Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Vì sao IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 3 lần chỉ trong 6 tháng?

12:00 | 10/04/2019

IMF cảnh báo rằng rủi ro đang ngày một lớn dần, trong đó phải kể đến khả năng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc để chấm dứt chiến tranh thương mại đổ vỡ.

Vì sao IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 3 lần chỉ trong 6 tháng?

Ảnh: GettyImages

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp nhất tính từ khủng hoảng tài chính trong bối cảnh triển vọng của phần lớn các nền kinh tế phát triển suy yếu và có nhiều dấu hiệu cho thấy thuế cao hơn đang gây ra nhiều tác động tiêu cực lên thương mại.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới đây nhất, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3%, thấp hơn so với mức 3,5% theo dự báo được công bố vào tháng 1/2019.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu như vậy sẽ thấp nhất tính từ năm 2009 khi đó kinh tế suy giảm. Đây là lần thứ 3 trong 6 tháng IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại IMF, ông Gita Gopinath, nhận xét: “Hiện tại đang là thời khắc khá nhạy cảm”.
IMF dự báo khối lượng giao dịch hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm nay, thấp hơn con số 3,8% trong năm 2018, thế nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo của chính IMF được công bố vào tháng 1/2019.
Cũng theo IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục trong nửa sau năm nay, sau đó đi ngang ở mức 3,6% từ năm sau. Có nhiều dấu hiệu đã khiến giới đầu tư lạc quan về kinh tế toàn cầu trong những tuần gần đây, trong đó phải kể đến việc Fed hoãn nâng lãi suất và nhiều số liệu tích cực từ ngành sản xuất Trung Quốc cũng như thị trường việc làm Mỹ.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng rủi ro đang ngày một lớn dần, trong đó phải kể đến khả năng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc để chấm dứt chiến tranh thương mại đổ vỡ, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không suôn sẻ.
IMF tuyên bố: “Khi mà động lực tăng trưởng toàn cầu yếu đi, khả năng chính sách để ứng phó giảm đi, việc tránh sai lầm chính sách tiềm ẩn khả năng tác động xấu đến nền kinh tế cần phải được ưu tiên hàng đầu”.
Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde, cảnh báo kinh tế toàn cầu đối diện với thời khắc quan trọng khi mà Bộ trưởng Tài chính các nước cũng như người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương thế giới chuẩn bị gặp tại Mỹ trong các cuộc họp mùa xuân của IMF và World Bank.

 


TRUNG MẾN

Theo Bizlive

undefined