Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Sự khác biệt của Nhật hoàng Akihito với các hoàng đế tiền nhiệm

12:00 | 09/04/2019

Sự gần gũi với công chúng của Nhật hoàng Akihito từng bị coi là mạo hiểm vì tách biệt với truyền thống coi hoàng đế như thánh thần.

Quyền lực của Nhật hoàng thay đổi thế nào trong lịch sử?

Nhật hoàng Akihito phát biểu mừng năm mới tại Tokyo năm 2017. Ảnh: AFP.

Ngày 30/4, Thái tử Naruhito sẽ được truyền ngôi, trở thành hoàng đế thứ 126 của Nhật sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị. Nhật Bản là một trong những quốc gia có chế độ quân chủ lâu đời nhất trên thế giới, bắt đầu từ năm 660.

Trong những năm đầu của Vương triều, Nhật hoàng và các chỉ huy quân sự từ các gia đình quyền lực kiểm soát các khu dân cư giàu có.

Theo quan niệm truyền thống, hoàng đế Nhật Bản là hậu duệ của nữ thần mặt trời Amaterasu. Vì vậy, các hoàng đế luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nghi thức của Thần đạo - tín ngưỡng và tôn giáo thờ phụng các vị thần liên quan đến thiên nhiên như đất, trời, mặt trăng, cây cỏ, hoa lá. Biểu tượng quyền lực của họ là Ngai vàng Hoa cúc.

Vai trò của Nhật hoàng trong việc trị vì đất nước khác biệt theo từng thời kỳ. Nhật hoàng Tenmu vào thế kỷ 7 là người nắm giữ quyền lực to lớn, được mệnh danh là "hoàng đế của các hoàng đế". Ông tập trung quyền lực địa phương vào tay mình và thực hiện cải cách mạnh mẽ trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại.

Tuy nhiên, nhiều Nhật hoàng khác nắm giữ ít uy quyền hơn, quyền lực được phân bổ cho các quan chức từ những gia tộc có nhiều thế lực.

Nhật hoàng Minh Trị. Ảnh: Wiki.

Nhật hoàng Minh Trị. Ảnh: Wiki.

Nhật hoàng Meiji (Minh Trị), trị vì năm 1867 - 1912, được coi là có công lớn trong lịch sử Nhật Bản. Ông cho thực hiện nhiều cải cách và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây giữa lúc chủ nghĩa thực dân đang phát triển mạnh.

Được tôn vinh là "thiêng liêng và bất khả xâm phạm", Nhật hoàng mang hình tượng như người cha dân tộc và được con dân phục tùng.

Tư tưởng đó đã được những người theo chủ nghĩa dân tộc trong quân đội và chính phủ sử dụng khi đưa đất nước tham chiến Thế chiến II dưới thời Nhật hoàng Hirohito. Nhiều binh sĩ trẻ thực hiện các cuộc tấn công tự sát hô lên: "Nhật hoàng muôn năm".

Nhật hoàng Hirohito (Chiêu Hòa), cha của đương kim Nhật hoàng Akihito, nắm giữ các quyền lực như giải tán quốc hội, ban hành các sắc lệnh và chỉ huy lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, tất cả kết thúc với thất bại của Nhật trong Thế chiến II. Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng Hirohito thông báo trên radio về việc Nhật đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh.

Một số người khi đó kêu gọi giải thể chế độ quân chủ. Tuy nhiên, tướng Mỹ Douglas MacArthur, người giám sát thời kỳ Mỹ chiếm đóng Nhật Bản 1945 - 1951, quyết định duy trì Ngai vàng Hoa cúc nhưng hạn chế rất nhiều quyền lực của Nhật hoàng, khiến vai trò của ông chỉ mang tính nghi lễ chứ không nắm thực quyền

Hiến pháp Nhật năm 1945 không công nhận vị thế hậu duệ thần thánh cũng như quyền lực chính trị trực tiếp của Nhật hoàng. Tuy nhiên, việc chủ trì lễ cầu nguyện cho mùa màng bội thu và quốc gia yên bình vẫn là một trong những trách nhiệm chính của ông.

Nhật hoàng Akihito lên ngôi vào năm 1989 sau khi cha ông qua đời. Theo các nhà sử học, Nhật hoàng Akihito đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng lại hình ảnh của hoàng gia và hoàng đế.

Ông tích cực thúc đẩy hòa bình, phản đối chủ nghĩa dân tộc, bày tỏ "hối hận sâu sắc" về quá khứ của Nhật Bản và kêu gọi ghi nhớ lịch sử thay vì sửa đổi nó sai sự thật.

"Nhật hoàng Akihito là hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản thời hậu chiến thực thi hiến pháp hòa bình, vai trò của ông là biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc", Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia, Tokyo, nhận xét. "Ông ấy rất quan tâm đến những vấn đề chiến tranh và hòa giải với các nước châu Á".

Ngoài các nhiệm vụ chủ trì nghi lễ tôn giáo hay tiếp đón quan khách nước ngoài, Nhật hoàng Akihito còn trở thành người an ủi, chia sẻ nỗi buồn với những người sống sót sau các thảm họa thiên nhiên.

Năm 1991, ông khiến nhiều người bất ngờ khi xắn tay áo, cởi giày, ngồi xuống ngang tầm những người sống sót sau một vụ phun trào núi lửa để trò chuyện với họ. Hành động này khiến một số người theo chủ nghĩa dân tộc phản đối, cho là không phù hợp với hình ảnh tôn nghiêm của hoàng đế.

"Cách tiếp cận hiện đại hơn của ông từng được coi là mạo hiểm", Yuji Otabe, giáo sư lịch sử tại Đại học Phúc lợi Shizuoka, nói. "Đó là một canh bạc. Hành động như vậy không thể xảy ra trong quá khứ vì hoàng đế khi đó được coi như thánh thần".

Những thay đổi đó đã giúp Nhật hoàng Akihito được công chúng yêu mến. Đa số người Nhật nói rằng họ có thiện cảm hoặc kính trọng ông.

Thái tử Naruhito, người sẽ lên ngôi vào cuối tháng này, từng nhiều lần nói rằng ông sẽ tiếp tục định hình lại vai trò của Nhật hoàng, thực hiện "các nghĩa vụ hoàng gia mới" để phù hợp với thời hiện đại. Ông cũng nhấn mạnh rằng ông sẽ noi gương cha mình bằng cách "gần gũi với người dân, chia sẻ với họ niềm vui và nỗi buồn".

 


Phương Vũ (Theo AFP)

Theo Vnexpress

undefined