Thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng tăng tốc trong năm 2025
12:00 | 08/01/2025
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang từng bước ổn định và phát triển lành mạnh, sau hàng loạt sóng gió trước đó. Bên cạnh số lượng phát hành tăng mạnh là sự tích cực về cơ cấu trái phiếu mới phát hành theo nhóm ngành đã đa dạng hơn. Kỳ vọng 2025 thị trường sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần “ấm” lên
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam năm 2024 ghi nhận những tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tăng mạnh, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế.
Trong báo cáo TPDN năm 2024, tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, năm 2024, doanh nghiệp sơ cấp Việt Nam ghi nhận tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt tới 443.000 tỷ đồng. Giá trị phát hành mới trong năm 2024 bật tăng mạnh sau 2 năm suy giảm (2022 là 270.000 tỷ đồng và năm 2023 là 311.200 tỷ đồng). Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh sức hút lớn của kênh huy động vốn này.
Trong tổng lượng phát hành, trái phiếu riêng lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2024, có 96 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ với với khối lượng 396.700 tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023. Trong khi khối lượng mua lại trước hạn khoảng 187.000 tỷ đồng (giảm 24,7% so với năm 2023).
Có thể thấy, thị trường TPDN đã “ấm” lên rất nhiều trong năm qua, sau hàng loạt sóng gió trước đó. Bên cạnh số lượng phát hành tăng mạnh là sự tích cực về cơ cấu trái phiếu mới phát hành theo nhóm ngành đã đa dạng hơn.
Tuy nhiên, kênh TPDN năm 2024 dù huy động thành công gần nửa triệu tỷ đồng cho nền kinh tế, song xét về cơ cấu nhóm ngành, TPDN năm 2024 vẫn còn vấn đề đáng lo, khi cơ cấu phát hành ngày càng lệch về nhóm ngân hàng với tỷ trọng lên tới 68,3%. Dù thị trường tăng trưởng gần 30%, song riêng nhóm ngân hàng tăng 55%, bất động sản tăng 15%, trong khi nhiều nhóm ngành suy giảm. Đặc biệt, TPDN ngành sản xuất gần như “mất hút” khỏi thị trường, trong khi năm 2023 chiếm tỷ trọng tới 8%.
Cơ hội đan xen cùng rủi ro, thách thức
Đánh giá về thị trường TPDN hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường TPDN Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức và cần nhận diện đầy đủ.
Để thị trường TPDN phục hồi và phát triển bền vững, cần củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư ít nhất là đến hết năm 2025. Trong trung - dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.
Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng thị trường chứng khoán nói chung và thị trường TPDN nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo…
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhận định, thị trường TPDN còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Bởi thị trường này phản ánh rõ nét cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, tăng trưởng GDP ở Việt Nam cao nhưng phần lớn chỉ dựa vào xuất khẩu – khu vực mà các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào xuất khẩu và chủ yếu chỉ là các doanh nghiệp trong ngành nông, lâm, thủy sản.
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của GDP còn đến từ đầu tư, nhưng cũng giống như xuất khẩu, lĩnh vực đầu tư của Việt Nam cũng xuất phát chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI. Một động lực khác là bán lẻ cũng rơi vào tình trạng tương tự.
“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào khối FDI. Nếu không có cải cách mạnh mẽ về thị trường TPDN – kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp về cả số lượng lẫn công nghệ và kĩ thuật thì chúng ta khó có thể vực dậy các doanh nghiệp nội địa. Khi đó, tăng trưởng của nền kinh tế chỉ có thể tiếp tục ‘dựa dẫm’ vào các doanh nghiệp FDI”, TS. Lê Xuân Nghĩa lo ngại.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cơ cấu tham gia thị trường TPDN vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng. Tuy nhiên, việc huy động vốn qua kênh TPDN của các ngân hàng chủ yếu phục vụ cho mục đích tăng vốn cấp 2, từ đó tăng huy động và cho vay. Còn các doanh nghiệp bất động sản lại đang rơi vào cảnh khó khăn khiến thị trường TPDN cũng bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa khác thì thiếu vốn trầm trọng nhưng không thể tham gia sân chơi TPDN vì kỳ hạn ngắn (khoảng 3 năm) nhưng lãi suất lại rất cao.
“Nếu TPDN tiếp tục chỉ dựa vào bất động sản thì năm tới vẫn sẽ còn khó khăn. Đây cũng là vấn đề chúng ta phải cảnh giác”, ông Nghĩa thẳng thắn.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, áp lực đáo hạn vẫn sẽ là mối quan tâm lớn và tiếp tục duy trì trong năm sau.
Công ty Chứng khoán MBS cho biết, tính đến hết tháng 11, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 204.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 69% giá trị chậm trả.
MBS cho rằng, với một lượng TPDN khá lớn đã được mua lại, áp lực đáo hạn trong tháng 11-12/2024 khá nhẹ nhàng với lượng TPDN đáo hạn lần lượt ước khoảng 10.400 và 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, quy định về việc giới hạn gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm, sẽ dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn kể từ quý II/2025.
“Áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý III/2025 với lượng TPDN đáo hạn lên tới khoảng 70.000 tỷ đồng gấp khoảng 1,6 lần so với cùng kỳ”, chuyên gia của MBS cho biết.
Kỳ vọng tăng tốc
Mặc dù áp lực đáo hạn sẽ gia tăng, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng thị trường TPDN Việt Nam vẫn sẽ có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 khi nền kinh tế hồi phục, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án mới, nhất là trong các ngành bất động sản và năng lượng tái tạo.
Dự báo thị trường TPDN thời gian tới, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings kỳ vọng, phát hành TPDN của nhóm doanh nghiệp phi tài chính năm 2025 sẽ sôi động hơn, nhờ tháo gỡ pháp lý trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng, hạ tầng…
Cụ thể, cầu vốn sẽ tăng từ một số ngành chủ chốt như: bất động sản khu công nghiệp (ăn theo tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài), bất động sản dân cư (nhờ sự cải thiện về tiến trình tháo gỡ pháp lý dự án) và đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo (nhờ việc quyết liệt khôi phục tiến trình triển khai Quy hoạch Điện VIII nhằm đối phó với rủi ro thiếu điện vào năm 2026). Ngoài ra, cầu tín dụng tiêu dùng có thể sẽ cải thiện khi nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng mới…
Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững, thị trường TPDN cần tiếp tục được cải thiện về tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và nâng cao chất lượng các tổ chức phát hành. Chỉ khi đó, TPDN mới có thể trở thành một công cụ huy động vốn hiệu quả và an toàn cho các doanh nghiệp, đồng thời góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.