Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Cần có "OPEC của lúa gạo" để bảo vệ người trồng lúa?

12:00 | 21/09/2022

Tại sao các nước xuất khẩu gạo lại không thể thành lập một nhóm tương tự như OPEC để điều tiết giá gạo?

Tờ Bangkok Post dẫn lời Chính phủ Thái Lan, hai nước Việt Nam và Thái Lan đã đạt được một thỏa thuận nhằm tăng giá gạo sản xuất trong nước trên thị trường toàn cầu, trong bối cảnh người nông dân phải gánh chi phí sản xuất lúa tăng cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on cho biết gần đây sau các cuộc thảo luận giữa hai nước, Thái Lan - Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về giá gạo xuất khẩu, và hai nước sẽ thành lập nhóm triển khai ý tưởng này tại mỗi nước.

Tại các cuộc họp trong tương lai, nội dung mà hiệp định gạo Thái-Việt hướng đến là nhằm tăng giá gạo xuất khẩu, phù hợp với tình hình chi phí sản xuất lúa tăng cao. Để thực hiện thỏa thuận, bước tiếp theo Thái Lan và Việt Nam sẽ hướng tới việc tạo ra một cơ chế đàm phán chính phủ.

Chỉ có hợp tác mới giúp người trồng lúa tồn tại trong cơn bão giá

Theo một quan chức Thái Lan, nông dân trồng lúa sẽ còn đối phó với giá gạo bất công trên thị trường toàn cầu nếu họ bị bỏ mặc mà không có sự giúp đỡ và hợp tác. Trong khi chiến tranh Nga-Ukraine đã làm chi phí trồng lúa tăng lên quá cao, nhưng giá gạo lại không tăng tương xứng. Điều mà nông dân thực sự cần là sự giúp đỡ từ chính phủ để giảm chi phí sản xuất và giá gạo công bằng hơn.

Thái Lan - Việt Nam hợp tác về giá gạo nhưng với vị thế là nước xuất khẩu hàng đầu, Ấn Độ vẫn có tiếng nói lớn nhất trong việc định giá gạo trên thị trường toàn cầu. Vì vậy, nếu chỉ Thái Lan và Việt Nam bắt đầu bán gạo với giá cao hơn, các quốc gia mua gạo có thể chuyển sang mua gạo của Ấn Độ.

Ông Rangsan Sabaimuang - Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy xay xát gạo Thái Lan nêu câu hỏi: “Tại sao những nước xuất khẩu dầu mỏ có thể thành lập Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) còn các nước xuất khẩu gạo lại không thể thành lập một nhóm tương tự như OPEC để điều tiết giá gạo? Có phải vì vấn đề an ninh lương thực, nhưng an ninh lương thực là trách nhiệm chung của toàn cầu và chỉ có hợp tác mới giúp người trồng lúa tồn tại trong cơn bão giá hiện nay”.

Theo tin mới nhất từ Nikkei, Việt Nam và Thái Lan sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để tăng giá xuất khẩu gạo.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on sẽ thăm Việt Nam vào ngày 6 và 7/10. Tại đây, ông Chalermchai sẽ hội đàm với ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước, trong đó bao gồm vấn đề giá xuất khẩu gạo.

Nếu chỉ Việt Nam và Thái Lan liên minh trong việc nâng giá gạo xuất khẩu sẽ không có tác dụng gì nhiều

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV, để nâng giá gạo lên ở mức hợp lý, phía Thái Lan đề nghị Việt Nam hợp tác về giá gạo xuất khẩu, nhưng Ấn Độ là nước xuất khẩu hàng đầu nên tiếng nói của họ vẫn lớn nhất trong việc định giá gạo trên thị trường. Nếu chỉ Thái Lan và Việt Nam nâng giá bán gạo cao hơn, các nước mua gạo có thể chuyển sang mua gạo của Ấn Độ.

Hiện có 5 nước xuất khẩu gạo khối lượng lớn, gồm: Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Trung Quốc. Trong đó, Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu; Việt Nam và Thái Lan cộng lại khoảng 13 triệu tấn/năm; Pakistan khoảng 3 triệu tấn/năm; Trung Quốc xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn/năm.

Như vậy 4 nước cộng lại vẫn chưa bằng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Và nếu chỉ có Việt Nam và Thái Lan liên minh nâng giá gạo xuất khẩu sẽ không có tác dụng gì nhiều, mà chỉ tác động ở một phân khúc nào đó.

Ba nước Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan mỗi nước đều có lợi thế về mỗi loại gạo khác nhau nên đều có phân khúc thị trường riêng không ai dẫm chân lên ai. Ở phân khúc gạo tầm trung cấp Ấn Độ khó cạnh tranh được với Việt Nam và Thái Lan nhưng ở phân khúc gạo cao cấp Basmati và gạo khô thì lại khác.

Ấn Độ thống trị dòng gạo cấp thấp, Việt Nam chuyên thị trường cấp Trung và Thái Lan là thị trường gạo cấp cao, tuy vậy vẫn có sự trùng lặp nhau ở một vài thị trường. Ví dụ, Ấn Độ vẫn có gạo dẻo, gạo hạt dài nhưng ít được khách hàng ưa chuộng vì họ sản xuất gạo theo truyền thống, mua lúa nhập kho sau một thời gian hạt lúa bị cũ mới chế biến nên hạt gạo không còn tươi mới không ngon bằng gạo Việt Nam.

“Nhờ yếu tố địa lý nên gạo trắng thường của Ấn Độ đang thống trị thị trường châu Phi nên Việt Nam hầu như bán không được bao nhiêu cho thị trường này, nhưng với thị trường Philippines nhờ vào yếu tố địa lý và chất lượng tươi mới của gạo Việt Nam thì Ấn Độ không thể nào chen chân vào thị trường Philippines.

Ngoài ra, thuế suất cũng là lợi thế cho gạo Việt Nam. Chính phủ Philippines đánh thuế gạo Ấn Độ đến 35% trong khi đó gạo Việt Nam là 0%. Trong trường hợp Philippines giảm thuế cho Ấn Độ thì vào Việt Nam cũng có cạnh tranh”, Giám đốc Phước Thành IV nói.

Doanh nghiệp gạo và nông dân đang ngồi chung xuồng nhưng doanh nghiệp là người chèo lái

Thái Lan đề nghị với Việt Nam hợp tác nâng giá gạo xuất khẩu lên chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động lên giá gạo xuất khẩu, trong đó, doanh nghiệp gạo có vai trò rất quan trọng.

Trong tình hình giá gạo xuất khẩu đang tăng, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, có nhà xưởng chế biến đầy đủ và năng lực trữ được vài chục ngàn tấn gạo, họ đã đẩy mạnh mua vào khi nào giá tốt thì bán, có như vậy mới đảm bảo mua lúa giá cao cho nông dân.

Nếu có gạo trong kho rồi doanh nghiệp đua nhau bán, giá nào cũng bán cuối cùng người chịu thua thiệt vẫn là nông dân, vì nếu doanh nghiệp có thua lỗ dẫn đến phá sản thì chỉ có một mình họ, nhưng nếu bán gạo thấp thì có hàng triệu nông dân ảnh hưởng. Do vậy, nếu chiến lược kinh doanh lúa gạo của Việt Nam bài bản đàng hoàng thì người nông dân sẽ được hưởng lợi vì doanh nghiệp có lãi sẽ mua lúa giá cao, nếu họ thua lỗ thì nông dân sẽ gặp lãnh đủ.

Ở một góc nhìn nào đó thì doanh nghiệp và nông dân là những người ngồi chung xuồng nhưng doanh nghiệp là người chèo lái, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đồng lòng với nhau điều tiết thị trường rất dễ, nếu họ không đồng lòng thì người chịu thiệt là nông dân.

“Người lái thuyền chở khách trên sông không đảm bảo được sự an toàn thì rủi ro là người ngồi trên thuyền - nông dân lãnh đủ”, ông Thành nói.

Nguyễn Huyền

Theo Bizlive

undefined