Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Vì sao nợ xấu đã… bớt xấu?

12:00 | 30/01/2019

Cuối năm 2018 nhiều ngân hàng công bố lãi lớn, tỷ lệ nợ xấu được cải thiện rất tốt. Thực hư ra sao?

Nợ xấu nội bảng giảm thần tốc



Nguồn: Dân Việt

Theo công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 12-2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) là 1,89%, giảm so với mức 1,99% cuối năm 2017 và mức 2,46% cuối năm 2016. 1,89% cũng là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2012 đến nay - thời điểm nợ xấu ngân hàng bắt đầu được nhận diện một cách đầy đủ và sát thực hơn.

Tỷ lệ nợ xấu này thấp hơn nhiều so với con số ước tính 2,4% của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 được phát hành giữa tháng 12-2018.

Thống kê nợ xấu nội bảng của NHNN cũng trái ngược với nỗi lo nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trở lại sau khi báo cáo tài chính quí 3-2018 của các ngân hàng được công bố. Đến cuối tháng 9-2018, tỷ lệ nợ xấu của 17 ngân hàng niêm yết tăng lên mức 1,77% từ mức 1,67% cuối năm 2017. 13/17 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu tăng. Về số liệu tuyệt đối, tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng này cuối tháng 9-2018 là 77.230 tỉ đồng, tăng 18,5% so với cuối năm 2017.

Vậy là đã có biến chuyển rất lớn trong công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng ở quí cuối cùng của năm 2018, thậm chí là trong những ngày cuối cùng của năm. Tuy nhiên, có thể một phần biến chuyển này đến từ việc các ngân hàng tiếp tục bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Theo thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019 của VAMC ngày 14-1-2019, trong năm 2018, VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường 2.819 tỉ đồng giá mua nợ, mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt 29.812 tỉ đồng giá mua nợ. Trong khi đó, vào cuối quí 2-2018, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho hay đến giữa năm 2018, VAMC chưa mua thêm bất kỳ khoản nợ xấu nào thông qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt cho các TCTD.

Khảo sát 28 ngân hàng có công bố số liệu trái phiếu VAMC đến cuối tháng 6-2018 (hầu hết các ngân hàng không công bố chi tiết số liệu trái phiếu VAMC trong báo cáo tài chính quí 3-2018), tổng mệnh giá trái phiếu VAMC đã giảm 29.291 tỉ đồng so với đầu năm, đồng thời không có ngân hàng nào có mệnh giá trái phiếu VAMC tăng. Trong đó có những ngân hàng rất mạnh tay xử lý nợ xấu đã bán cho VAMC như Agribank (mệnh giá trái phiếu VAMC giảm 15.785 tỉ đồng, chi phí dự phòng còn phải trích lập giảm 9.403 tỉ đồng), NamABank (mệnh giá trái phiếu VAMC giảm 1.720 tỉ đồng, chi phí dự phòng còn phải trích lập giảm 2.015 tỉ đồng), Sacombank (mệnh giá trái phiếu VAMC giảm 978 tỉ đồng, chi phí dự phòng còn phải trích lập giảm 1.186 tỉ đồng).

Tổng chi phí dự phòng trái phiếu VAMC mà 28 ngân hàng này còn phải trích lập (bằng mệnh giá trái phiếu VAMC trừ dự phòng trái phiếu VAMC đã trích) đến cuối tháng 6-2018 là 112.359 tỉ đồng, giảm 23.350 tỉ đồng so với đầu năm 2018.

Trong năm 2018, VietinBank và VIB cũng đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC, nâng số ngân hàng “sạch” nợ tại VAMC lên sáu ngân hàng (các ngân hàng đã hoàn tất tất toán trái phiếu VAMC trước đó là Vietcombank, Techcombank, MB và ACB).

Như vậy, bên cạnh việc xử lý nợ xấu thực chất, trong quí 4-2018, một số ngân hàng đã tiếp tục bán nợ cho VAMC và nhận về trái phiếu đặc biệt - một cách làm đẹp sổ sách và kéo giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, một số ngân hàng khác lại chấp nhận gia tăng nợ xấu nội bảng do mua lại nợ từ VAMC. Đối với các ngân hàng này, nợ xấu nội bảng tăng lại phát đi tín hiệu tích cực vì là minh chứng cho tình hình tài chính đủ mạnh để xử lý toàn bộ tồn đọng của quá khứ, đồng thời, các khoản nợ xấu này đều không còn áp lực trích lập dự phòng, mỗi đồng nợ xấu thu được đều trở thành lợi nhuận bất thường trong tương lai.

Xử lý nợ xấu đòi hỏi gắn với tái cơ cấu

Năm 2019, ngành ngân hàng phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) xuống dưới 5%.

Thực tế, tình hình tài chính của hầu hết ngân hàng Việt đã cải thiện rất tích cực trong những năm gần đây. Sau những bài học về giai đoạn tăng trưởng nóng và rơi vào khó khăn cách đây khoảng 10 năm, hầu hết ngân hàng đều đang xây dựng nền tảng thu nhập bền vững hơn với đóng góp từ mảng tín dụng ngày càng giảm. Chất lượng tín dụng cũng đi vào thực chất với các quy định khắt khe hơn trong phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và đặc biệt là hiệu quả công tác thanh, kiểm tra được chú trọng. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu tăng lên trong vài năm qua nhưng hầu hết đều liên quan đến việc mô hình kinh doanh chuyển dịch sang bán lẻ, cho vay tiêu dùng, tức là các ngân hàng này đã lường trước và chấp nhận tỷ lệ nợ xấu cao hơn.

Nhưng trớ trêu là trong khi các ngân hàng tốt ngày càng tốt hơn thì các ngân hàng yếu kém vẫn tiếp tục là những điểm nóng của ngành. Quá trình tái cơ cấu mà trọng điểm là xử lý nợ xấu tại các ngân hàng này vẫn chưa thể tạo ra bước đột phá. Nợ xấu (thực chất) vẫn đang tập trung tại các ngân hàng yếu kém và một số ngân hàng trong diện tái cơ cấu bắt buộc.

Có một thực tế trong kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua là đóng góp của biện pháp sử dụng dự phòng rủi ro rất lớn. Biện pháp này là hình thức ngân hàng đưa các khoản nợ xấu ra theo dõi ngoại bảng vì các khoản nợ này đã được trích lập rủi ro toàn bộ. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm nợ đã bán cho VAMC) trong năm 2018 chủ yếu là các ngân hàng sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng (chiếm 59,8%), trong khi biện pháp thu nợ từ khách hàng chỉ chiếm 33,2%, biện pháp bán phát mãi tài sản bảo đảm chỉ chiếm 3%.

Điều này có nghĩa tốc độ xử lý nợ xấu đang phụ thuộc nhất định vào tốc độ trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng chứ không hẳn chỉ là việc thu nợ hay phát mãi tài sản bảo đảm. Nhất là đối với trái phiếu VAMC, ngân hàng muốn xử lý nhanh thì phải có lợi nhuận tốt từ những hoạt động kinh doanh thông thường, nói một cách văn hoa là lấy cái tốt để bù cái xấu, còn nói thẳng ra là ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để trích lập dự phòng trước thời hạn.


Nhật Quyên

Theo Sigontimes




undefined