một số công ty chứng khoán lớn, đều chung tính toán: trong tháng này tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng sẽ không thể về lại mốc 23.450 VND - mức Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào.

Nhiều thành viên của VIRA dự báo giá USD giao ngay trên liên ngân hàng sẽ duy trì trên 23.700 VND, bình quân dự báo ở 23.720 VND trong tháng 3.

Liên quan, ở chỉ tiêu dự báo lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng, xu hướng tăng lên thể hiện rõ và khá mạnh. Cụ thể, các thành viên VIRA dự báo mức lãi suất này bình quân sẽ tăng lên 6,22%/năm trong tháng 3, trong khi bình quân thực tế tháng 2 vừa qua chỉ 5,81%/năm.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng vậy. Hướng tăng lên trong tháng này nằm trong dự báo chung của VIRA, với điểm đến bình quân sẽ vào khoảng 4,37%, tăng so với bình quân thực tế tháng 2 là 4,22%.

Trong khi đó, ở chỉ tiêu mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm trước, các thành viên VIRA có phần “bình thản” hơn. Các mức dự báo CPI tháng 3 này thấp hơn so với tháng liền trước, sau khi yếu tố mùa vụ tiêu dùng lễ tết ở tháng trước đã đi qua. Bình quân dự báo mức tăng CPI tháng 3 của VIRA là 4,06% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức thực tế 4,31% tháng 2 vừa qua.

Minh Đức

Theo Bizlive

undefined