Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Trung Quốc tìm cách giảm phụ thuộc vào USD

12:00 | 18/11/2019

Bắc Kinh muốn kiểm soát rủi ro từ căng thẳng với Mỹ bằng cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và gây dựng khối dự trữ ngầm.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc "đang làm tăng rủi ro chia tách tài chính" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ANZ Research cho biết trong một báo cáo gần đây. Nhà Trắng được cho là từng cân nhắc một số biện pháp kìm hãm đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, như rút niêm yết nhiều cổ phiếu Trung Quốc tại thị trường này.

Bắc Kinh vì thế cũng phải kiểm soát rủi ro bằng cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối sang các tiền tệ khác và gây dựng khối dự trữ ngầm. "Dù đôla Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong dự trữ của Trung Quốc, tốc độ đa dạng hóa của nước này đang được đẩy nhanh", báo cáo cho biết. Tính đến tháng 6, 60% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn bằng đôla Mỹ.

Bắc Kinh cũng đang dần giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ - loại tài sản họ sở hữu rất nhiều. Trung Quốc từng là chủ nợ nước ngoài lớn nhì của Mỹ trước khi bị Nhật Bản vượt lên hồi tháng 6. Kể từ khi đạt đỉnh năm 2018, giá trị số trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm 88 tỷ USD, DBS cho biết.

Đồng đôla Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đồng đôla Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nước này cũng đang tăng mua vàng. Dự trữ vàng của Trung Quốc tháng 10 đã lên kỷ lục 1.956,5 tấn.

Không chỉ ở cấp độ chính phủ, các công ty Trung Quốc cũng đang phụ thuộc nhiều vào đồng bạc xanh. Paul Hsiao - chuyên gia kinh tế tại Pinebridge Investment chỉ ra các doanh nghiệp nước này đang nợ nước ngoài hơn 500 tỷ USD. "Phần lớn số này là bằng đôla Mỹ. Đây có thể là vấn đề với các công ty Trung Quốc", Hsiao cho biết. Con số này tăng cao do USD tăng giá mạnh so với nhân dân tệ khi căng thẳng Mỹ - Trung lên đỉnh điểm. Việc này khiến nhiều công ty Trung Quốc sau đó phải bán bớt tài sản.

Một cách nữa giúp Trung Quốc kiểm soát rủi ro là tích trữ các dạng tài sản khác, mà ANZ gọi là dự trữ ngầm. Vài năm gần đây, Bắc Kinh tăng cường đổ tiền vào các khoản đầu tư thay thế, phần lớn thông qua các thực thể như ngân hàng và công ty quốc doanh, hoặc các quỹ đầu tư họ đồng quản lý cùng các quốc gia khác. Các khoản đầu tư này có thể là cổ phiếu, hoặc khoản vay do ngân hàng quốc doanh Trung Quốc cấp ra, đặc biệt cho dự án Vành đai và Con đường.

Cơ quản Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) có 4 thực thể đầu tư, gồm Huaxin ở Singapore, Huaou ở London, Huamei ở New York và Hua’an ở Hong Kong. Các thực thể này được cho là hợp tác với các quỹ khác ở nước ngoài để đầu tư cổ phiếu.

SAFE đã đổ tiền vào Quỹ Phát triển Trung Quốc - châu Phi, Quỹ hợp tác Trung Quốc - Mỹ Latin và các nước vùng Caribbean. Bắc Kinh cũng bơm thêm vốn cho các ngân hàng trong khu vực. "Tổng cộng, các khoản đầu tư nước ngoài này trị giá khoảng 1.860 tỷ USD hồi tháng 6", báo cáo cho biết.

Đến tháng 7, tổng giá trị khối dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vào khoảng 3.100 tỷ USD. "SAFE đang áp dụng chiến lược cực kỳ thận trọng trong việc quản lý 3.100 tỷ USD này, đồng thời đa dạng hóa danh mục để giảm rủi ro", Siraj Ali - COO AJ Capital nhận xét.

Đôla Mỹ hiện vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới. Khoảng 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu là bằng USD, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Khoảng 40% nợ trên toàn cầu cũng được niêm yết bằng đồng đôla.

"Hệ thống tài chính thế giới vẫn đang xoay quanh đồng đôla. Còn các nền kinh tế lớn khác, như eurozone và Trung Quốc lại đang tìm cách chuyển sang một trật tự tiền tệ đa cực", Shaun Roache - nhà kinh tế học khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings cho biết, "Với Trung Quốc, việc này sẽ giúp họ giảm phụ thuộc vào diễn biến đồng đôla, và theo thời gian sẽ làm tăng vai trò của nhân dân tệ trên toàn cầu".

 


Hà Thu (theo CNBC)

undefined