Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Hoàn thiện hành lang pháp lý về nợ xấu

12:00 | 14/03/2023

Vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm là khó khăn lớn nhất của các ngân hàng khi giải quyết “cục máu đông” nợ xấu, bởi vậy Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng về vấn đề này...

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tại dự thảo, nội dung xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm quy định tại Chương IX dự thảo, từ Điều 186 đến Điều 194 (9 Điều) thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các tổ chức tín dụng.

NỢ XẤU LÀ BẤT ĐỘNG SẢN NGÁNG ĐƯỜNG XỬ LÝ NỢ XẤU

Trước đây, quy định về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được quy định tại Điều 10, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, quy định này đã không được đề cập trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Bà Lưu Thanh Nguyên, Phó Trưởng Ban pháp chế Công ty Quản lý tài sản (VAMC), cho biết khi VAMC mua khoản nợ từ tổ chức tín dụng có tài sản bảo đảm, phần lớn là dự án bất động sản. Khi xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, việc dự án phải đáp ứng đầy đủ điều kiện để chuyển nhượng theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai là không khả thi. Bởi lẽ, rất nhiều khoản nợ có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản chưa hoàn thành “công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt” hoặc chủ đầu tư chưa có đầy đủ “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

Do đó, nhiều tổ chức tín dụng đề xuất dự thảo tiếp tục luật hóa quy định về điều kiện dự án bất động sản được tổ chức tín dụng chuyển nhượng tại Điều 10, Nghị quyết 42.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về nợ xấu - Ảnh 1

Ngoài việc kế thừa các quy định về trình tự, thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm tại Nghị quyết 42, đại diện một số ngân hàng đề xuất Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cần phải quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Cụ thể: (i) bổ sung quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc xác nhận tổ chức tín dụng đã thực hiện việc niêm yết thông báo thu giữ tài sản bảo đảm tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; (ii) trách nhiệm chính quyền địa phương trong việc cử đại diện có mặt theo yêu cầu của tổ chức tín dụng để chứng kiến việc thu giữ tài sản bảo đảm và xác nhận biên bản thu giữ tài sản bảo đảm; (iii) trách nhiệm của cơ quan công an trong việc đảm bảo an ninh trật tư cho tổ chức tín dụng trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

Các ngân hàng cũng cho biết một trở ngại khác trong xử lý tài sản bảo đảm bất động sản là thời gian nắm giữ tài sản này quá ngắn.

Theo đó, kể từ thời điểm ngân hàng thu giữ/nhận bàn giao tài sản bảo đảm (hoặc tài sản không phải là tài sản bảo đảm do khách hàng/bên thứ ba/cơ quan thi hành án bàn giao để tổ chức tín dụng tự xử lý) cho đến khi xử lý xong thường kéo dài. Chưa kể nhiều trường hợp sau đó phát sinh tranh chấp khiến việc xử lý bất động sản không thực hiện được. Do vậy việc quy định tổ chức tín dụng chỉ nắm giữ bất động sản để xử lý trong thời hạn 3 năm là chưa khả thi.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 theo hướng trong thời hạn 5 năm (hoặc một thời điểm cụ thể mà Ngân hàng Nhà nước đánh giá là phù hợp) kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng; hoặc quyết định làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định theo quy định pháp luật.

ÁP DỤNG THỦ TỤC RÚT GỌN KHI GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án đã được quy định tại Nghị quyết 42 nhưng không được kế thừa trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Lý do được ban soạn thảo đưa ra là trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 42, chưa có vụ án nào được áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Nghị quyết 42.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VAMC, việc không có vụ án nào được áp dụng thủ tục rút gọn trên thực tế tại Nghị quyết 42 đòi hỏi cần phải sửa đổi quy định này tại dự thảo Luật sao cho các tổ chức, cá nhân có thể áp dụng được trên thực tế.


Hoàng Lan

Theo VnEconomy

undefined