Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

WB khuyến cáo Việt Nam cần tập trung trước tiên vào tăng năng suất lao động

12:00 | 28/05/2020

Khi đổi mới mô hình phát triển, Việt Nam cần đặt mục tiêu tăng năng suất lên hàng đầu và ở vị trí trung tâm, WB nhấn mạnh.

WB khuyến cáo Việt Nam cần tập trung trước tiên vào tăng năng suất lao động
Ảnh: Reuters
Hôm nay Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo “Việt Nam Năng động: Tạo Nền tảng cho Nền Kinh tế Thu nhập Cao” đưa ra những phân tích và khuyến nghị chính sách làm thế nào Việt Nam có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thập niên tới.
Theo đó, mô hình phát triển dựa vào năng suất – kết hợp đổi mới, sáng tạo với phát triển cân bằng và phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và nhà nước, vốn nhân lực và vốn tự nhiên – sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Chiến lược phát triển của Việt Nam cần nhanh chóng được đổi mới. Những năm trước đây, tăng trưởng đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Nhưng khi môi trường thuận lợi trong nước và quốc tế đã thay đổi, tăng trưởng trong tương lai phải dựa trên năng suất lao động - các doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, lao động và tài nguyên thiên nhiên cần được sử dụng hiệu quả để cho sản lượng cao hơn và chất lượng tốt hơn.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một câu chuyện thành công về phát triển. Trong hai thập kỷ qua, thu nhập bình quân của hộ gia đình tăng gấp bốn lần và tỷ lệ nghèo đói cùng cực đã giảm từ 50% xuống còn khoảng 2%.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc để tăng tuổi thọ và tỷ lệ trẻ đến trường. Những thành tựu phát triển này là kết quả của các chính sách kinh tế và xã hội hiệu quả, bắt đầu từ công cuộc Đổi mới năm 1986. Nhưng các kết quả tích cực này cũng được hỗ trợ một phần bởi các xu hướng thuận lợi trong nước và trên thế giới.
Công nghệ mới trong ngành nông nghiệp đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu, dẫn đến 30% lực lượng lao động dịch chuyển từ khu vực nông thôn sang những công việc có năng suất cao hơn. Dân số trẻ đã làm gia tăng lực lượng lao động. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ của thương mại toàn cầu.
Đầu tiên là trong xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh nhờ vào nguồn tài nguyên tương đối dồi dào với đất đai màu mỡ và nhiều nguồn nước, tiếp theo là các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, và gần đây nhất là điện tử.
Các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người lao động của Việt Nam đã nhìn ra cơ hội và tận dụng được lợi thế.
Giờ đây, những điều kiện thuận lợi này có thể biến thành trở ngại. Lợi thế dân số sẽ giảm dần khi tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi như ở các nước Đông Á khác.
Tự động hóa và các công nghệ đột phá khác có thể bù đắp nguồn cung lao động giảm xuống nhưng cũng có thể loại bỏ chính những việc làm hiện nay của phần lớn lực lượng lao động của Việt Nam. Đồng thời, tình hình ô nhiễm gia tăng cùng với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, và cả sản lượng sản xuất tại khu vực nông thôn và thành thị với mức độ ngày càng lớn.
Bối cảnh quốc tế cũng đang thay đổi. Thương mại toàn cầu đã giảm trong 10 năm qua. Hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tuy vẫn tăng trưởng tích cực hơn hầu hết các nước khác, nhưng gia tăng căng thẳng thương mại và những xu hướng như bảo hộ kinh tế có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể gây ra một cơn địa chấn. Mặc dù hiện nay vẫn chỉ là những ngày đầu của cuộc khủng hoảng COVID 19, nhưng như chúng ta biết, một cuộc khủng hoảng toàn cầu thôi có thể thay đổi vĩnh viễn hệ thống quốc tế và cán cân quyền lực.
Rất khó dự đoán những tác động trong ngắn, trung và dài hạn đối với Việt Nam. Đại dịch do virus corona chủng mới gây ra đã thay đổi cách sống của người dân ở Việt Nam và ở hầu hết các quốc gia trên thế giới do mối lo ngại về sức khỏe và những biện pháp hạn chế về di chuyển đang gia tăng.
Dù mức độ khủng hoảng về y tế ở Việt Nam không nghiêm trọng, mới chỉ có 250 người nhiễm bệnh và không có ca tử vong nào (tính đến đầu tháng 4 năm 2020), những thiệt hại về kinh tế và xã hội đã rất lớn và dự kiến sẽ tăng lên tùy theo mức độ và thời gian đại dịch diễn ra ở trong nước và trên thế giới.
Tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo sẽ giảm 3-5% trong năm 2020 so với dự báo trước khủng hoảng, với áp lực ngày càng tăng lên ngân sách nhà nước và cán cân thanh toán do nguồn thu thuế, kim ngạch xuất khẩu và dòng vốn vào đều giảm. Tuy nhiên, nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn trong hai quý còn lại.
Báo cáo tóm tắt XIII của năm 2020 và trong năm 2021 khi Việt Nam và các nước khác trên thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID 19.
Đại dịch do virus corona chủng mới gây ra có thể sẽ là một nhân tố thúc đẩy một số xu thế lớn được phân tích trong báo cáo này. Ví dụ, đại dịch có thể làm suy yếu thêm những nguyên lý cơ bản của toàn cầu hóa kinh tế.
Trong những năm gần đây, sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc đã thúc đẩy quyết tâm trong hai đảng ở Hoa Kỳ muốn ngăn cản Trung Quốc tiếp cận đến công nghệ cao và sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.
Áp lực chính trị và từ công chúng ngày càng tăng về việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải carbon đã đặt ra câu hỏi về sự phụ thuộc của nhiều doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng từ xa. Giờ đây, COVID-19 đang buộc các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội tăng cường năng lực ứng phó của mình trong thời gian cách ly kinh tế kéo dài.
Doanh nghiệp phải cân nhắc và thu hẹp chuỗi cung ứng đa cấp và đa quốc gia đang thống trị sản xuất ngày nay. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đe doạ, về mặt kinh tế, do chi phí lao động Trung Quốc tăng, chiến tranh thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng, và những tiến bộ về robot, tự động hóa và in 3D, cũng như về mặt chính trị, do mất việc làm thực sự và trong nhận thức, đặc biệt là tại những nền kinh tế phát triển.
Một ví dụ khác là đại dịch cũng khuyến khích tận dụng tốt nhất thời đại kỹ thuật số bằng cách liên kết mọi người và doanh nghiệp qua mạng, chứ không cần gặp trực tiếp. Đối với Việt Nam, những tác động này có thể chuyển thành động cơ cải cách về tài chính bao trùm thông qua phát triển thanh toán điện tử, giáo dục bằng các công cụ học tập điện tử và cách chính phủ hoạt động bằng cách đẩy mạnh chính phủ điện tử.
Do đó, Việt Nam cần đổi mới mô hình phát triển nếu muốn đáp ứng khát vọng của người dân và Chính phủ. Quá trình chuyển từ tình trạng thu nhập thấp sang thu nhập trung bình diễn ra khá nhanh. Để Việt Nam vươn tới mục tiêu là nước có thu nhập cao vào năm 2045 và đi theo con đường của các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc sẽ có nhiều khó khăn hơn.
Lịch sử kinh tế đã cho thấy quá trình tích lũy nhân tố và gắn với đó là chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp có thể đưa một quốc gia lên thu nhập trung bình. Nhưng đến một lúc nào đó, nếu chỉ đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường hơn hoặc tăng số lượng công nhân sẽ không còn thể giúp tăng mức thu nhập trung bình.
Đầu tư thuần túy trở nên ít quan trọng hơn. Điều đáng quan tâm hơn nhiều là sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất. Giờ đây cần tập trung vào chất lượng thay vì tăng trưởng kinh tế nhờ quy mô.
Khi đổi mới mô hình phát triển, Việt Nam cần đặt mục tiêu tăng năng suất lên hàng đầu và ở vị trí trung tâm: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài, nó gần như là mọi thứ”, theo quan điểm giáo sư Paul Krugman, người đã được trao giải Nobel.
Xem xét mô hình phát triển từ góc nhìn của một quan điểm quản lý tài sản sẽ có ích trong trường hợp này. Sự giàu có của một quốc gia phụ thuộc vào cách quản lý danh mục tài sản của đất nước, đó là vốn sản xuất được đưa vào doanh nghiệp (vốn sản xuất) và cơ sở hạ tầng (vốn vật chất); vốn nhân lực được tạo ra từ giáo dục, kỹ năng, chăm sóc y tế và cơ hội; và vốn tự nhiên bao gồm đất, nước, rừng và các dịch vụ sinh thái mà sự sống phụ thuộc vào.
Các quốc gia mà có thể gia tăng số lượng và liên tục nâng cao chất lượng các nguồn vốn của mình sẽ gặt hái được sự tăng trưởng dài hạn, và sự tăng trưởng này sẽ được chia sẻ rộng rãi và bền vững qua nhiều thế hệ.

TRUNG MẾN

Theo Bizlive

undefined