Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Xuất khẩu thủy sản đầu năm 2023: Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu

12:00 | 14/03/2023

Áp lực lạm phát cao, tồn kho lớn ở các thị trường tiêu thụ chính đã khiến doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản giảm mạnh trong quý 4/2022 và tiếp tục kém khởi sắc trong những tháng đầu năm 2023.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD (tăng 11%); cá tra 2,5 tỷ USD (tăng 51%); cá ngừ 1 tỷ USD (tăng 34%), cá khác 2,1 tỷ USD (tăng 22%)… Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu đến từ mức tăng trưởng cao của kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm.

Còn càng về những tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu thủy sản càng giảm do áp lực của lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Thậm chí trong hai tháng 11 và 12/2022, xuất khẩu thủy sản còn rơi vào tình thế tăng trưởng âm so với cùng kỳ với mức giảm lần lượt là 13% và 16%.

Cuối năm 2022, tồn kho của 10 doanh nghiệp thủy sản lên tới gần 16.500 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm - chủ yếu do mức tăng từ các doanh nghiệp cá tra. Trong đó, hàng tồn kho của “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (VHC) tăng 66% trong năm 2022, lên xấp xỉ 3.113 tỷ đồng. Nam Việt (ANV) cũng ghi nhận lượng tồn kho tăng 31% so với đầu năm, lên trên 2.340 tỷ đồng.

Xuất khẩu thủy sản đầu năm 2023: Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu ảnh 1

Nguồn: VASEP

Xuất khẩu sụt giảm cộng thêm tồn kho tăng đã khiến doanh thu của một số “ông lớn” trong ngành trở nên kém sắc trong quý 4/2022. Theo đó, doanh thu thuần quý 4 của “vua tôm” Minh Phú (MPC) giảm gần một nửa so với cùng kỳ, đạt 2.555 tỷ đồng và doanh thu thuần quý cuối năm của “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn sụt giảm 8% so với cùng kỳ, đạt 2.884 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn như Thực phẩm Sao Ta (FMC), Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), Camimex Group (CMX) cũng chứng kiến doanh thu quý 4 giảm lần lượt 16%, 15% và 5% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu thủy sản đầu năm 2023: Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu ảnh 2

Bức tranh kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp thủy sản trong quý 4/2022 dường như vẫn tiếp tục lan rộng sang những tháng đầu năm 2023 và dự báo còn kéo dài ít nhất đến hết nửa năm 2023.


Lạm phát vẫn là trở ngại lớn nhất

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản đang chịu tác động từ lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu dùng thủy sản. Trong khi đó, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam có giá cao hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Mỹ. Không ít các doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình hình là bị đối tác hoãn giao đơn hàng đã ký kết, thậm chí hủy một số đơn hàng đã thỏa thuận,…

Đặc biệt, lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý 1/2023 gần như đình trệ, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Số liệu của VASEP cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó cá tra vẫn giảm sâu 38% so với cùng kỳ và chỉ đạt 240 triệu USD.

"Xu hướng xuất khẩu trong tháng 2/2023 có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ với mức tăng khiêm tốn 4% chưa phản ánh xu hướng hồi phục vì năm 2022, Tết Nguyên đán diễn ra vào đầu tháng 2", VASEP nhận định.

Thực tế, số liệu vừa công bố của Vĩnh Hoàn cũng cho thấy, doanh thu tháng 2/2023 của doanh nghiệp đầu ngành này dù đã phục hồi so với tháng 1 nhưng vẫn giảm 29% so với cùng kỳ, đạt 758 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất của Vĩnh Hoàn - giảm 69% so với cùng kỳ, đạt 197 tỷ đồng; doanh thu từ thị trường Trung Quốc cũng giảm 3%, đạt 70 tỷ đồng; doanh thu tại thị trường Việt Nam ghi nhận 189 tỷ đồng, giảm 2%; duy chỉ có doanh thu thị trường châu Âu là tăng 116%, đạt 194 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 1/2023, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn chỉ đạt 462 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp doanh thu tăng trưởng âm. Trong đó, xét về thị trường xuất khẩu, thị trường Mỹ giảm tới 65% xuống 117 tỷ đồng, thị trường châu Âu cũng sụt giảm 28% và thị trường nội địa giảm 34%. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc có sự cải thiện 22% lên 32 tỷ đồng nhờ chính sách mở cửa, song tỷ trọng đóng góp vào doanh thu chung không lớn.

Tương tự, doanh thu của Thực phẩm Sao Ta trong tháng 1/2023 sụt giảm 47,4% so với cùng kỳ, đạt 15,2 triệu USD. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm là 1.111 tấn, giảm 53% và sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm là 163 tấn, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước.

Sang tháng 2, doanh thu của Thực phẩm Sao Ta có phần khởi sắc hơn cùng kỳ, tăng 19%, đạt 13,4 triệu USD, trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm tăng 15%, đạt 1.081 tấn và sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm giảm 3%, còn 111 tấn. Dù vậy, doanh thu trong tháng 2 của công ty vẫn giảm 12% so với tháng trước.

Có thể thấy những khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm 2022 vẫn đeo bám sang đầu năm 2023 và việc Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế đối với COVID vẫn chưa mang lại tác động như kỳ vọng.

Xuất khẩu thủy sản đầu năm 2023: Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu ảnh 3


Xuất khẩu cá tra và tôm dự báo vẫn gặp nhiều thách thức

Dù việc Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế đối với COVID chưa thể mang lại sự hồi phục mạnh mẽ cho đơn hàng thủy sản ngay trong những tháng đầu năm, song theo VASEP sau một vài tháng thị trường này sẽ thích ứng và bùng phát mạnh nhu cầu trong các phân khúc tiêu thụ.

Cùng chung nhận định, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) tin rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có lợi cho doanh thu của ngành cá tra vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá và giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ.

SSI Research cho rằng doanh thu tại thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Mỹ và EU nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023, một phần do mức nền so sánh cao năm 2022.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Agribank (Agriseco) kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa có thể khiến cho lượng tiêu thụ cá tra của nước này tăng lên đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung cá thịt trắng khác như cá Minh Thái từ Nga đang sụt giảm.

Tuy nhiên, theo Agriseco xuất khẩu cá tra vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn ở thị trường Mỹ và EU trong nửa đầu năm 2023 bởi tình trạng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Do đó, phần tăng trưởng kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc sẽ chỉ có thể bù đắp được phần nào cho sự sụt giảm đến từ các thị trường khác.

Trong khi xuất khẩu cá tra vẫn le lói triển vọng từ thị trường Trung Quốc thì xuất khẩu tôm năm 2023 lại được dự báo tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tại hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2023 diễn ra đầu tháng 3, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhìn nhận, xuất khẩu tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn, khả năng nhu cầu thị trường sẽ chỉ phục hồi từ quý 2/2023 nhưng xu hướng giá sẽ thấp hơn năm 2022. Theo đó, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới đã giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên.

Bên cạnh đó, ngành tôm nước ta cũng đang phải đối diện với thách thức cạnh tranh mạnh hơn với tôm của Ecuador và Ấn Độ. Đặc biệt, là tôm Ecuador đang có nhiều lợi thế hơn khi sản lượng gấp đôi Việt Nam, vị trí địa lý gần Mỹ hơn và chi phí sản xuất thấp… Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng, dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu tôm càng thêm khó khăn.


Đinh Thơm

Theo Bizlive

undefined