Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

"Nới room tín dụng không đáp ứng kỳ vọng kéo theo nhiều vấn đề"

12:00 | 08/09/2022

Tác động lớn tới nhóm doanh nghiệp vay nợ nhiều, có nhu cầu đảo nợ lớn trong thời gian tới như nhóm bất động sản...

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (CSI)

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (CSI)

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (CSI) chia sẻ nhận định với chúng tôi về diễn biến thị trường chứng khoán sau phiên giảm mạnh hơn 34 điểm, xuyên qua vùng 1.250 điểm.

Ông có bình luận gì về cú giảm mạnh của VN-Index trong phiên 7/9?

Thông tin về nới room tín dụng thực tế nhiều ngân hàng lớn có mức room khá nhỏ, không đáp ứng kỳ vọng nhà đầu tư trước đó. Với việc room được cấp thấp không đáp ứng kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp lớn, bởi room đủ lớn mới giải ngân được cho doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn lớn như bất động sản.

Thông tin về nới room tín dụng không đáp ứng kỳ vọng kéo theo nhiều vấn đề.

Thứ nhất, tác động tới nhóm doanh nghiệp vay nợ nhiều, có nhu cầu đảo nợ lớn trong thời gian tới như nhóm bất động sản giảm ngay từ đầu phiên sáng.

Thứ hai là với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhiều ngân hàng được kỳ vọng cấp room lớn nhưng theo thông tin rò rỉ là thấp khiến nhiều cổ phiếu giảm mạnh. Có thể kể đến như BID, SHB giảm trên 5%; CTG, VCB, VPB giảm trên 3%…

Việc giảm giá ở hai nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chung. Hiện tượng giảm giá lan cả ngành chứng khoán (giảm so triển vọng tiêu cực khi thị trường quay đầu giảm), dầu khí (giảm do giá dầu). Ngoài ra các nhóm cổ phiếu giảm giá theo như bán lẻ, hóa chất, công nghiệp…

Nói chung thị trường phiên 7/9 khá tiêu cực, sự dẫn dắt cho trạng thái đó từ cổ phiếu vốn hóa lớn, bắt nguồn phản ứng tiêu cực từ sự kỳ vọng nguồn tín dụng cho nền kinh tế không được như kỳ vọng.

Góc nhìn của ông về xu hướng thị trường trong tháng 9 cũng như cuối năm nay?

Trong ngắn hạn, tôi thấy phiên giảm điểm vừa qua khiến cho VN-Index giảm xuống dưới mức hỗ trợ 1.250 điểm. Với diễn biến này, nhiều khả năng chỉ số sẽ kiểm lại ở vùng thấp hơn trong thời gian tới, ở 1.220-1.230 điểm.

Trong trung hạn, ở giai đoạn này tôi nghĩ khó nhận định bởi vì trong quý 4 thị trường cũng có nhiều áp lực. Nếu thị trường giảm đủ sâu, dòng tiền hấp thụ đủ tốt thì vùng 1.220 điểm có thể giữ được. Tôi cho rằng, cuối năm triển vọng đóng cửa quanh 1.250-1.300 điểm.

Xin hỏi ông về kênh huy động vốn khác cho doanh nghiệp là trái phiếu. Nhận định của ông về phát hành cuối năm, khi mà chứng khoán không mấy tích cực?

Nhìn vào thực tế, từ đầu năm đến nay phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm. Nếu như trong quý 1 vẫn có một số đợt (cũng giảm so cùng kỳ) thì quý 2, 3 giảm mạnh. Với bối cảnh chính sách chưa rõ ràng, việc sửa Nghị định 153 chưa có thông tin chính thức, trong quý 4 khó có thể kỳ vọng các đợt phát hành trái phiếu nóng trở lại.

Ngay cả việc hoàn tất các thông tin chính sách trên thì với hướng siết chặt các điều kiện phát hành như định hướng của Bộ Tài chính thì năm nay cũng chưa có nhiều cải thiện phát hành huy động vốn từ trái phiếu cuối năm nay.

Hiện tại, kênh cổ phiếu có thể là kênh nhiều doanh nghiệp kỳ vọng cuối cùng. Bởi hiện nay vốn tín dụng từ ngân hàng là khó tiếp cận, room mới nới không đáp ứng kỳ vọng. Thứ hai, trái phiếu đang vướng pháp lý, cơ quan quản lý chưa thể nào làm như bình thường, phải chờ quy định mới ban hành để triển khai thực tế. Như vậy chỉ còn kênh phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Gần đây phát hành thêm tăng vốn từ vốn chủ sở hữu, phát hành thêm mới vẫn diễn ra, dù giảm so với cùng kỳ nhưng ở mức khá chứ không mất hẳn.

Ông có lưu ý gì với nhà đầu tư hiện nay?

Tôi cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, các hoạt động đầu tư ngắn hạn khó chiến thắng được thị trường, khi thị trường có tín hiệu suy yếu. Những thông tin hỗ trợ không nhiều trong khi nhiều vấn đề tiêu cực hiện hữu như lãi suất có xu hướng tăng, thanh khoản hệ thống ngân hàng có tín hiệu giảm, kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước chặt chẽ…

Trong bối cảnh đó, với nhà đầu tư chứng khoán khó kỳ vọng như giai đoạn trước, không nên kỳ vọng nhiều. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng không quá cao. Năm nay là năm tập trung quản trị rủi ro, giữ được vốn để có thể đợi thời điểm thị trường tạo đáy trung và dài hạn, thẩm thấu đầy đủ thông tin tiêu cực ở trên thì có thể giải ngân.

Ngắn hạn thì nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, không có nhiều lợi thế ở giai đoạn chi phí vốn có xu hướng tăng, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp có xu hướng giảm.

Với nhà đầu tư vẫn đang cầm cổ phiếu, nên chờ đợi những đợt hồi phục để giảm tỷ trọng, chờ đợi thị trường tạo đáy dài hạn để có cơ hội mua mới.

Với nhà đầu tư đang cầm tiền cần kiên nhẫn thêm, chờ đợi cho tất cả yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới thị trường thế giới cũng như Việt Nam phản ánh đầy đủ vào giá. Ví dụ sắp tới ngân hàng trung ương châu Âu tăng lãi suất, Fed cũng tăng trong tháng 9 hay vấn đề liên quan kiểm soát tín dụng trong nước vẫn tăng mạnh…

Nhà đầu tư nên chờ đợi cơ hội khi những thông tin trên diễn ra hết, phản ánh đầy đủ, có thể tạo vùng mua mới. Hiện nay là giai đoạn nhạy cảm, nhiều yếu tố trên thị trường không được như kỳ vọng, việc tham gia vào tỷ lệ thắng thua là 50/50, không phải thời điểm thuận lợi.

Xin cảm ơn ông.


Huyền Châm

Theo Bizlive

undefined