Chính sách

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Còn nhiều quy định “cải lùi”?

12:00 | 19/09/2019

Đa phần các chuyên gia cho rằng, một số quy định của Bộ luật Lao đông (sửa đổi) thiếu tư duy hiện đại, thậm chí lạc hậu và đi ngược lợi ích của nền kinh tế.

Tư duy thiếu hiện đại

Tại hội thảo “Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 18/9, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong số các quy định mới của dự thảo, một số quy định tiêu biểu như không thay đổi về trần làm thêm giờ, trả lương lũy tiến làm thêm giờ, cắt giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn,… nếu được áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế nói chung cũng như lợi ích của người lao động và doanh nghiệp nói riêng.
Ông Cung đánh giá, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là nguồn nhân lực dồi dào nên cần tận dụng tối đa nguồn nhân lực để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Doanh nghiệp chính là thành phần sử dụng lao động nhiều nhất nên cần khích lệ cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động; "Việc có đạo luật tốt, chính sách tốt sẽ cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội", ông nói.
Đánh giá về những sửa đổi, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, chúng thiếu tư duy hiện đại và chưa bắt kịp xu hướng thực tiễn. "Phạm vi điều chỉnh của luật còn hẹp nên không thúc đẩy được doanh nghiệp, người lao động phát triển. Thậm chí, còn cho thấy tư duy 'cùng thua' mà thua đầu tiên là năng lực cạnh tranh, tưởng rằng bảo vệ lợi ích người lao động nhưng thực tế ngược lại".
Vẫn theo ông Cung: "Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn xem xét lại nội dung sửa đổi với tư duy hiện đại hơn và phạm vi rộng hơn, tức là người lao động mọi thành phần trên cả nước chứ không chỉ một nhóm người lao động để tránh lợi ích nhóm".
Và: "Hãy khuyến khích người lao động làm việc chăm chỉ hơn, đam mê hơn, sáng tạo hơn chứ không phải là khuyến khích nghỉ nhiều hơn", ông Cung chốt lại.
Nhiều điểm là bước lùi so với Bộ luật Lao động 2012?
TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright tại TP.HCM
Đồng quan điểm, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright tại TP.HCM đánh giá, dự thảo Bộ luật Lao động cho thấy tư duy còn khá bảo thủ, lạc hậu và nhiều điểm của nó là bước lùi so với Bộ luật Lao động 2012.
TS. Tự Anh cho rằng, các nhà soạn luật đã rơi vào một cách nhìn nhận phiến diện và lạc hậu, đó là nhìn nhận mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là mối quan hệ xung đột.
Theo ông, đáng lý, nhà soạn luật phải nhìn từ góc độ tổng thể của nền kinh tế. Một bộ luật ra đời có giúp tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế không, có tạo thị trường hiệu quả không, có tạo được động lực cho người lao động không, chứ không nên đề cập nhiều tới mâu thuẫn đối kháng, có tính một mất một còn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.
“Thị trường lao động là một trong những nhân tố đầu vào cơ bản của mọi nền kinh tế nhưng với bộ luật này, ta đang can thiệp quá sâu, quá thô bạo, quá chi tiết vào quan hệ lao động. Tư duy này không có tính thị trường, thậm chí đi ngược lại chủ trương so với Luật lao động 2012”, ông đánh giá.
Theo ông, luật mới không tôn trọng quyền tự quyết của người lao động cũng như chủ sử dụng lao động. Về cơ bản, giữa người chủ và người lao động đã có thỏa thuận hợp đồng lao động, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo hợp đồng này được thực hiện đúng. Còn việc can thiệp vào chính sách lương, làm thêm của người lao động là một bước đi lạc hậu, không có tính thị trường, đi ngược lại lợi ích của nền kinh tế.
TS. Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, rất nhiều quy định của luật không phù hợp với điều kiện kinh doanh và người chủ lao động có thể tìm cách lách luật. Việc lách luật sẽ tạo ra chi phí và ở bình diện toàn nền kinh tế, chi phí đó là sự lãng phí.
Do đó, theo ông cần tạo ra sự linh hoạt để người sử dụng lao động có thể sử dụng lao động theo mục đích, miễn là người lao động đồng ý.
"Còn nếu bộ luật ra đời với tư duy lạc hậu thì chỉ vài năm thi hành lại sẽ phải sửa đổi", ông nói.
TS. Nguyễn Thị Hồng, Trường Đại học Lao động - Xã hội cho rằng, cần làm rõ Bộ luật Lao động sửa đổi có đảm bảo được việc làm công bằng và bình đẳng của người lao động hay không? Hiện, nguồn nhân lực lao động có tới 5 nhóm, khác nhau, mỗi nhóm có phạm vi điều chỉnh khác nhau tuy nhiên phạm vi điều chỉnh của luật mới còn khá hẹp.
Theo bà Hồng, bộ luật sửa đổi khi được thực thi sẽ tác động đến cả xã hội và kinh tế.
Về mặt xã hội nó tác động đến người lao động. Về kinh tế, các hạt nhân của nền kinh tế là các doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt doanh nghiệp dệt may, da giày, xuất khẩu sử dụng rất nhiều lao động, nếu đưa ra những rào cản quá lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp thì từ đó sẽ ảnh hưởng chung đến cả nền kinh tế. Cho nên, việc giảm giờ làm cần phải tính toán khu vực nào nên giảm, khu vực nào không thể giảm.
Trong khi nhiều nước trên thế giới quy định giờ làm theo tuần thì Việt Nam từ trước đến nay lại quy định giờ làm theo ngày, theo tháng, theo năm. Nên chăng, Việt Nam cũng nên nghiên cứu giới hạn làm việc theo tuần, theo năm, bà Hồng đề xuất.
Ngoài ra, theo bà Hồng việc đưa quy định tăng giờ làm thêm, tăng cường năng lực lao động của người lao động, lương lũy tiến vào luật sẽ thành "phích cứng" là không nên. "Chỉ nên đưa ra là khuyến nghị để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận", bà nói.
Hoàng Hà
Theo Bizlive

undefined