Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

“Sự độc lập của Fed đang bị đe dọa”

12:00 | 29/09/2020

Đây là nhận định trong một bài viết trên MarketWatch, liên quan đến thâm hụt ngân sách của Mỹ, mà như vậy có lợi cho đồng Nhân dân tệ.

Gần đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố Fed sẽ cho phép tốc độ lạm phát vượt mức 2% để bù đắp cho những giai đoạn mà không đạt mức mục tiêu này trong phần lớn thời gian hai thập kỷ qua.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Fed và Bộ Tài chính Mỹ bơm tiền kỷ lục để đưa nền kinh tế hồi sức sau cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra. Lãi suất siêu thấp và một lượng tiền lớn được tung ra đồng nghĩa với sức ép lạm phát có thể sẽ đến lúc gia tăng.
Việc chấp nhận để lạm phát vượt 2% có nghĩa là Fed đã đặt vấn đề tăng trưởng kinh tế lên trên chống lạm phát, ít nhất ở thời điểm này.
Tuy nhiên, trong một bài viết đăng trên trang MarketWatch, chuyên gia kinh tế  Peter Morici, giáo sư danh dự Đại học Maryland, cho rằng vai trò của Fed trong việc cấp vốn bù đắp cho thâm hụt kỷ lục của ngân sách liên bang Mỹ, cũng như sự toàn cầu hóa của thị trường trái phiếu Mỹ, đang khiến Fed mất dần sức mạnh trong việc hoạch định chính sách.
Bài viết đó đã nhìn lại vị thế của Fed kể từ thập niên 1940 đến nay.
FED DẦN MẤT ĐI SỨC MẠNH
Trong suốt thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai, Fed giữ lãi suất thấp kỷ lục để giúp Bộ Tài chính bù đắp thâm hụt ngân sách khổng lồ của Chính phủ liên bang. Sau đó, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục gây sức ép buộc Fed phải tạo điều kiện cho nhu cầu ngân sách, và một hệ quả là lạm phát của Mỹ lên mức khoảng 8% vào năm 1950.
Hiệp ước 1951 giữa Bộ Tài chính và Fed đã giải phóng ngân hàng trung ương này khỏi ảnh hưởng của Bộ Tài chính, theo đó thực thi chính sách tiền tệ độc lập.
Cho tới khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Fed chủ yếu thực thi chính sách thông qua việc mua và bán những trái phiếu chính phủ với kỳ hạn rất ngắn nhằm mục tiêu cân đối lãi suất quỹ liên bang (federal funds rate, FFR) - lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho các khoản vay qua đêm lẫn nhau.
Khi đó, biến động lãi suất quỹ liên bang có khuynh hướng gây biến động đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng như trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất các khoản vay thế chấp nhà, và các khoản vay tiêu dùng khác.
Lãi suất mà người tiêu dùng Mỹ trả cho các khoản vay mua xe, mua nhà và thẻ tín dụng, cùng với lãi suất vay vốn của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của thị trường về tăng trưởng kinh tế và lạm phát, nhưng Fed hoàn toàn có thể điều chỉnh những lãi suất trung hạn và dài hạn này theo hướng tăng hoặc giảm bằng cách điều chỉnh lãi suất quỹ liên bang.
Vào thập niên 1970, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) gia tăng mạnh ảnh hưởng, nhưng Fed dường như trở nên lo ngại hơn về vấn đề thất nghiệp hơn là chuyện ổn định giá cả. Lạm phát ở Mỹ trong thời gian đó giằng co, nhưng dần tiến tới ngưỡng hai con số.
Tiếp đó, Paul Volcker trở thành Chủ tịch Fed vào năm 1979 và phá vỡ chu kỳ trên bằng cách đẩy lãi suất và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Đợt suy thoái kinh tế xảy ra khi đó đã giúp Ronald Reagan đánh bại đối thủ Jimmy Carter trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, cho tới khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, lãi suất quỹ liên bang - cùng với những tuyên bố có sự tính toán thận trọng của Chủ tịch Volcker  - vẫn là công cụ chính sách chủ yếu của Fed.
Trong những thập kỷ tiếp sau đó, với tỷ giá được quản lý tốt và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đồng USD trở thành đồng tiền chủ đạo trong thương mại và đầu tư toàn cầu, ngay cả trong những hoạt động không có việc mua hay bán của Mỹ. Các tài sản USD trở thành “hầm trú ẩn” cho đầu tư danh mục khắp thế giới. Lượng nắm giữ dài hạn các loại chứng khoán Mỹ - bao gồm trái phiếu kho bạc, trái phiếu địa ốc, trái phiếu doanh nghiệp, và cổ phiếu - trong tay các chính phủ và nhà đầu tư khu vực tư nhân trên toàn cầu hiện đã đạt các mức tương ứng 6 nghìn tỷ USD và 15 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, ảnh hưởng giờ đây của Fed lên lãi suất dài hạn thông qua việc nâng lãi suất quỹ liên bang đã giảm đi nhiều so với trước kia, theo đó làm suy giảm độ hiệu nghiệm của công cụ chính sách tiền tệ quan trọng nhất mà Fed có trong tay.
Khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke nâng lãi suất quỹ liên bang trong thời gian 2004-2006, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài gần như không nhúc nhích. Khi Fed nâng lãi suất ngắn hạn 3 lần trong thơi gian 2015-2017, lãi suất dài hạn cũng “trơ” một cách tương tự.
NHÂN DÂN TỆ ĐANG ĐỢI Ở CÁNH GÀ…
Để đưa nước Mỹ thoát khỏi suy thoái kinh tế hậu khủng hoảng tài chính, Tổng thống Barack Obama và Quốc hội đã đẩy thâm hụt ngân sách liên bang lên mức kỷ lục ở thời điểm đó: 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2009 và 5,1 nghìn tỷ USD trong vòng 4 năm. Fed in USD và mua vào lượng trái phiếu có tổng trị giá 3,6 nghìn tỷ USD, đồng nghĩa với việc cấp vốn (monetize -  tiền hóa) 70% lượng thâm hụt đó.
Các nỗ lực vực dậy kinh tế Mỹ trong đại dịch Covid-19 đã đẩy thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ trong tài khóa 2020 lên 3,3 nghìn tỷ USD, và bảng cân đối kế  toán của Fed hiện đã tăng khoảng 3 nghìn tỷ USD so với trước đại dịch - tương đương với 90% con số thâm hụt ngân sách tăng thêm.
Fed đã phải triển khai các biện pháp mạnh như mua trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu do các chính quyền địa phương phát hành, cho vay trực tiếp đến khu vực tư nhân, và Fed hiện đang nắm khoảng 30% số trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc ở Mỹ. Một lần nữa Fed lại tiền hóa thâm hụt ngân sách liên bang bằng cách mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu địa ốc, đồng thời phát tín hiệu rằng việc mua những tài sản này sẽ còn tiếp tục.
Kể từ tháng 3, những nỗ lực trên của Fed đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống dưới mức 1%, nhưng kỳ vọng lạm phát đang tăng lên, và giới đầu tư quốc tế đã bắt đầu gom mua trái phiếu phát hành bằng đồng Nhân dân tệ - loại trái phiếu hiện đang được xem là an toàn - để hưởng mức lợi suất cao hơn.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng ồ ạt mua vàng, dẫn tới đợt tăng giá mạnh gần đây của kim loại quý này.
Nếu Fed không hành động, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, lãi suất các khoản vay mua nhà và mua xe của người Mỹ có thể đã tăng lên, kìm hãm những tín hiệu phục hồi gần đây của kinh tế Mỹ, bởi khả năng của nhà đầu tư quốc tế trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn khổng lồ của Chính phủ Mỹ là có giới hạn.
Bài học rút ra từ tất cả những phân tích ở trên là Fed sẽ gặp khó trong việc tăng lãi suất một khi phải ưu tiên vấn đề chống lạm phát. Fed phải cấp vốn bù đắp cho thâm hụt “khủng” của ngân sách liên bang - nhân tố gây suy giảm niềm tin vào đồng USD - trong khi đồng Nhân dân tệ đang nổi lên thành một đối thủ thực sự đối với đồng bạc xanh.
Sự độc lập trong chính sách tiền tệ của Fed đang suy giảm, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ đang đe dọa địa vị của bạc xanh với tư cách đồng tiền toàn cầu. Và Nhân dân tệ thì đang đợi ở cánh gà, bài viết kết luận.

 


MAI LYNH

Theo Bizlive

undefined