Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Trục trặc xã hội và kinh tế thị trường

12:00 | 29/01/2019

Có lẽ đã đến lúc nhìn lại cái gọi là “mặt trái của kinh tế thị trường” để nhận chân từ đâu mà có những bất ổn kinh tế - xã hội đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngược lại, cũng cần xem lại thực ra trong các nền kinh tế thị trường đích thực người ta quản lý xã hội cùng nền kinh tế như thế nào.


Thật dễ khi đổ mọi chuyện “không ra gì” trong xã hội, từ không xếp hàng đến cân gian, bán lận..., cho cái gọi là “mặt trái của kinh tế thị trường” và rồi suy tôn cách xếp hàng bằng cục gạch...

“Theo tôi, có nhiều nguyên nhân như sự xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân; tác động mặt trái của cơ chế thị trường... Ở nước ta trước đây, trong thời kỳ bao cấp, việc xếp hàng đã có và rất trật tự, văn hóa. Những người đến sớm chỉ cần đặt vật gì đó “làm tin” thì coi như người đó đến trước, được mua trước, nhận hàng trước rất văn minh dù thời đó kinh tế còn khó khăn”. (Tuổi Trẻ, 30-12-2018)

Thực ra, “mặt trái của của kinh tế thị trường” đâu có là những trò kỳ cục như thế mà là những tội ác vô cùng to lớn với nền tảng là sự toa rập, thao túng, bất công...

Kinh tế thị trường có dung túng không?

Trước hết, cần hiểu rằng không phải cứ là kinh tế thị trường thì muốn làm gì thì làm mà không bị trừng phạt. Cuối năm 2018, từ Nhật sang đến Pháp, thương trường “rung rinh” trước vụ bắt giữ lãnh đạo tập đoàn Nissan, ông Carlos Ghosn. Carlos Ghosn vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành của Nissan Motor Co, Ltd - một công ty sản xuất xe hơi toàn cầu với hơn 240.000 nhân viên và đạt doanh thu hơn 110 tỉ đô la Mỹ, vừa là CEO của Nissan Motor và Renault, đồng thời là Chủ tịch liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi. Thế lực đến thế, song tháng 11 năm ngoái, Carlos Ghosn đã bị các công tố viên Nhật Bản bắt giữ do bị tình nghi đã kê khai thu nhập của mình thấp hơn so với thực tế trong giai đoạn năm năm tài khóa.

Nếu bị kết án, ông Ghosn có thể đối diện mức án 10 năm tù giam và khoản tiền phạt lên tới 700 triệu yen (tương đương 6,2 triệu đô la), theo công tố viên Nhật Bản, Ủy ban Giám sát giao dịch chứng khoán. Từ năm 2010, các công ty Nhật đã được yêu cầu tiết lộ mức lương của những giám đốc có thu nhập cao hơn 100 triệu yen (tương đương 888.000 đô la).

Vụ vi phạm dẫn đến bắt giữ một tên tuổi lớn như vậy đã tạo ra một làn sóng chấn động trong ngành sản xuất xe hơi. Không chỉ cá nhân ông Carlos Ghosn bị trừng trị, mà cả công ty Nissan cũng bị tác động theo.

Một vụ án khác cũng trong ngành sản xuất xe hơi, lần này là chuyện sản xuất gian trá. Tháng 4-2017, một chánh án liên bang Mỹ đã phạt hãng xe hơi Đức Volkswagen số tiền 2,8 tỉ đô la Mỹ do việc đã gian lận “thành tích” khí thải của các dòng xe động cơ diesel của hãng. Đây không phải là án phạt duy nhất, tháng 10-2018 tòa án Munich cũng đã phạt 800 triệu euro vì những gian lận tương tự của hãng “con” của hãng này là Audi. Trên phạm vi toàn cầu, vụ bê bối đến nay đã khiến tập đoàn Volkswagen tổn thất 28,2 tỉ euro, tương đương 32,7 tỉ đô la Mỹ, bao gồm tiền phạt, tiền phải nộp cho các cơ quan chức năng, tiền bồi thường và sửa xe cho khách hàng. Chưa hết, hãng này đang bị các cổ đông ở Đức cáo buộc lừa dối họ, kiện ra tòa đòi bồi thường số tiền hơn 9 tỉ euro.

Vụ bắt lãnh đạo của Nissan cũng như vụ án Volkswagen là những ví dụ cho thấy (1) không phải trong kinh tế thị trường không có tham ô, gian trá; (2) song, sớm muộn gì cũng sẽ lộ tẩy và bị trừng trị nghiêm khắc, công khai; (3) không chỉ đương sự mà cả công ty liên quan cũng tổn thất khi bị “trừng phạt” trên các thị trường chứng khoán với việc cổ phiếu mất giá do mất niềm tin.

The Economist 21-7-2012 đã đăng một bài có tựa đề là “Phạt tiền và trừng phạt” với tiêu đề phụ gợi ý: “Kinh tế học về tội phạm cho thấy nên tăng cao hơn tiền phạt các công ty”. Theo bài báo, việc một số công ty hành xử tồi là không có gì mới, nhưng phản ứng của chính quyền đã thay đổi gần đây. Trên bình diện quốc tế, số tiền phạt đã tăng theo hệ số một ngàn trong những năm 1990 và 2000. Dữ liệu từ Mỹ cho thấy điều này không phải là do có nhiều trường hợp vi phạm hơn, không cho thấy xu hướng tăng kể từ cuối những năm 1980, mà là do mức phạt trung bình đã tăng. Các hình phạt gần đây đã phá vỡ mọi kỷ lục. Khoản tiền phạt Barclays bao gồm khoản tiền lớn nhất từng được áp dụng bởi cơ quan quản lý tài chính của Vương quốc Anh và Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai của Mỹ”. Thế nhưng, câu hỏi mà The Economist đặt ra là: tiền phạt có đủ cao để có hiệu quả ngăn ngừa không?

Vấn đề mà The Economist đặt ra không phải mới. Thật ra, trong cương vị của một tờ báo, The Economist chỉ tóm tắt tình hình thôi, đặc biệt là tình hình nghiên cứu học thuật về lĩnh vực này. Từ năm 1968, một nghiên cứu của Gary Becker thuộc Đại học Chicago đã vẽ ra một quy trình trong đó các tội phạm kinh tế cân nhắc các tổn thất cùng các lợi ích dự kiến của việc vi phạm pháp luật. Tổn thất dự kiến cho hành vi vô luật pháp là sản phẩm của hai điều: (1) cơ hội bị bắt, và (2) mức độ nghiêm trọng của hình phạt nếu bị bắt. Từ đó có thể sử dụng “quy trình” trên để kiểm tra xem mức phạt có phù hợp và để xem liệu có lý do nào để các công ty miễn trừ tiền phạt không.

The Economist cho biết xu hướng “hãy để thị trường trừng phạt” mà “đầu tàu” là trường phái Đại học Chicago tỏ ra không hiệu quả. Nếu chỉ trông mong vào tác động tẩy chay của thị trường, thì không phải lúc nào cũng đủ để đảm bảo các công ty sẽ có những hành vi tốt. Cũng có xu hướng muốn trừng trị thật nặng, thậm chí tịch thu tài sản. Xu hướng dung hòa là cân nhắc hình phạt dựa trên những dữ liệu về các tập đoàn nhằm tính toán các khoản tiền phạt này cho tương xứng. Tóm tắt của The Economist cho thấy kinh tế thị trường, cho dù có phát triển cả trong xấu xa, vẫn luôn được theo dõi, kiểm tra không chỉ bởi các cơ quan chấp hành pháp luật mà còn bởi giới học thuật, tức xã hội không để cho cái xấu cứ “tự nhiên” phát triển, càng không phán vu vơ kiểu “không xếp hàng là do mặt trái của kinh tế thị trường”!

Có là võ đoán không khi từ đó mà cho rằng trừng phạt nghiêm và công khai việc trừng phạt “dường như” là khác biệt giữa các nền kinh tế thị trường trưởng thành với các nền kinh tế chuyển đổi? Tạm mượn bằng cớ là sau những vụ như vụ Khải Silk, các phát hiện trên báo chí sau khi bại lộ càng ầm ĩ bao nhiêu thì kết quả xử lý càng thinh lặng bấy nhiêu, nếu không nói là bặt tăm. Y hệt chuyện các thiếu gia nam nữ lớn nhỏ “đạp nhầm chân ga” gây tai nạn chết người, khi mới xảy ra tai nạn thì ồn ào tin tức, sau đó chẳng thấy xử lý thế nào, thì lấy gì mà giáo dục và răn đe đại chúng!

Cũng tương tự, chuyện anh A, anh B cứ thế “bốc hơi”, không bị dẫn độ, thay nhau hạ cánh an toàn ở nơi này, nơi nọ. Cảm giác “không bị trừng phạt” (impunity) chính là “mẹ” của mọi tội lỗi liên quan đến liêm chính và tài sản quốc gia. Làm sao chống tham nhũng khi vẫn cứ còn cảm giác “impunity”?

Mặt trái thật của kinh tế thị trường

Có một câu chuyện về hai mặt của kinh tế thị trường. Số là vào năm 1999, Trung Quốc mới chỉ cải cách được hơn 20 năm, tính từ tháng 12-1978, nên việc cổ vũ kinh tế thị trường (cho dù là theo đặc tính Trung Quốc) vẫn đang là một bản đồng ca thịnh hành. Trong một diễn thuyết tại Đại học Nam Kinh vào tháng 10-1999, GS. Bertell Ollman, khoa học chính trị Đại học New York, đã phản bác ý kiến của GS. Kang Ouyang nước chủ nhà: “Không phải là một dấu hiệu tốt khi đánh giá của GS. Kang về nền kinh tế thị trường của Trung Quốc chỉ cung cấp cho chúng ta một mặt của bức tranh, chỉ đưa ra những lập luận cỗ vũ thị trường và chỉ đưa ra kết quả tích cực về kinh nghiệm của Trung Quốc với thị trường”.

GS. Ollman liệt kê một số mặt trái của kinh tế thị trường: “Các ưu tiên đầu tư bị bóp méo, vì vốn liếng được hướng vào những gì sẽ kiếm được lợi nhuận lớn nhất và không phải là thứ mà hầu hết mọi người thực sự cần (vì vậy mà y tế cộng đồng, giáo dục công cộng và thậm chí đê điều ít được chú ý); việc bóc lột công nhân ngày càng tồi tệ, vì càng làm việc chăm chỉ hơn, nhanh hơn và lâu hơn song lại được trả lương càng ít, người chủ lao động càng kiếm được nhiều lợi nhuận (với sự khuyến khích và thúc đẩy của các đối thủ cạnh tranh, các nhà tuyển dụng luôn tìm ra những cách mới để tăng cường khai thác)...”.

Không dừng ở đó, GS. Ollman đề cập đến một mặt trái khác: “Sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế ngày càng tăng (người giàu trở nên giàu hơn trong khi những người khác trở nên nghèo hơn liên quan đến sự giàu có đang gia tăng nhanh chóng của người giàu). Với khoảng cách giàu nghèo như vậy, các mối quan hệ xã hội bình đẳng trở nên bất khả (những người có nhiều tiền bắt đầu nghĩ mình là một loại người sáng láng hơn và xem người nghèo với sự khinh miệt, trong khi người nghèo vừa thù hận, thèm khát, vừa bất phục người giàu)”. Và ông nói đến một mặt trái mà ngày nay dưới trào ông Tập Cận Bình đang ra sức dẹp bỏ: “Những người có nhiều tiền nhất bắt đầu tạo ra một ảnh hưởng chính trị thái quá mà họ sử dụng để giúp bản thân kiếm được nhiều tiền hơn”.

Phân tích của GS. Ollman chỉ là một trong vô vàn các nghiên cứu kinh điển về cái lợi và bất lợi của kinh tế thị trường, mà mẫu số chung là “không ăn nhập” gì đến những “trục trặc” trong một số xã hội.

Giáo dục thường xuyên

Tháng 5-1993, lần đầu tiên người viết sang Singapore, không thể không ngạc nhiên “sao họ ngăn nắp đến thế!”, khi thấy những quy định cùng khắp, nào là “xả rác bị phạt...”, “ăn, uống trên xe (điện, buýt) sẽ bị phạt...”, khi thấy phố xá họ được gìn giữ như thế nào, khi thấy họ xếp hàng, đi đứng, ăn nói đâu vào đó.

Từ đó, không thể không chạnh lòng: làm thế nào mà tính từ ngày độc lập đến nay mới chỉ 28 năm (1965-1993), tức mới chỉ một thế hệ công dân, mà họ đã kỷ cương hẳn! Tiếc rằng làn sóng hâm mộ Singapore bắt đầu vào những năm đó đã không nhắm vào trong chiều sâu ý thức công dân, trật tự xã hội, tinh thần công vụ... mà chủ yếu nhắm vào những “tự thể hiện” bề ngoài bằng việc xây cho bằng được vài tòa cao ốc cho dù phải xóa đi những con phố “tinh túy” mấy trăm năm qua.

Quá trình giáo dục song song với răn đe, phạt vạ ở Singapore nay vẫn còn tiếp diễn. Tạm nêu một ví dụ: Trong khi ở Việt Nam, việc đeo các ba lô sau lưng trong thang máy hay khi đứng chen trên xe buýt vẫn được xem là bình thường, thì trong metro hay xe buýt ở Singapore lại dán những dặn dò “hãy hạ ba lô xuống dưới chân để không choán chỗ”, hoặc ở các trạm metro với những khuyên nhủ đại ý “đường về nhà thì xa, hãy tìm đến sự chia sẻ của những người đi cùng đường” như một kêu gọi hãy giúp đỡ nhau. Tuyệt nhiên cả ở Singapore hay tất cả những nước người viết đã đi qua, không thấy cảnh “xếp hàng bằng cục gạch” (mà mặt trái chính là nạn “bảo kê” giữ chỗ).

Giáo dục bằng cái gì? Còn nhớ quyển “Vô gia đình” của Hector Malot qua ngòi bút dịch của Hà Mai Anh đã vừa là sách gối đầu giường vừa là sách “giáo dục công dân - bài đọc ngoại khóa” của mấy thế hệ ngăn nắp nhờ những mẩu chuyện như cả gánh xiếc bị hiến binh bắt về đồn vì đã khuya rồi mà còn kéo đàn gây huyên náo - trái với ngày nay, loa mở hết công suất tại các cửa hàng, tiệm karaoke, quán nhậu “hét” với nhau...


Danh Đức

Theo Saigontimes


undefined