Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Câu chuyện chùa Ba Vàng và ranh giới “mờ” của đức tin

12:00 | 03/04/2019

Là những khái niệm rất rõ ràng và quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, nhưng nhiều người vẫn đang bị “lẫn lộn” nghiêm trọng giữa tín ngưỡng và mê tín, dị đoan.

Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội. Còn mê tín, dị đoan thì được hiểu là cách tin mù quáng, tin mê muội… làm hại đến đời sống vật chất và tinh thần của con người.

ranh gioi mo cua duc tin
Chùa Ba Vàng. (Nguồn: Tiền Phong)

Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo từ trước đến nay luôn được Nhà nước ta tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Còn hoạt động mê tín, dị đoan luôn bị bài trừ bằng nhiều biện pháp như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, của cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục, xử phạt…

Kinh tế-xã hội phát triển khiến nhu cầu tâm linh của con người ngày càng cao. Thế nhưng, điều này lại kéo theo sự phát triển muôn hình vạn trạng của các hoạt động tâm linh khiến nhiều người không thể vạch ranh giới rõ ràng giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan, cũng như không phân định được đâu là niềm tin chính đáng và niềm tin mù quáng.

Trong một cuộc trò chuyện với TG&VN, PGS.TS. Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã nhấn mạnh đến những hoạt động tâm linh phát triển quá đà như nhà chùa làm lễ dâng sao giải hạn, nhà sư làm đồng cốt... đang làm xấu đi nét đẹp vốn có của văn hóa tín ngưỡng. Thậm chí, ông còn đưa ra khái niệm “tham nhũng tinh thần tâm linh” với các hình thức đến cửa thần thánh để chạy tội, chạy quyền chức, vật chất hóa nơi thờ tự bằng cách đua nhau làm lễ to... Bởi vậy, nhiều cá nhân đã dễ dàng lợi dụng tôn giáo và tín ngưỡng để trục lợi từ niềm tin của người dân.

Thời gian gần đây, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, một số hoạt động tín ngưỡng được tổ chức tại các cơ sở thờ tự Phật giáo như đốt vàng mã, hầu đồng... đã tạo nên dư luận xã hội nhiều chiều, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Phật giáo Việt Nam. Để chấn chỉnh một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở thờ tự Phật giáo, mới đây Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã ký công văn số 121/TGCP-PG ngày 18/2/2019 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhận thấy rõ nội dung công văn này đã nêu việc quản lý hoạt động tại cơ sở thờ tự Phật giáo đang phụ thuộc nhiều vào thái độ, ý thức chấp hành pháp luật và giáo luật của vị sư trụ trì dẫn đến các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở thờ tự Phật giáo có nhiều biến tướng, không phù hợp với truyền thống Phật giáo, làm suy giảm niềm tin trong tăng ni, tín đồ Phật tử và quần chúng nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam, lâu dài có thể gây mất ổn định xã hội, tác động đến phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Câu chuyện chùa Ba Vàng xôn xao những ngày qua cũng một lần nữa đặt ra những câu hỏi về ranh giới giữa đức tin, tập quán dân gian và mê tín dị đoan. Tiến sĩ Tôn giáo học Dương Ngọc Dũng không quá khi cho rằng đây là một vấn nạn xã hội cần giải pháp tổng thể và chung tay giải quyết mới có thể sửa từ gốc. Có lẽ, không chỉ là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý, vấn nạn này cần lắm sự phối hợp đồng bộ, rộng khắp giữa các nhà xã hội học, nhân học, tâm lý học, cũng như những trung tâm thông tin liên ngành để cung cấp tri thức và tư vấn sáng tỏ hơn cho người dân.


Xuân Khôi

Theo TC&VN

undefined