Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Trung Quốc đang thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

12:00 | 22/09/2020

Theo Bloomberg, “thẻ điểm” cuối cùng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dần hiện rõ: Hầu như ở tất cả hạng mục, Bắc Kinh đều đang dẫn trước.

Trung Quốc đang thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Suốt 4 năm qua, Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm giành lại một chỗ đứng mà ông cho là công bằng cho nước Mỹ trong hoạt động thương mại với Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, cuộc chiến của ông Trump với Trung Quốc đã đạt tới đỉnh cao mới, hoặc cũng có thể là đáy sâu, khi ông ban lệnh cấm tải các ứng dụng WeChat và TikTok tại Mỹ.
Tuy vậy, theo nhận định của hãng tin Bloomberg, “thẻ điểm” cuối cùng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã dần hiện rõ ở thời điểm này: Hầu như ở tất cả hạng mục, Bắc Kinh đều đang dẫn trước, dù ông Trum có vẻ luôn mạnh mẽ và thông thái hơn trong cuộc chiến bắt đầu không lâu sau khi ông trở thành người đứng đầu Nhà Trắng.
THẶNG DƯ THƯƠNG MẠI VÀ TĂNG TRƯỞNG GDP
Cán cân thương mại được ông Trump xem là thước đo quan trọng nhất về thành công trong nỗ lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật chơi thương mại toàn cầu.
Nhưng, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng khoảng 25% kể từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, vượt ngưỡng 300 tỷ USD mỗi năm - theo dữ liệu của NatWest Markets.
Và cũng chưa có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc sẽ thực thi các mục tiêu về tăng nhập khẩu từ Mỹ như đề ra trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai bên. Cam kết của Trung Quốc trong thỏa thuận này vốn được xem như thành tựu của ông Trump trong cuộc “ăn miếng trả miếng” bằng thuế quan với Bắc Kinh.
Về tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc đang tăng mạnh mẽ trở lại - kết quả của nỗ lực chống dịch Covid-19 được đánh giá là hiệu quả hơn so với Mỹ.
Trong khi đó, tại Mỹ - quốc gia mà Covid-19 hoành hành mạnh nhất nếu xét theo số người nhiễm và số người tử vong - nền kinh tế suy giảm 9,5% trong quý 2. Mức giảm này gần với cú giảm 32,9% cả năm - mạnh nhất kể từ thập niên 1940.
TỶ GIÁ NHÂN DÂN TỆ
Và hiện tại, tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang tăng mạnh. 8 tuần tăng liên tiếp tính đến tuần vừa rồi là chuỗi tăng mạnh nhất của đồng tiền này kể từ tháng 2/2018.
Tuần trước, Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục tăng giá 1%, đạt mức 6,74 Nhân dân tệ đổi 1 USD vào hôm thứ Sáu. Đây là ngưỡng cao nhất của đồng tiền này kể từ tháng 5/2019. Tính từ tháng 5, Nhân dân tệ đã tăng giá hơn 5% so với USD.
Ngược lại, đồng USD đang rớt giá. Theo hãng tin CNBC, giới phân tích cho rằng việc Nhân dân tệ tăng giá mạnh gần đây bắt nguồn một phần từ việc đồng bạc xanh suy yếu, một phần nhờ nền kinh tế Trung Quốc đang tích cực hồi phục sau cú sốc đại dịch.
Các chuyên gia cũng tin Nhân dân tệ còn dư địa để tiếp tục tăng so với USD. Nhà nghiên cứu Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nói rằng việc Trung Quốc “nhanh chóng kiểm soát” Covid-19 đồng nghĩa với việc nước này đang là “điểm sáng” trong nền kinh tế toàn cầu và vị thế này sẽ  tiếp tục được duy trì trong năm tới.
“Một điều rất quan trọng đối với Nhân dân tệ là sự phục hồi mạnh mẽ hiện nay của kinh tế Trung Quốc xuất phát một phần từ thương mại ròng tăng mạnh”, ông Evans-Pritchard nhận định trong một báo có. “Xuất khẩu của nước này đi ngược lại xu thế suy giảm tăng trưởng của thương mại toàn cầu, nhờ nhu cầu tăng mạnh đối với khẩu trang và các mặt hàng khác có liên quan đến Covid-19”.
Trong khi đó, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc lại được kìm lại bởi giá hàng hóa cơ bản giảm xuống thấp và sự sụt giảm của hoạt động du lịch ra nước ngoài của người dân, vị chuyên gia nói thêm.
Kết quả là, theo ông Evans-Pritchard, Trung Quốc năm nay có thể “đạt thặng dư cán cân vãng lai so với GDP lớn nhất trong một thập kỷ, và là một trong những con số lớn nhất mà một quốc gia từng đạt được về thặng dư cán cân vãng lai so với GDP toàn cầu”.
Theo thời gian, yếu tố này sẽ đưa Nhân dân tệ tiếp tục tăng giá, trừ phi có sự can thiệp chính thức, ông Evans-Pritchard phát biểu. Theo lý thuyết kinh tế, thặng dư vãng lai mạnh giúp nâng đỡ tỷ giá đồng tiền của một quốc gia, bởi điều đó đồng nghĩa với việc quốc gia đó ít phụ thuộc hơn vào ngoại tệ.
“Với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc mạnh hơn của các quốc gia khác, cán cân vãng lai của Trung Quốc mạnh nhất trong một thập kỷ, và lợi suất trái phiếu Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn, Nhân dân tệ vẫn có thể tăng giá cao hơn”, vị chuyên gia kết luận.
Ông cũng nói rằng chênh lệch kỷ lục giữa trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Mỹ là “tín hiệu tăng giá mạnh nhất” đối với Nhân dân tệ.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục hạ lãi suất và phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất ở mức gần 0 trong nhiều năm nữa, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã đưa lãi suất ngắn hạn tăng trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc sẽ “cao hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu của các nước khác”, ông Evans-Pritchard nói. Mức lợi suất như vậy sẽ lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư, đưa dòng vốn chảy vào đồng Nhân dân tệ.
Trong ngắn hạn, các nhà phân tích đều lạc quan về triển vọng tỷ giá Nhân dân tệ. Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng Goldman Sachs dự báo Nhân dân tệ sẽ đạt mức 6,5 Nhân dân tệ đổi 1 USD trong 12 tháng tới.
Công ty phân tích Capital Economics dự báo PBoC sẽ cho phép Nhân dân tệ tăng giá cao hơn, song song với sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc, và dự báo đồng tiền này sẽ đạt mốc 6,6 Nhân dân tệ/USD vào cuối năm nay và 6,3 Nhân dân tệ/USD vào cuối năm 2021.
SỨC MẠNH CÔNG NGHIỆP CỦA TRUNG QUỐC
Phía sau những con số về tăng trưởng và tỷ giá, Trung Quốc còn đang có lợi thế về các xu hướng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Lợi thế này giúp Trung Quốc chiếm thị phần nhiều mặt hàng trên thị trường toàn cầu sau thời gian các nền kinh tế áp dụng phong tỏa để chống dịch.
Một thực tế đang diễn ra là Trung Quốc ngày càng cung cấp nhiều loại máy móc, thiết bị và linh kiện tinh vi vốn trước đây chỉ có các công ty của Đức mới sản xuất được, như máy khoan đường hầm, van và bơm thủy lực dùng trong turbine gió…
“Việc Trung Quốc trở thành số 1 chỉ là vấn đề thời gian”, ông Ulrich Ackermann, Giám đốc phụ trách ngoại thương thuộc Hiệp hội Công nghiệp cơ khí Đức (VDMA), phát biểu.
Bài viết của Bloomberg cũng cho rằng cuộc tấn công của ông Trump lên WeChat và TikTok có thể chỉ là một cách để phân tán sự chú ý, bởi có những cách tốt hơn để giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia mà các công ty Trung Quốc có thể đặt ra thông qua việc tiếp cận dữ liệu cá nhân ở Mỹ. Dù gì đi chăng nữa, việc tấn công vào các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ chỉ cản trở, chứ không thể phá hỏng, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt tới vị trí số 1 trong nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21.
Lấy cuộc đua trong lĩnh vực phát triển pin - một chìa khóa của giao thông, quốc phòng và các ngành công nghiệp khác trong tương lai. Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có các nhà máy sản xuất pin với công suất tối đa có thể sản xuất ra số pin với dung lượng 1,1 terawatt-giờ mỗi năm, lớn gấp gần 2 lần phần còn lại của thế giới gộp lại.
Nhà Trắng phản ứng thế  nào với việc này? Giới chuyên gia nhận xét rằng ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Mỹ hầu như chưa có bất kỳ một động thái nào.
Kết quả ròng từ những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc phân ly (decouple) hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc lại chính là khiến Trung Quốc trở nên tự cường hơn. Chiến lược tự cường nhiều khả năng sẽ được nhấn mạnh trong kế hoạch 5 năm đưa ra tại hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng tới.
Và có một nhận định đang được giới truyền thông quốc tế đặt ra, cho dù ông Joe Biden có trúng cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay, thì chính quyền mới ở Washington - cũng tương tự như chính quyền ông Trump - sẽ tiếp tục phải đương đầu với việc Trung Quốc trên đà thống lĩnh các ngành công nghiệp của thế kỷ 21.
Một chính quyền mới có thể làm gì tốt hơn trong vấn đề này?
Ông Robert Zoellick, cựu đại diện thương mại Mỹ, có một lời khuyên cho ông Biden nếu thắng cử: Chính sách đối ngoại nên bắt đầu từ trong nước. Việc tập trung vào những vấn đề trong nước như y tế công, nhập cư, và tăng trưởng kinh tế bao trùm sẽ vừa phát đi tín hiệu về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, vừa thu hút các đồng minh - ông Zoellick viết trên tạp chí Foreign Affairs.
“Từ nền tảng mới này của sự hợp tác, nước Mỹ và các đồng minh sẽ ở vào một vị thế tốt hơn để giải quyết hai thách thức lớn: tương lai của xã hội tự do và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc”, bài viết có đoạn.

MAI LYNH

Theo Bizlive

undefined