chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Đến Đắk Lắk để thành công
12:00 | 10/12/2024
Mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không thuận lợi, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn giúp Đắk Lắk thuận lợi mở rộng giao lưu với các vùng trong cả nước cũng như hợp tác quốc tế.
Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh đối với khu vực và cả nước. Địa phương có nhiều tiềm năng, nhiều lợi thế so sánh để phát triển trong nhiều lĩnh vực.
Một góc TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. (Nguồn: Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk)
Tiềm năng nhiều, lợi thế lớn
Mảnh đất này có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, trong đó trên 40% diện tích là đất bazan màu mỡ, thuận lợi cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây công nghiệp, cây ăn trái theo hướng hữu cơ... Hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, phong phú, văn hóa đa dạng với nhiều dân tộc cùng sinh sống là nền tảng để địa phương phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, văn hoá.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn được biết đến là thủ phủ cà phê của vùng Tây Nguyên và cả nước; thành phố Buôn Ma Thuột được biết đến với thương hiệu "thành phố cà phê của thế giới". Địa phương còn là miền đất của sử thi, của truyền thống anh hùng cách mạng; trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử.
Về phát triển kinh tế - xã hội, trong vài năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế Đắk Lắk đều đạt khá, cao hơn bình quân chung cả nước, đạt 7,07%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.301 triệu USD (bằng 122,2% kế hoạch 5 năm); tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 278.347 tỷ đồng (bằng 58,43% kế hoạch 5 năm).
Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các vùng, khu vực gắn với các dự án quan trọng được phê duyệt, như tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, đường Trường Sơn Đông và các dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 29, tỉnh lộ 1, 2, 3...
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội được bảo đảm; đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt; nền quốc phòng - an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố.
Nhà máy điện gió EA Nam Đắk Lắk. (Nguồn: Trung Nam Group)
Kiên định mục tiêu mở rộng thu hút đầu tư
Với mục tiêu khai thác hết tiềm năng, phát huy tối đa thế mạnh của địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn kiên định mục tiêu mở rộng thu hút đầu tư theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Gần đây, những dự án có vốn đầu tư lớn, liên tục được "đổ" vào các lĩnh vực thế mạnh của Đắk Lắk, tạo động lực tăng trưởng bứt phá nơi “thủ phủ” Tây Nguyên.
Chín tháng đầu năm 2024, Đắk Lắk đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án, với tổng số vốn đầu tư 2.894 tỷ đồng. Số dự án bằng cùng kỳ năm trước nhưng tổng số vốn đăng ký tăng hơn 1.931 tỷ đồng. Trong 12 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư có một số dự án có tổng mức đầu tư lớn như Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn - nhà ở tại số 02 Mai Hắc Đế (TP Buôn Ma Thuột); Trang trại nuôi heo hậu bị quy mô 20.000 con (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn)...
Đã có 140 nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh (trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài) và tỉnh đã tiếp nhận 96 lượt hồ sơ dự án đề nghị quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 14.499 tỷ đồng, trong chín tháng. Điều này thể hiện sự quan tâm lớn của nhà đầu tư với mảnh đất Tây Nguyên này. Đó cũng chính là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư.
Cụ thể, địa phương này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đội ngũ viên chức về tinh thần phục vụ và nâng cao trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; từ đó, tạo một môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thân thiện, chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Công tác xúc tiến đầu tư cũng được đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả, chuyển phương thức xúc tiến đầu tư từ bị động sang chủ động: tăng cường các kênh xúc tiến đầu tư trực tuyến và ứng dụng công nghệ số, đồng thời chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho các doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư...; đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ thực hiện công tác xúc tiến đầu tư.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tập trung triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả, thông qua các nội dung hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, các lợi thế, các dự án có trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk đã tạo được sự thu hút nhất định đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều đó góp phần đáng kể trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động, cũng như đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Mở rộng hợp tác với nhà đầu tư từ APEC
Trong tiến trình thu hút đầu tư đến năm 2025, tỉnh Đắk Lắk đã xác định 36 dự án thuộc 6 lĩnh vực trọng yếu để kêu gọi nhà đầu tư quan tâm và phát triển. Trong đó, có 36 dự án thuộc 6 lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư.
Theo số liệu, nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp (8 dự án, tổng vốn đầu tư: 165 tỷ đồng); công nghiệp – xây dựng (13 dự án, tổng vốn đầu tư: 2.506,3 tỷ đồng); thương mại, dịch vụ, du lịch (8 dự án, tổng vốn đầu tư: 1.102,13 tỷ đồng); thể thao (3 dự án, tổng vốn đầu tư: 521,703 tỷ đồng); môi trường (2 dự án, tổng vốn đầu tư: 398 tỷ đồng); giáo dục và y tế (2 dự án, tổng vốn đầu tư: 18,6 tỷ đồng).
Những dự án trên là cơ sở để Đắk Lắk thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến mảnh đất này trong tương lai. Và tỉnh mong muốn đón các nhà đầu tư thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đến địa phương, cùng hợp tác trong những lĩnh vực kể trên.
APEC là diễn đàn quan trọng trong chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam. Hợp tác APEC trên các lĩnh vực tự do hoá thương mại và đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, cải cách cơ cấu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, ứng phó với thiên tai, tăng cường kết nối… đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây cũng chính là lý do Đắk Lắk muốn mở rộng hợp tác, kết nối với các nhà đầu tư thuộc diễn đàn này.
Tỉnh luôn xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư vào địa phương. Vì vậy, với nhà đầu tư APEC, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đến đầu tư tại địa bàn, các doanh nghiệp nhà đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật; được miễn tiền thuê đất từ 7 - 15 năm (tùy thuộc địa bàn và danh mục đầu tư); miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm tiền thuê đất đối với các ngành nghề chế biến nông sản, logistic, du lịch văn hóa… trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Với phương châm “thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương”, Đắk Lắk cam kết tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư… Từ đó, đón thêm nhiều hơn các nhà đầu tư đến và thành công tại Đắk Lắk, cùng mảnh đất Tây Nguyên thay đổi diện mạo.
Hoàng Hùng