Chính sách

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

“Đối xử bình đẳng, bỏ cơ chế xin-cho để kinh tế tư nhân phát triển”

12:00 | 15/03/2019

"Muốn phát triển kinh tế tư nhân thì cần áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng về tư cách, khác biệt về chức năng và bỏ cơ chế xin-cho", ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết.

“Đối xử bình đẳng, bỏ cơ chế xin-cho để kinh tế tư nhân phát triển”

Ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

Tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tổ chức sáng ngày 15/3, các diễn giả đã phân tích về các nguyên nhân, thách thức đối với khu vực kinh tế tư nhân và bàn về giải pháp nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế này.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, tăng trưởng dựa vào chiều rộng đang dần hết dư địa. Khu vực kinh tế tư nhân mặc dù được coi là một khu vực kinh tế quan trọng nhưng đóng góp thực của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.
"Nguyên nhân chính của tình hình đó là môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản. Trên thực tế, World Bank đã đánh tụt xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam xuống 1 hạng, xếp thứ 69/190 nước, khu vực kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào kinh doanh cá thể (31% GDP), trong khi doanh nghiệp tư nhân chủ đóng góp rất hạn chế chỉ 8% GDP", ông Tuấn cho biết.
Toàn cảnh Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019
Thay đổi nhận thức về kinh tế tư nhân
Ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: "Kinh tế tư nhân là lực lượng cứu Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng ở đầu thập niên 80 của thế kỷ trước nhưng sau đó khu vực kinh tế tư nhân chưa được tập trung phát triển".
"Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt đúng nghĩa. Cùng lắm, chúng ta mới quan tâm đến việc thành lập nhiều doanh nghiệp chứ chưa có cách tiếp cận phát triển 'lực lượng doanh nghiệp Việt'”, ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chậm phát triển là do nhận thức về kinh tế tư nhân chậm thay đổi, nặng tính thiên kiến, chủ quan; không định hướng phát triển các thị trường và các lực lượng thị trường đúng nghĩa.
Ngoài ra, định hướng chiến lược phát triển các lực lượng thị trường sai lệch nghiêm trọng, phủ nhận nguyên lý cạnh tranh thông qua việc áp dụng các chính sách “phi thị trường”,  “xin – cho”, bình quân, hay việc áp dụng quá lâu hệ thống khuyến khích ngược trong khi vẫn muốn phát triển kinh tế thị trường cũng là một trong những rào cản khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển.
Bên cạnh đó, việc kéo dài ưu đãi “phi thị trường” quá lâu đối với khu vực FDI gây méo mó hệ thống ngày càng nghiêm trọng, nguyên lý xuyên suốt chiến lược thu hút FDI là lấy “ưu đãi” thay “thể chế tốt” cũng làm ảnh hưởng đến mô hình kinh tế.
"Chính tư duy chia đều, dàn hàng ngang lấn át cách tiếp cận theo chức năng: Cơ chế đầu tàu giống toa tàu và chiến lược “quả mít” thay nguyên lý “cực tăng trưởng” cũng là một trong những lý do khiến kinh tế tư nhân chậm phát triển", ông Thiên cho hay.
Nhằm phát triển kinh tế tư nhân, ông Thiên đề xuất, phải coi việc phát triển các thị trường theo đúng nghĩa, coi phát triển kinh tế tư nhân là một nhiệm vụ ưu tiên chiến lược trong 5-7 năm tới. Ngoài ra, cấu trúc sở hữu cũng phải thay đổi, nghiêng về kinh tế tư nhân. Đây phải là lực lượng, động lực phát triển cơ bản của nền kinh tế thị trường và phải được áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng về tư cách, khác biệt về chức năng cơ cấu.

HẠ AN

Theo Bizlive

undefined