Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thị trường nội rơi vào tay "ông lớn ngoại"

12:00 | 26/09/2022

Là nước nông nghiệp, thế nhưng chăn nuôi, lĩnh vực béo bở tại Việt Nam lại nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, còn chăn nuôi nhỏ lẻ trong nước ngày càng teo tóp.

Nở rộ dự án “khủng” của khối ngoại

Đầu năm 2022, De Heus Genetics, một “ông lớn” trong lĩnh vực chăn nuôi từ Hà Lan đã vận chuyển 2 lô heo giống thuần chủng với tổng cộng hơn 600 con heo giống ông bà, cụ kỵ từ Canada về Việt Nam bằng chuyên cơ riêng. Số heo này đã được đưa về trang trại heo giống De Heus Genetics ở Sơn La để nhân đàn.

Toàn bộ hơn 600 con heo giống được chọn lọc kỹ với khả năng sinh sản và nuôi con vượt trội, thích nghi tốt ở môi trường chăn nuôi của Việt Nam. Đây là một bước tiến nhằm đẩy mạnh chiến lược mở rộng sản lượng chăn nuôi heo công nghiệp tại Việt Nam của De Heus. Trước đó, tập đoàn này đã mua lại 14 nhà máy thức ăn chăn nuôi của Masan, trở thành doanh nghiệp nước ngoài sở hữu nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi nhất cả nước.

Tiếp đó, De Heus cũng hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư hàng loạt dự án Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao tại Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh... Quy mô các dự án của 2 tập đoàn này lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Giữa năm 2022, Tập đoàn Mavin (Úc) và Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) đã ký thỏa thuận đầu tư 52 triệu USD để phát triển đàn heo giống chất lượng cao và mở rộng công suất chăn nuôi heo tại Việt Nam. Cụ thể, Mavin sẽ phát triển 3 trang trại chăn nuôi heo, gồm: Trang trại 62 ha tại H.K’Bang (Gia Lai), trang trại 100 ha tại H.Anh Sơn (Nghệ An); trang trại 45 ha tại H.Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Đến năm 2025, dự kiến quy mô đàn heo giống của tập đoàn sẽ tăng lên 7.500 con heo cụ kỵ và ông bà, đạt tổng số là 15.600 con. Số lượng đàn giống tăng lên như trên sẽ làm quy mô các trang trại chăn nuôi heo thịt thương phẩm tăng lên gấp 3 lần, đạt khoảng 150 trang trại, tăng năng lực cung cấp của Mavin cho thị trường lên khoảng 900.000 heo thịt mỗi năm.

Trong vòng vài năm nay, hàng loạt dự án “khủng” của các doanh nghiệp ngoại liên tiếp đổ bộ, trước sức hấp dẫn của thị trường trong nước. New Hope, một doanh nghiệp có vốn từ Trung Quốc cũng đang triển khai 3 dự án trang trại nuôi heo với vốn đầu tư 200 triệu USD tại Việt Nam, có tổng công suất lên tới 27.000 heo nái.

Quy mô ngành chăn nuôi của Việt Nam đang nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á và được ví là “miếng bánh béo bở” cho các doanh nghiệp đầu tư. Đây là một trong số những ngành có sản phẩm tạo ra giá trị lớn trong nông nghiệp, chiếm gần 6% GDP hằng năm.

Hiện Bộ NN-PTNT đã giao Cục Chăn nuôi xây dựng chính sách hỗ trợ bà con nông dân phát triển chăn nuôi bền vững như về con giống, thụ tinh nhân tạo, vệ sinh môi trường, liên kết chuỗi… Nghị định đang được xin ý kiến rộng rãi trên mạng, dự kiến sẽ trình vào cuối năm nay.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi

Trong nước, nhiều năm nay, Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam (Thái Lan) luôn là doanh nghiệp FDI có thị phần lớn nhất cả ở mảng con giống, heo thịt. Trong khi người nuôi heo cả nước liêu xiêu vì dịch tả heo châu Phi thì C.P vẫn phát triển tốt với đàn heo nái khoảng 350.000 con. Năm 2022, ước tính C.P có tổng đàn heo thịt khoảng 6 - 7 triệu con.

Japfa, một công ty chăn nuôi đến từ Indonesia cũng đang vận hành 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, hơn 1.000 trang trại chăn nuôi gia cầm và gia súc cùng hệ thống hơn 40 cửa hàng bán các sản phẩm thịt tươi sống và thực phẩm chế biến thương hiệu Japfa Best tại Việt Nam. Hiện Japfa đang đầu tư 500 tỉ đồng để xây dựng trang trại gần 40 ha, cung ứng cho thị trường hơn 130.000 heo thịt, tương đương hơn 14.000 tấn thịt heo mỗi năm.

Chăn nuôi trong nước teo tóp

Cứ mỗi sáng, anh N.V.B, một thương lái lâu năm chuyên thu mua heo hơi tại Khánh Hòa, lại mở điện thoại để xem tin nhắn báo giá heo hơi được nhắn vào nhóm chat. “Nhiều năm nay, giá heo hơi của công ty C.P luôn là giá được các thương lái như chúng tôi dùng để tham khảo, hoặc định hướng lên xuống của thị trường, rồi đưa ra giá mua heo của nông dân. Không hẳn là họ chi phối hoàn toàn, nhưng vẫn có một sự định hướng nhất định”, anh N.V.B nói.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết từ năm 2018 đến nay, ngành chăn nuôi heo liên tục bị dịch bệnh bủa vây, rồi bão giá lên xuống, vừa hồi phục một thời gian ngắn thì lại bị dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi tiêu thụ, sau đó giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao...

Vai trò của chăn nuôi nông hộ ngày càng lép vế vì không chống đỡ nổi. “Các doanh nghiệp có vốn lớn, có dự trữ nguyên liệu và tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi thì vẫn trụ vững. Người chăn nuôi phải bán ra với giá của các doanh nghiệp lớn thì làm sao chịu nổi? Ước tính khoảng hơn 2 triệu người chăn nuôi trên cả nước bị ảnh hưởng tới công ăn việc làm, thu nhập”, một đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thông tin.

Báo cáo của Bộ NN-PTNT thừa nhận: Trung bình mỗi năm, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5 - 7%/năm. Cụ thể, năm 2011, cả nước có khoảng trên 4,13 triệu cơ sở chăn nuôi heo, đến năm 2016 giảm xuống còn 3,4 triệu. Sau đợt khủng hoảng giá thịt heo năm 2017, số cơ sở chăn nuôi heo còn khoảng 2,5 triệu cơ sở.

Năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở chăn nuôi heo và năm 2021, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi heo từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn heo của cả nước. Như vậy, thị phần lớn đã thuộc về các doanh nghiệp, tập đoàn.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trăn trở: “Chăn nuôi heo nước ta vẫn chủ yếu là theo hộ gia đình, trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Người chăn nuôi chưa có kiến thức cần thiết về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, đưa ra chế độ dinh dưỡng không phù hợp cho heo theo từng giai đoạn, làm năng suất chăn nuôi thấp.

Đây là điểm yếu đã thể hiện rõ ràng nhất dẫn đến sự bùng phát và lan rộng của dịch tả heo châu Phi lan rộng trong thời gian vừa qua. Con giống cũng như nguồn thức ăn chất lượng cao ổn định cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăn nuôi. Chủ trại thường gặp phải trở ngại và rủi ro cao khi phải bỏ ra chi phí lớn để đầu tư vào một trại heo từ chi phí đất, xây dựng cơ bản, con giống, thức ăn, thuốc thú y…

Vì vậy, vấn đề đặt ra với các hộ gia đình là cần tham gia trong vào chuỗi liên kết chăn nuôi heo theo hợp tác xã, khi đó mới đủ mạnh để được hỗ trợ về kiến thức chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh, cung cấp nguồn giống tốt, thức ăn chất lượng cũng như đảm bảo đầu ra trong mọi điều kiện thị trường”.

Theo ông Nguyễn Trí Công, bên cạnh việc duy trì nghề nghiệp, các hợp tác xã chiếm giữ một thị phần quan trọng trong tổng đàn heo cả nước cũng sẽ giúp cạnh tranh về giá bán, nếu không các doanh nghiệp lớn sẽ chủ động thao túng về giá, chẳng những gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo thống kê, trong số top 10 doanh nghiệp chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam hiện nay theo thứ tự là C.P (Thái Lan), CJ Vina Agri (Hàn Quốc), Japfa Comfeed (Indonesia), De Heus (Hà Lan)... Dù thị phần đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã nỗ lực phát triển để giành lại thị trường.
Trong đó có thể kể đến những cái tên như Masan, Dabaco, Tân Long, Trường Hải, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… Mới đây, Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (thuộc Tập đoàn Tân Long) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng 4 dự án cụm trang trại heo công nghệ cao chuẩn khép kín, theo công nghệ châu Âu hiện đại tại tỉnh Tây Ninh, có tổng diện tích hơn 66 ha, quy mô 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt, khi đi vào vận hành sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 280.000 con heo/năm. Dự kiến đây sẽ là một trong những trang trại heo lớn nhất tại Việt Nam.


Quang Thuần

Theo Bizlive

undefined