Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên môn địa lý trung học Phổ thông ở tỉnh Tuyên Quang bằng hình thức đào tạo trực tuyến

12:00 | 27/07/2018

Giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cho quá trình đổi mới căn bản và toàn diện theo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, việc bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) giáo viên phổ thông nói chung và BDTX giáo viên môn địa lí của tỉnh Tuyên Quang nói riêng cũng cần có những giải pháp kịp thời để đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đề ra, phục vụ tốt cho giai đoạn mới.

Hình thức BDTX tập trung định kì như đã thực hiện có nhiều bất cập, đó là nội dung bồi dưỡng hạn chế, không linh hoạt, thiếu cập nhật, tốn nhiều chi phí vào phòng học, trang thiết bị dạy học, chi phí cho giáo viên, chuyên gia cùng việc đi lại, ăn ở tập trung gây tốn kém, mất thời gian, người học thiếu tính chủ động trong cách học và bị động về thời gian,...

Do đó, việc sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến (ĐTTT) trong BDTX là một trong những giải pháp có nhiều ưu điểm và tính khả thi cao.

Mục đích của bồi dưỡng thường xuyên giáo viên

Giáo viên học tập BDTX để cập nhật kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực dạy học, năng lực giáo dục và những năng lực khác theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, yêu cầu nhiệm vụ năm học, cấp học, yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên; năng lực tự đánh giá hiệu quả BDTX; năng lực tổ chức, quản lý hoạt động tự học, tự bồi dưỡng giáo viên của nhà trường, của phòng giáo dục và đào tạo và của sở giáo dục và đào tạo.

Hình thức bồi dưỡng thường xuyên

BDTX bằng tự học của giáo viên kết hợp với các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ bộ môn của nhà trường, liên trường hoặc cụm trường.

BDTX tập trung nhằm hướng dẫn tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung BDTX khó đối với giáo viên; đáp ứng nhu cầu của giáo viên trong học tập BDTX; tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội được trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ và luyện tập kĩ năng.

BDTX theo hình thức học tập từ xa (qua mạng Internet).

Khái quát về đào tạo trực tuyến(ĐTTT)

- ĐTTT là một loại hình đào tạo hướng tới thực hiện tốt mục tiêu dạy - học, trong đó có sự tương tác trực tiếp giữa người dạy với người học cũng như cộng đồng học tập một cách thuận lợi thông qua công nghệ thông tin và truyền thông.

- Các thành phần của ĐTTT:

+ Hệ thống xây dựng nội dung bài giảng là sản phẩm dùng để hỗ trợ giáo viên xây dựng nội dung bài giảng trực tuyến.

+ Hệ thống quản lý học tập trực tuyến là hệ thống dùng để tạo, lưu trữ, tổng hợp, và phân phối nội dung ĐTTT dưới dạng các đối tượng học tập.

Những ưu điểm của bồi dưỡng thường xuyên giáo viên bằng phương thức đào tạo trực tuyến

- Tính linh hoạt: người học có thể học mọi lúc, mọi nơi.

- Tính thích ứng cá nhân: người học chủ động trong bố trí lịch học, không hạn chế thời điểm và thời lượng tham gia học tập.

- Tài liệu học tập phong phú, luôn được cập nhật những kiến thức mới.

- Tăng cường kỹ năng chủ động, độc lập, sáng tạo, thái độ học tập nghiêm túc và phát triển tư duy phê phán ở người học.

- Tăng khả năng ghi nhớ thông qua nhiều kênh thông tin như: văn bản, hình ảnh, biểu đồ, audio, video, hoạt hình, mô phỏng... tích hợp công nghệ truyền thông đa phương tiện - đặc biệt phát huy tác dụng trong bồi dưỡng kiến thức.

- Quản lý chặt chẽ việc học tập: Thông qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến theo dõi quá trình học tập và kết quả công khai của người học, xác định được những nội dung người học cần được đào tạo lại hoặc đào tạo thêm, phân chia người học theo từng nhóm với cùng khả năng, trình độ, sở thích để có phương thức đào tạo thích hợp.

- Người học được tiếp xúc với nhiều chuyên gia, giảng viên trong nước và nước ngoài. Được trao đổi với các đồng nghiệp trên nhiều vùng trong cả nước mà không phải chi phí cho đi lại, không hạn chế về thời gian, thời điểm tiếp xúc.

- Cơ sở đào tạo không phải đầu tư vào cơ sở vật chất như phòng học, trang thiết bị dạy học và các vấn đề liên quan khác mà vẫn không hạn chế số người tham gia học.

- Học viên không phải chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt, mua tài liệu,...

 

Giải pháp kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và bồi dưỡng thường xuyên tập trung

Mục tiêu BDTX không chỉ là kiến thức khoa học thuần túy mà còn bồi dưỡng kĩ năng sư phạm, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực dạy học, năng lực giáo dục và những năng lực khác theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

ĐTTT tuy có nhiều ưu điểm nổi trội nhưng vẫn không hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu mà BDTX giáo viên đặt ra. Do đó, lựa chọn mô hình kết hợp giữa ĐTTT với BDTX tập trung trở thành một giải pháp tốt và tạo thành một mô hình học tập mới gọi là dạy học phối kết hợp (blended learning).

Có một số mức độ phối kết hợp như sau:

- Mức độ một - ĐTTT song song với BDTX tập trung nhằm làm giảm khối lượng, thời gian trên lớp.

- Mức độ hai - ĐTTT một phần của chương trình bồi dưỡng.

- Mức độ ba - ĐTTT toàn bộ chương trình.

Trong điều kiện hiện tại, áp dụng mô hình ở mức độ hai - ĐTTT một phần của chương trình bồi dưỡng là phù hợp nhất. Trong đó, phần ĐTTT là chủ yếu. Trên cơ sở kết quả của việc ứng dụng mức độ hai, có thể tiến tới áp dụng mức độ ba là tiến hành BDTX hoàn toàn trên Internet.

Kết luận

Trong thời kì phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, việc ứng dụng hệ thống Internet vào BDTX giáo viên phổ thông là một việc làm hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích. Giáo viên có thể chủ động trong việc học và cập nhật kiến thức mới trên Internet, đồng thời có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, học hỏi với nhiều chuyên gia và đồng nghiệp, không bị ngăn cách bởi không gian địa lí. Điều này góp phần giảm kinh phí đối với việc tổ chức lớp đào tạo; giảm chi phí và thời gian đi lại, ăn, ở đối với người học.

Việc tổ chức BDTX cho giáo viên phổ thông thông qua ĐTTT là hoàn toàn khả thi bởi sự đáp ứng về cơ sở kĩ thuật, về phần mềm đào tạo, về chuyên gia điều hành, về chương trình bồi dưỡng. Quan trọng là có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, và  các đơn vị liên quan thì việc BDTX giáo viên bằng phương thức ĐTTT chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012) Quy chế Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên (Ban hành kèm theo Thông tư số  26/2012/TT-BGDĐT  ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), Hà Nội.

[2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2013) Hướng dẫn công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên năm học 2013-2014, Hà Nội.

[3]. Nguyễn Danh Nam (2007)  Xây dựng, triển khai đào tạo trực tuyến học phần Hình học sơ cấp cho sinh viên sư phạm ngành Toán, Luận văn thạc sĩ Giáo dục học, ĐHSP - ĐHTN.

[4]. Đỗ Vũ Sơn (2009)  Xây dựng và sử dụng giáo trình điện tử Bản đồ học trong các trường ĐH Sư phạm miền núi phía Bắc, Luận án Tiến sĩ, ĐHSP Hà Nội.

 

ThS. Quan Thị Dưỡng - ThS. Hoàng Linh Chi

(Trường Đại học Tân Trào)

 

 

 

undefined